Khó cạnh tranh vì thiếu thương hiệu
Xếp thứ 3 trên thế giới về xuất khẩu gạo, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu trung bình 6,7 triệu tấn gạo. Nhưng thật đáng buồn hầu hết đều là xuất thô, gạo không có thương hiệu nên giá trị thấp. Hiện gạo Việt Nam được chào bán với giá 340 - 350 USD/tấn, trong khi gạo Thái Lan được bán với giá khoảng 450 USD/tấn, có loại tới 1.000 USD/tấn.
Việt Nam đang gặp khó khăn trong xuất khẩu gạo, tồn kho lớn. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN |
Tình trạng này tồn tại đã nhiều năm nay, nhưng phải tới khi xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn, chúng ta mới nghĩ tới việc làm thương hiệu. Thực tế, trong 8 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu gạo của Việt Nam ước đạt 4,09 triệu tấn và 1,76 tỷ USD, giảm 8,6% về khối lượng và giảm 13,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
Theo các chuyên gia xuất khẩu, từ nhiều năm nay chúng ta không chú ý tới chất lượng gạo, mà chỉ chú ý tới xuất được số lượng bao nhiêu. Nhưng hiện nay, thị hiếu của người tiêu dùng đã thay đổi, các nước như: Phillippiné, Indonesia... không còn nhập khẩu ồ ạt nữa. Buộc Việt Nam phải điều chỉnh theo hướng gạo chất lượng cao, có thương hiệu. Một nguyên nhân khác khiến Việt Nam chưa thể xây dựng được thương hiệu cho gạo xuất khẩu là do chưa có bộ giống tốt.
Ông Lê Thanh Khiêm, Phó giám đốc Công ty lương thực Tiền Giang chia sẻ, chúng ta có hàng trăm loại giống nhưng chưa có hệ thống chọn lọc đánh giá mang tính lâu dài. Trong khi đó, Thái Lan do có hệ thống bảo tồn nguồn gen gốc nên các giống lúa sản xuất nhiều năm không bị thoái hóa, còn ở Việt Nam các bộ giống chỉ sản xuất được vài mùa. Chúng tôi đã đặt hàng nhiều trung tâm nghiên cứu giống để có nguồn giống tốt nhưng tới nay vẫn chưa có hệ giống chuẩn.
Về vấn đề này, ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông lâm sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) thừa nhận, cơ cấu giống lúa của Việt Nam đa dạng nhưng thiếu các giống lúa chủ lực, có chất lượng cao để hình thành các sản phẩm mũi nhọn, tiếp cận hiệu quả vào thị trường quốc tế. Vì vậy, thị trường xuất khẩu của gạo Việt Nam chủ yếu ở phân khúc trung bình và thấp, gạo xuất khẩu có chất lượng cao chiếm tỷ trọng thấp, chất lượng gạo xuất khẩu chưa đồng đều.
Chính vì vậy, áp lực cạnh tranh đối với gạo Việt Nam không chỉ là vấn đề giá, chất lượng, mà việc xây dựng thương hiệu, duy trì uy tín, lòng tin của thị trường thế giới đối với gạo Việt Nam là yêu cầu cấp bách và quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu.
Giống là khâu đột phá
Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đều khẳng định, để xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, trước hết phải có bộ giống tốt, tạo ra chất lượng đồng đều, từ đó mới nghĩ tới chuyện làm thương hiệu.
Ông Lê Thanh Khiêm, Phó giám đốc Công ty lương thực Tiền Giang cho rằng, giống là khâu đầu tiên, khâu đột phá. Hiện nay, riêng gạo thơm Việt Nam cũng có hàng chục loại giống nên phải tạo ra loại giống có chất lượng cao để xây dựng thương hiệu.
Để giải quyết bài toàn này, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh cho biết, bước đầu tiên là chúng ta phải lựa chọn được một số giống gạo thơm cho vùng đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó xây dựng đề án chuỗi giá trị cho các loại gạo này, từ khâu tạo giống tới khâu canh tác, chế biến, tiêu thụ. Chúng tôi sẽ huy động tất cả nguồn lực để tạo ra các giống tốt, không để thoái hóa. Tạo ra quá trình canh tác tiên tiến, đảm bảo chất lượng, xây dựng đề án bảo hộ thương hiệu chỉ dẫn địa lý.
Tháng 5/2015, Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là đề án mang tầm quốc gia đầu tiên của Việt Nam đối với xây dựng thương hiệu nông sản. Theo đề án, tới năm 2020 phải có 20% sản lượng xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam. Tới năm 2030 đạt 50% gạo xuất khẩu Việt Nam có thương hiệu.
Để đạt được điều này, ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông lâm sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho biết, chúng ta phải xác định doanh nghiệp là chủ thể trong xây dựng thương hiệu. Nhà nước sẽ có chính sách, giải pháp cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ DN chủ động, tích cực tham gia hiệu quả vào quá trình này.
Còn theo các doanh nghiệp, họ sẽ trực tiếp làm thương hiệu nhưng Nhà nước phải có vai trò “nhạc trưởng” đứng ra hỗ trợ doanh nghiệp, đàm phán các hợp đồng bán gạo ra thị trường quốc tế, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tổ chức các triển lãm quốc tế về lúa gạo.
TS. Pussadee Posaram Giám đốc Trung tâm Chiến lược AEC, trường đại học của Phòng Thương mại Thái Lan: Gạo Thái Lan xuất khẩu có tên thương hiệu là “Thai Jasmine Rice” hay “Thai Fragrance Rice”. Đây là các sản phẩm đầu tiên ở Đông Nam Á được đăng ký theo chương trình bảo hộ chỉ dẫn địa lý (PGI) của liên minh châu Âu. Ngoài ra, để quản lý chất lượng gạo xuất khẩu, chúng tôi có Cục quản lý thương mại gạo để kiểm soát và điều hành xuất khẩu gạo, đàm phán các hợp đồng, xúc tiến thương mại. Hiện nay, gạo Thái Lan xuất khẩu đều được đóng bao bì in nguồn gốc xuất xứ. Chính phủ cấp phép đánh dấu bằng biểu tượng chính thống cho tất cả loại gạo Jasmine Thái Lan trước khi xuất khẩu. Người tiêu dùng có thể nhận ra logo được in khi đóng gói hay dán vào đó. |