Công nhân làm việc tại xí nghiệp chế biến lúa gạo. Ảnh: Mạnh Linh - TTXVN |
Thông tin trên được ông Huỳnh Minh Huệ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho hay tại buổi họp giao ban trực tuyến do Bộ Công Thương tổ chức ngày 5/10 tại Hà Nội. Điều này sẽ giúp xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những tháng tới khả quan hơn, tăng trưởng ổn định hơn kể từ quý 4/2015 và kéo dài đến quý 1/2016.
Ông Huỳnh Minh Huệ cũng cho hay, giá lúa gạo đang ấm lên và gần đây đã tăng khoảng 300 đồng/kg so với những tháng trước và xu hướng này sẽ tiếp tục kéo dài khi Việt Nam thực hiện phân bổ các hợp đồng tập trung (chưa tính các hợp đồng thương mại mới sẽ ký).
Tuy nhiên, việc tăng khối lượng xuất khẩu cũng đặt ra sức ép đối với các doanh nghiệp trong nước khi sản lượng lúa gạo vụ Thu Đông sắp kết thúc cộng với lượng tồn kho chỉ khoảng là 1,5 triệu tấn. Do vậy, lãnh đạo hiệp hội đề nghị các doanh nghiệp cần phải cân đối lại nguồn cung phục vụ đủ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Bởi nếu tính hợp đồng thương mại mà Việt Nam đã ký là 1,3 triệu tấn và hợp đồng tập trung là 1,5 triệu tấn thì 6 tháng tới sẽ khá căng thẳng trong cân đối.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, việc cung cấp thông tin thị trường phải hết sức cẩn trọng, bám sát tín hiệu thị trường. Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan triển khai nhiều giải pháp để có thể hoàn thành mục tiêu của Chính phủ là xuất khẩu hết lúa gạo cũng như đảm bảo thu nhập cho nông dân và lợi nhuận của doanh nghiệp.
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đề cập tới yếu tố tăng trưởng bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó nhiều mặt hàng; trong đó có lúa gạo vẫn phải trông chờ nhiều vào các thị trường truyền thống và thị trường tập trung, do vậy, cần tập trung tái cơ cấu, nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu để tránh những tổn thương khi nhu cầu tại các thị trường nhập khẩu sụt giảm.
Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, khối lượng gạo xuất khẩu 9 tháng năm 2015 hơn 4,3 triệu tấn, tương ứng giá trị khoảng 1,95 tỷ USD, giảm 9,12% về khối lượng và giảm 14,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Nguyên nhân là do nhu cầu tại các thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam trong các tháng đầu năm sụt giảm mạnh, cộng với yếu tố giảm giá sản phẩm.