Tiềm năng đan xen rủi ro khi xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc

Ngày 26/8 tại TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Việt Nam (VASEP) tổ chức hội thảo "Thị trường thủy sản Trung quốc là thị trường quan trọng trong tương lai của Việt Nam".

Theo các đại biểu, Trung Quốc là một thị trường tiềm năng nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro nếu các doanh nghiệp không quan tâm đến vấn đề chất lượng và thương hiệu sản phẩm.

Chế biến cá tra phi lê xuất khẩu. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN


Từ thực tế của ngành cá tra

Trung Quốc được đánh giá là một trong những thị trường tiêu thụ khá tiềm năng của ngành thủy sản Việt Nam nói chung và ngành cá tra nói riêng. Trong 5 năm gần đây, tỷ trọng xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Trung Quốc tăng trưởng mạnh với mức trung bình 21% đến 31%/năm.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Trung Quốc không chỉ là một thị trường rộng lớn mà còn là quốc gia có nền ẩm thực khá phong phú. Trong khi cá tra là sản phẩm phù hợp để có thể biến tấu lên tới hàng trăm món ăn khác nhau, nên ngành cá tra trong nước có thể gia tăng xuất khẩu các sản phẩm giá trị gia tăng vào thị trường này.

Tuy nhiên, xuất khẩu cá tra vào Trung Quốc cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Bà Trương Thị Lệ Khanh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn - một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cho biết, Trung Quốc là thị trường tiềm năng đối với ngành thủy sản Việt Nam nói chung và cá tra nói riêng, nhưng chưa phải là ổn định.

Theo bà Khanh, xuất khẩu cá tra vào thị trường Trung Quốc tăng trưởng liên tục. Song vẫn tồn tại một thực tế là các doanh nghiệp bán hàng vào thị trường này vẫn theo lối tư duy cũ là sản xuất cái gì thì bán cái đó, mà không khảo sát nhu cầu thị trường, để có thể vừa kiểm soát tốt về giá cả, vừa đảm bảo đủ lượng cho tiêu thụ.

Bên cạnh đó, các quy định của nhà nước Trung Quốc cũng khiến cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam bối rối. Chẳng hạn về quy định dư lượng photphat trong cá tra, hiện quy định của hàng không hóa chất của châu Âu là hàm lượng này không vượt quá 4% .

Tuy nhiên, phía Trung Quốc khi kiểm tra sản phẩm cá tra Việt Nam lại nhận định sản phẩm có dư lượng, không đạt tiêu chuẩn của nước họ. Đặc biệt, với sản lượng cá tra gia tăng xuất khẩu vào thị trường tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2015, phía Trung Quốc hiện đang bắt đầu siết chặt vấn đề an toàn đối với mặt hàng này.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, việc kiểm soát như trên không công bằng đối với các sản phẩm nhập khẩu theo đường chính ngạch. Trung Quốc hiện không kiểm soát chất lượng đối với các mặt hàng nhập theo đường biên mậu. Trong khi đó, hàng hóa qua đường biên mậu lại không phải chịu 17% thuế VAT nên khả năng cạnh tranh về giá là rất lớn so với các sản phẩm nhập chính ngạch.

Đến khó khăn chung của ngành thủy sản

Theo VASEP, Trung Quốc hiện là một trong những thị trường nhập khẩu thủy sản chính của Việt Nam, đứng thứ 4 và chiếm 8% tỷ trọng xuất khẩu trong năm 2014. Tỷ trọng xuất khẩu của tôm trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc tăng từ 13% vào năm 2003 và lên tới 70% trong năm 2014.

Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2015, do khó khăn chung của xuất khẩu tôm nên mặt hàng này đã giảm kim ngạch xuất khẩu xuống còn 28% so với cùng kỳ 2014, kéo theo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc cũng giảm 0,8%.

Trong khi đó, mặt hàng cá tra tăng trưởng khá mạnh, 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đạt trên 70 triệu USD, tăng 50,7% so với năm 2014. Đến tháng 7/2015, Việt Nam có 623 cơ sở được phía Trung Quốc công nhận để xuất khẩu thủy sản vào thị trường này.

Bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo và Xúc tiến thương mại VASEP cho biết, tình trạng thương lái thu gom thủy sản nguyên liệu, đặc biệt là tôm và mực, bạch tuộc dạng nguyên liệu đưa qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc đang khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam thiếu nguyên liệu chế biến, ảnh hưởng đến các hợp đồng đã ký với các đối tác.


Việc ồ ạt thu mua xuất khẩu tôm nguyên liệu có thể dẫn đến tình trạng mất cân đối nghiêm trọng cơ cấu xuất khẩu, xuất thô nguyên liệu ngày càng tăng, ảnh hưởng xấu đến chiến lược phát triển ngành và hiệu quả đầu tư.

Khi thương lái mua theo hình thức trên, vấn đề chất lượng, đặc biệt là kháng sinh và tạp chất trong tôm có nguy cơ không kiểm soát được, ảnh hưởng đến hình ảnh tôm của Việt Nam. Bên cạnh đó, các thủ tục hải quan, chính sách tiền tệ… của Trung Quốc cũng khiến doanh nghiệp xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Lê Ngọc Anh, Phó trưởng Phòng Chất lượng 1, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD), tôm sú sống hiện đang bị đình chỉ xuất khẩu sang Trung Quốc, do phát hiện dịch bệnh ở tôm.

Trước tình hình này, NAFIQAD đã hướng dẫn các doanh nghiệp, địa phương và phối hợp với Cục Thú y thực hiện việc lấy mẫu giám sát dịch bệnh, kiểm tra và nâng cấp điều kiện vệ sinh thú y và an toàn dịch bệnhh ở các cơ sở nuôi.

Ngoài con tôm, phía NAFIQAD cũng đang đẩy mạnh các hoạt động giám sát dịch bệnh cũng như vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, xuất khẩu các loài thủy sản.

Để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu thủy sản vào thị trường Trung Quốc trong thời gian tới, đại diện một doanh nghiệp cung ứng thực phẩm của Trung Quốc cho rằng, việc quảng bá thủy sản Việt Nam vào Trung Quốc còn khá hạn chế. Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam cần có chiến lược phát triển lâu dài ở thị trường tiềm năng này.

Trong những năm gần đây, vấn đề an toàn thực phẩm ở Trung Quốc đang rất nóng, do đó các doanh nghiệp xuất khẩu phải lưu ý vấn đề này. Đồng thời, Chính phủ Việt Nam cần tập hợp, thống nhất các nhà xuất khẩu thủy sản lại để đưa ra các tiêu chuẩn an toàn nhất định trong sản xuất và xuất khẩu.

Hứa Chung (TTXVN)
Tác động khủng hoảng Trung Quốc đến các nền kinh tế mới nổi
Tác động khủng hoảng Trung Quốc đến các nền kinh tế mới nổi

Có những lo lắng ngày càng tăng về việc Trung Quốc sẽ khiến các nhà đầu tư rút vốn ra khỏi các thị trường đang phát triển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN