Thưa ông, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong tháng 8 vừa qua điều chỉnh hạ tỷ giá tiền đồng Việt Nam so với USD lần thứ ba (kể từ đầu năm 2015) sẽ ảnh hưởng thế nào đến xuất khẩu trong nước?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. |
Việc NHNN có những động thái điều chỉnh tỷ giá tiền đồng so với USD, cũng như nới biên độ tỷ giá là những phản ứng kịp thời đối với các hoạt động thương mại quốc tế. Chúng ta thấy hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam đã chịu nhiều tác động từ việc Trung Quốc liên tục điều chỉnh tỷ giá đồng nhân dân tệ. Điều này gây tác động không có lợi cho các nước xuất khẩu tại các thị trường EU, Nhật Bản... trong đó có Việt Nam và ngay cả trong mối quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc cũng theo hướng có lợi hơn cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc.
NHNN điều chỉnh tỷ giá tiền đồng giúp giảm bớt tác động bất lợi đến các mặt hàng xuất khẩu của chúng ta. Doanh nghiệp (DN) được tháo gỡ một phần khó khăn, đảm bảo năng lực cạnh tranh tại các thị trường quan trọng như Mỹ, EU, Nhật. Việc điều chỉnh tỷ giá cũng giúp chúng ta trong quan hệ trực tiếp với Trung Quốc về thương mại và các mặt hợp tác khác theo hướng giảm bớt bất lợi. Theo quan sát của chúng tôi, trong các tháng 8 và 9, quan hệ thương mại của Việt Nam với các nước đã có nhiều cải thiện, trong đó có tác động từ việc điều chỉnh tỷ giá của NHNN.
Về lý thuyết, việc đồng Việt Nam rẻ hơn sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu. Tuy nhiên, cùng lúc Việt Nam điều chỉnh tỷ giá thì nhiều nước khác cũng điều chỉnh tỷ giá theo hướng giảm. Vậy hàng xuất khẩu Việt Nam có còn lợi thế so sánh theo tỷ giá không, thưa ông?
Việc Trung Quốc liên tục điều chỉnh tỷ giá đã khiến hàng loạt nước, kể cả nước phát triển cũng thay đổi tỷ giá đồng tiền của mình. Các quốc gia xuất khẩu cùng điều chỉnh tỷ giá chứng tỏ họ cũng đang tìm cách nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu của họ, trong đó có những sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với chúng ta tại cùng một thị trường.
Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý rằng, các nước xuất khẩu có phân khúc sản phẩm, phân khúc thị trường khác nhau. Một số quốc gia đã định vị được sản phẩm của mình tại từng thị trường, sản phẩm của họ khẳng định được vị thế thông qua giá trị thương hiệu, lợi thế so sánh. Nhiều sản phẩm dệt may của chúng ta đã định vị được tại thị trường Mỹ, Nhật, EU mà các quốc gia khác không có lợi thế so sánh như chúng ta không làm được. Chẳng hạn, lợi thế so sánh của Việt Nam không chỉ là lao động giá rẻ, cần cù... mà còn là môi trường đầu tư ổn định. Nhờ đó, chúng ta đã vươn lên thành nhà xuất khẩu dệt may lớn thứ hai vào Mỹ, chỉ sau Trung Quốc. Như vậy, cùng một câu chuyện tỷ giá thay đổi nhưng tại các thị trường khác nhau thì các nhà xuất khẩu sẽ gặp các khó khăn khác nhau, phụ thuộc vào lợi thế so sánh của mỗi nước.
Lợi thế so sánh của Việt Nam là tuy đi sau nhưng mở cửa nhanh, bắt kịp xu thế chung của thế giới về hội nhập, tự do hóa thương mại (đã kí kết 10 FTA và còn một loạt FTA khác đang đàm phán); tiếp cận xu thế phát triển nhanh của công nghệ thế giới; có địa chính trị thuận lợi tại khu vực châu Á Thái Bình Dương - nơi dịch chuyển của các dòng đầu tư thế giới. Đó là những điều kiện rất thuận lợi mà nhiều nước khác không có.
Mặt khác, tỷ giá chỉ ảnh hưởng một phần nhỏ đến năng lực cạnh tranh của hàng hóa. Một phần lớn khác là các yếu tố chi phí sản xuất (liên quan đến giá trị thương hiệu, chất lượng sản phẩm)... Chính sách của nhà nước liên quan đến tỷ giá chỉ giúp cho DN một phần. Quan trọng vẫn là năng lực và chiến lược dài hạn của DN trong việc xây dựng thương hiệu dựa trên giá thành sản xuất, chất lượng sản phẩm, khả năng đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường...
Thưa ông, nhiều nhà xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường Nhật và EU than gặp khó khăn do tiền các nước này mất giá. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Ngay sau khi có sự điều chỉnh tỷ giá đồng nội tệ của một số nước so với USD, chúng tôi thấy có một số khó khăn cho DN xuất khẩu thủy sản, thực phẩm chế biến vào EU, Nhật... Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng chưa thực sự rõ nét, chưa có tính hệ thống. Cụ thể, qua thống kê của hải quan, xuất khẩu của ta sang EU tháng 8 tăng 15%, sang Nhật lại giảm hơn 5%. Tất nhiên, nói như vậy không phải là phủ nhận khó khăn. Nhưng so với các yếu tố khác đang thực sự trở thành nguy cơ đe dọa khả năng cạnh tranh của hàng hóa chúng ta (chất lượng sản phẩm, giá thành, hàm lượng công nghệ, hiệu suất lao động...) thì tỷ giá đồng tiền mang tính thứ yếu hơn, chưa phải nguy cơ lâu dài.
Với những động thái kịp thời của NHNN, khó khăn của các nhà xuất khẩu về cơ bản đã được tháo gỡ. Tuy nhiên, các DN cần lưu ý, sự chủ động của DN trong nghiên cứu và xây dựng chiến lược thị trường chiếm vai trò quan trọng hàng đầu. DN phải định vị lại năng lực cạnh tranh và khả năng tiếp cận thị trường của sản phẩm, xây dựng chiến lược thị trường hài hòa dựa trên năng lực sản xuất, kinh doanh của mình. Lưu ý, chiến lược thị trường phải thường xuyên được cập nhật kịp thời, đón đầu các cơ hội do hiệp định thương mại mang lại. Cuối cùng, khẳng định vị thế trong cạnh tranh quốc tế thông qua chất lượng sản phẩm.
Xin ông cho biết triển vọng xuất nhập khẩu từ nay đến hết năm?
Theo số liệu thống kê, 8 tháng qua, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt 9,3%. So với kế hoạch tăng trưởng xuất khẩu 10% thì chúng ta chưa đạt nhưng nhập siêu vẫn giữ ở mức 3,2% (dưới mục tiêu 5%). Xuất khẩu 8 tháng gặp một số khó khăn như: giá dầu biến động phức tạp và dao động ở mức thấp; nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực đã giảm tốc như gạo, cao su, cà phê, thủy sản; nhiều nước hạn chế nhập khẩu để đa dạng hóa thị trường nhập khẩu...
Tuy nhiên, nếu so sánh trên bản đồ xuất khẩu thế giới thì thấy hàng loạt quốc gia, kể cả Trung Quốc, Indonesia đều có sự sụt giảm mạnh về xuất khẩu. Vì vậy, đánh giá chung xuất nhập khẩu 8 tháng đầu năm, đó là sự nỗ lực rất lớn của nhà nước và các DN. Bốn tháng cuối năm sẽ có sự tăng tốc nhanh hơn của xuất khẩu do theo quy luật của thị trường quốc tế, những tháng cuối năm là cao điểm thực hiện hợp đồng thương mại của dệt may, da giày, nông sản... Cuối năm cũng là dịp DN chuẩn bị những hợp đồng “gối đầu” cho năm mới. Đồng thời, hàng loạt chính sách của Chính phủ về thủ tục, tín dụng, lãi suất, đào tạo nhân lực... sẽ giúp DN ổn định trong sản xuất, kinh doanh. Do vậy, mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu trên 10% cũng như duy trì nhập siêu dưới mức 5% là có thể đạt được.
Xin cảm ơn ông!