Giải bài toán tăng xuất khẩu, giảm nhập siêu

Để đạt được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2015 là 165 tỷ USD, những tháng cuối năm kim ngạch xuất khẩu sẽ phải đạt từ 45 tỷ USD trở lên (bình quân 1 tháng phải đạt 15 tỷ USD).

Đây thực sự là áp lực lớn. Bởi vậy, thời gian này và cả những năm tiếp theo, ngành công thương phải đối mặt với bài toán làm sao thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu để giảm nhập siêu.

Nhập siêu có xu hướng tăng

Bộ Công Thương dự báo, nhập siêu sẽ có xu hướng tăng trong những tháng cuối năm khi kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi vững chắc hơn. Mặc dù tác động việc điều chỉnh tỷ giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc chưa thể hiện rõ trong kết quả hoạt động xuất nhập khẩu 9 tháng qua, nhưng trong quý IV nhập siêu từ Trung Quốc có khả năng tiếp tục tăng cao.

Việt Nam tăng cường xuất khẩu nông sản để giảm nhập siêu. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN


Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng của năm 2015, Việt Nam đã nhập siêu ở mức 3,9 tỷ USD, bằng 3,2% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu; trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu cao ở mức 15,8 tỷ USD (cùng kỳ năm 2014 là 4,1 tỷ USD). Riêng nhập siêu từ Trung Quốc là 24,3 tỷ USD, tăng mạnh ở mức 21,3% so với cùng kỳ năm 2014.

Nguyên nhân dẫn đến việc Việt Nam vẫn có xu hướng nhập siêu được các chuyên gia kinh tế cho rằng, thứ nhất là các mặt hàng như cà phê, gạo... giảm khá sâu về giá và lượng so với cùng kỳ đã làm giảm giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực khoảng 7,2% so với cùng kỳ.

Cụ thể, ngành hàng cà phê có kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh nhất trong các mặt hàng nông sản. Trong 9 tháng xuất khẩu ước 961.000 tấn, đạt tổng giá trị 1,96 tỷ USD, giảm 31,2% về khối lượng và giảm 32,2% về giá trị so cùng kỳ. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 8 tháng năm 2015 đạt 2.054 USD/tấn, giảm 0,23% so với cùng kỳ năm trước.

Gạo cũng là ngành hàng có sự sụt giảm cả về lượng và giá trị trong 9 tháng năm nay với mức giảm 10,1% về khối lượng và giảm 15,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Giá gạo xuất khẩu bình quân 8 tháng năm 2015 đạt 430,87 USD/tấn, giảm 5,08% so với cùng kỳ...

Thứ hai là giá dầu thô cùng theo đà giảm của giá thế giới nên mặc dù sản lượng xuất khẩu tăng đáng kể nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu lại không đạt được mức như năm ngoái.

Nhưng bù lại, có những mặt hàng khác vẫn đạt mức tăng trưởng xuất khẩu cao như dệt may đạt 17,1 tỷ USD, tăng 10,6%; da giầy đạt 8,8 tỷ USD, tăng 18,4%; gỗ và các sản phẩm gỗ đạt 4,9 tỷ USD, tăng 9,1%; điện thoại và các linh kiện đạt 23,2 tỷ USD, tăng 34%; máy tính và linh kiện điện tử đạt 11,4 tỷ USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm trước. Vì vậy, xuất khẩu vẫn đạt được con số tăng trưởng khoảng gần 10%, so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là nước nhập siêu bởi nhu cầu nhập khẩu cho sự phát triển của nền kinh tế vẫn ở mức cao. Theo đó, Việt Nam cần nhập khẩu rất nhiều máy móc thiết bị cho các dự án hạ tầng; nhiều nguyên nhiên vật liệu phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng và chế biến hàng xuất khẩu. Chẳng hạn, trong 9 tháng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 113,5 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 91,1% tổng kim ngạch.

Năm nay, Việt Nam cũng ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng với các nước đối tác, cùng với đó là sự tham gia vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Nhu cầu đầu tư để mở rộng sản xuất của doanh nghiệp và nhu cầu tiêu dùng cũng sẽ tăng, khiến cho nhập khẩu tăng.

Đồng bộ các giải pháp mở rộng thị trường

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, giảm nhập siêu, trước mắt, các ngành chức năng cần tháo gỡ khó khăn xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Sau đó cần thực hiện đồng bộ các giải pháp mở rộng thị trường. Bên cạnh việc thúc đẩy xuất khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp, cần kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, đặc biệt là mặt hàng không thiết yếu. Mặt khác, công tác đấu tranh chống buôn lậu và hàng giả, hàng nhái cần tăng cường để thúc đẩy sản xuất trong nước.

Về lâu dài, phải xây dựng hệ thống các ngành công nghiệp hỗ trợ, nhất là việc tự chủ được khâu nguyên liệu ở các mặt hàng chính, như: dệt may, da giầy, máy móc thiết bị... Đặc biệt, để tránh phụ thuộc vào một thị trường như Trung Quốc cần mở rộng nhập khẩu máy móc thiết bị từ nhiều nguồn khác nhau, chẳng hạn từ Mỹ, EU, Nhật Bản để tận dụng các FTA đã và đang chuẩn bị ký kết, đặc biệt là TPP.

Đối với nhập khẩu, Bộ Công Thương cũng thực hiện các giải pháp giảm dần sự phụ thuộc vào bên ngoài, qua đó giảm bớt kim ngạch phải nhập khẩu. Bộ đã có chủ trương, khuyến khích sản xuất trong nước và thay thế những hàng trước đây phải nhập từ nước ngoài nhưng với điều kiện mẫu mã phải đạt yêu cầu, giá cả phải cạnh tranh và chất lượng phải tốt.

Ngay trong thời gian này, Bộ Công Thương đang xúc tiến đẩy mạnh phong trào Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Nếu làm đồng bộ các giải pháp trên sẽ góp phần đạt được mục tiêu trong đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, giảm nhập siêu và tiến tới cân bằng cán cân thương mại.

Đỗ Thảo Nguyên
10 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam
10 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam

Tính đến hết ngày 15/9/2015 kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt gần 113 tỷ USD, tăng 9,8% (tương ứng tăng 10,08 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2014.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN