Gỡ khó để xuất khẩu cán đích

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, để phấn đấu kết quả cho cả năm 2015, hai tháng còn lại phải dồn lực, đòi hỏi nhiều nỗ lực của các ngành.


Trước những lo ngại về nhập siêu đang quay trở lại và sẽ cao hơn kế hoạch của năm nay, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Nhập siêu không phải là hiện tượng đặc biệt của năm nay mà đã được dự báo trước. Con số nhập siêu không đáng lo và mục tiêu giữ nhập siêu bằng 5% kim ngạch xuất khẩu là hoàn toàn có thể thực hiện được.

Kiến nghị của các ngành hàng chủ lực

Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2015 là tăng 10% so với năm 2014, nhưng 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu mới đạt 73,2%. Do đó, bình quân mỗi tháng cuối năm, Việt Nam phải đạt hơn 14,7 tỷ USD mới cán đích.

Chia sẻ những khó khăn mà lĩnh vực xuất khẩu đang phải đối mặt, bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, năm nay diễn biến thị trường rất phức tạp. Ngay từ cuối năm 2014 sang đầu 2015, xuất khẩu bắt đầu bước vào giai đoạn khó khăn bởi doanh nghiệp bị giảm đơn hàng. Mới vào quý I của năm, doanh nghiệp đã thiếu việc, quý II, quý III thì có chút "cao trào", nhưng sang quý IV xuất khẩu lại giảm.

Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty thủy sản Trung Sơn (Kiên Giang). Ảnh: Bùi Như Trường Giang - TTXVN

Không những thế, trào lưu đầu tư vào ngành dệt may ngày một nhiều khiến cho đơn hàng xuất khẩu đến tay doanh nghiệp cũng ngày một hạn chế. Đây là nguyên nhân khiến cho kim ngạch xuất khẩu năm 2014 tăng trưởng 17 - 18% nhưng năm nay chỉ 10%. Dự kiến, 3 tháng cuối năm kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành dệt may sẽ cán đích là 27 - 27,5 tỷ USD cho tất cả các mặt hàng, tăng trưởng khoảng 9,3 - 11%.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng đưa ra dự báo kim ngạch xuất khẩu của ngành này trong năm 2015 sẽ giảm khoảng 10 - 15% và chỉ đạt 6,6 - 6,7 tỷ USD giá trị, giảm hơn 1 tỷ USD so với năm ngoái. Sở dĩ có tình trạng này, ông Nam cho rằng với hầu hết các nhóm mặt hàng đều giảm giá sâu. Mặc dù Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều giải pháp nhưng vòng xoáy giảm giá đã khiến các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu đều co hẹp sản xuất.

Để giúp ngành xuất khẩu thủy sản giảm thiểu khó khăn, ông Nam đã kiến nghị Nhà nước cần giảm lãi suất vay ngắn hạn (hiện nay là 7%). Năm ngoái, đề xuất được giảm 1% về tỷ giá nhưng chưa đủ bởi giá thành sản xuất của Việt Nam hiện nay rất cao. Bên cạnh đó, ông Nam cũng cho rằng, việc tăng lương chủ yếu vào quỹ công đoàn và quỹ bảo hiểm xã hội chứ không phải vào người lao động nên nếu tăng lương thì thu nhập người lao động cũng không tăng, trong khi doanh nghiệp cũng mất một lượng tiền hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng khiến xuất khẩu càng ngày càng khó khăn.

Đại diện cho các doanh nghiệp da giày, ông Lê Xuân Dương, Trưởng ban Pháp chế - Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam cho hay, trong những năm gần đây, tăng trưởng của da giày có yếu tố doanh nghiệp FDI, chiếm đến 80% kim ngạch xuất khẩu. Sở dĩ vậy bởi doanh nghiệp Việt Nam ngoài việc thiếu vốn, công nghệ còn thiếu thị trường. Vì vậy, ông Dương đề xuất, từ nay đến cuối năm, Hiệp hội mong muốn Bộ rà soát đánh giá lại, xem có vấn đề nào thiết thực, cần cụ thể hóa để các đơn vị chức năng thực hiện tốt hơn, hỗ trợ cho doanh nghiệp. Điều này sẽ thật sự trở nên ý nghĩa với các doanh nghiệp đầu tư trong nước.

Không điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng

Theo ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, nhằm góp phần tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu về xuất nhập khẩu Quốc hội đã thông qua cho năm 2015, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Kế hoạch, các Cục, Vụ quản lý sản xuất phối hợp với cơ quan liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để đẩy mạnh xuất khẩu.

Theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, để phấn đấu kết quả cho cả năm 2015, hai tháng còn lại phải dồn lực, đòi hỏi nhiều nỗ lực của các ngành. Tuy nhiên, dù thế nào, Chính phủ cũng thống nhất không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, kể cả xuất khẩu. Vấn đề đặt ra là phải làm sao đạt được chỉ tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 10%.

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị hiệp hội, doanh nghiệp từ nay đến cuối năm kết nối chặt chẽ với Bộ Công Thương để mục tiêu xuất khẩu có thể cán đích tốt đẹp. Đặc biệt, trong 5 nhóm giải pháp đã được nêu tại hội nghị giao ban xuất khẩu, Thứ trưởng cho rằng cần quan tâm nhất đến việc phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về tín dụng, thị trường để cắt giảm chi phí sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu. Vì thế, các ngân hàng tính toán lại lãi suất trung - dài hạn, vì nếu không đầu tư trung và dài hạn thì doanh nghiệp sẽ khó tạo được nguồn hàng cho các năm sau.

Uyên Hương
Tạo hành lang pháp lý thống nhất để khuyến khích sản xuất, xuất khẩu
Tạo hành lang pháp lý thống nhất để khuyến khích sản xuất, xuất khẩu

Sửa đổi Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu nhằm tạo hành lang pháp lý thống nhất để khuyến khích phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu; bảo hộ hợp lý, có chọn lọc phù hợp với tiến trình hội nhập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN