Tại buổi họp giao ban tháng 8 của Bộ Công Thương tổ chức ngày 3/9, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Nguyễn Tiến Vỵ cho biết, trong những tháng cuối năm, dự báo giá và lượng xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản, khoáng sản giảm sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Khả năng tăng trưởng ở mức thấpTheo báo cáo của Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), tháng 8 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là thủy sản, nông sản giảm 10,2%. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn cung các nước xuất khẩu dồi dào, dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường như từ Thái Lan, Ấn Độ; giá dầu thô giảm kéo theo chính sách duy trì giá trị đồng nội tệ thấp để thúc đẩy xuất khẩu của nhiều quốc gia, đồng thời dẫn đến hạn chế nhập khẩu… Đặc biệt, nhóm nhiên liệu khoáng sản giảm 46,6%, chủ yếu do sự sụt giảm của xuất khẩu dầu thô (dầu thô giảm 0,6% về lượng và giảm 48,7% về kim ngạch, do giá giảm 48,4%).
Xuất khẩu thủy sản sụt giảm trong tháng 8 vừa qua. Ảnh: Trường Giang - TTXVN |
Theo ông Nguyễn Tiến Vỵ, những tháng cuối năm xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước dự kiến tăng trưởng ở mức thấp, do các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của khu vực này là nông sản, thủy sản và khoáng sản đang bị suy giảm; xuất khẩu tăng trưởng chủ yếu ở những nhóm hàng do khối các doanh nghiệp FDI sản xuất và là những mặt hàng dựa vào nguồn lao động rẻ và gia công hơn là những mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Việc tăng trưởng xuất khẩu phụ thuộc khá lớn vào sản phẩm xuất khẩu của một số ít doanh nghiệp FDI nên chưa đảm bảo tính bền vững trong tăng trưởng xuất khẩu, nhất là trường hợp các doanh nghiệp này bị suy giảm doanh số tiêu thụ hay gặp những biến cố bất thường khác.
Ngoài ra, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu nhiều nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất và xuất khẩu; do đó, phụ thuộc nhiều vào thị trường cung cấp ở nước ngoài, khi giá cả và chính sách biến động sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.
Tháo gỡ khó khăn cho DN nhóm hàng chủ lực
Đánh giá về tình hình xuất nhập khẩu thời gian qua, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Phan Thị Diệu Hà cho hay, các doanh nghiệp trong nước 8 tháng năm 2015 giảm về xuất khẩu. Để đẩy mạnh xuất khẩu 10% theo chỉ đạo thì mỗi tháng phải tăng trưởng bình quân hơn 4 tỷ USD.
Tháng 8/2015, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 14,6 tỷ USD, giảm 0,5% so tháng trước và tăng 18,7% so cùng kỳ năm 2014. Như vậy, nhập siêu trong tháng 8 ước 100 triệu USD, bằng 0,7% kim ngạch xuất khẩu. Tính chung 8 tháng, cả nước nhập siêu khoảng 3,6 tỷ USD, bằng khoảng 3,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. |
Do vậy, bà Hà cho rằng, cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhóm hàng nông sản, thủy sản và khoáng sản… Với các mặt hàng này cần tập trung cải cách thủ tục hành chính, tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để tăng xuất khẩu. Cục Xuất nhập khẩu hiện đã triển khai các thông tư để tạo thuận lợi cho việc cấp chứng nhận hàng hóa như việc cấp chứng nhận điện tử và hiện các doanh nghiệp đang tham gia tích cực…
Theo ông Nguyễn Tiến Vỵ, các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục duy trì các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu hiệu quả, lưu ý theo dõi sát diễn biến tỷ giá một số đồng ngoại tệ, đặc biệt là tỷ giá đồng nhân dân tệ, để kịp thời đề xuất các biện pháp ứng phó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng trưởng xuất khẩu 10% và kiểm soát nhập siêu dưới 5% so với kim ngạch xuất khẩu trong năm 2015.
Về định hướng phát triển thị trường, ông Vỵ cho biết, sẽ củng cố vững chắc và từng bước mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại các thị trường truyền thống bao gồm Đông Nam Á, Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc), Trung Quốc, Australia, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Nga và các nước Đông Âu, Canada, Ấn Độ… Bên cạnh đó, sẽ có nhiều hướng đi nhằm giảm bớt sự phụ thuộc của xuất khẩu vào một số thị trường nhất định, qua đó hạn chế rủi ro trước những biến động của thị trường cũng như các yếu tố kinh tế, chính trị khu vực và thế giới.