Giúp nông sản Việt vào siêu thị

Siêu thị không phải là kênh phân phối duy nhất để nông sản đến tay người tiêu dùng, nhưng đó là cách cần thiết để quảng bá sản phẩm thương hiệu và tạo đầu ra ổn định. Tuy nhiên, đường vào siêu thị của nhiều nông sản Việt hiện nay còn khá truân chuyên.


BÀI 1: LOAY HOAY TÌM ĐẦU RA CHO NÔNG SẢN


Nhiều loại nông sản nhỏ lẻ, phân tán nên không liên kết được với các doanh nghiệp để tiêu thụ. Tuy nhiên, để nông sản vào được hệ thống siêu thị lại càng khó hơn do rào cản từ chính phương thức sản xuất của người nông dân và điều kiện ngặt nghèo từ phía các siêu thị.

Phụ thuộc thương lái

Trực tiếp đến vùng nhãn Hồng Nam, tỉnh Hưng Yên, phóng viên báo Tin Tức ghi nhận nhiều ý kiến bà con trồng nhãn nơi đây về việc hoàn toàn phụ thuộc vào các thương lái. Các hộ trồng nhãn cho biết, hằng năm đến mùa thu hoạch thì các thương lái về thu mua. Nông dân chỉ biết trồng, nếu thương lái không thu mua thì không biết bán cho ai. Và giá cả vì thế cũng rất bấp bênh do phụ thuộc rất nhiều vào thương lái.

Nhãn lồng tại Hợp tác xã Hồng Nam (Hưng Yên) mặc dù đã có thương hiệu nhưng vẫn chủ yếu tiêu thụ qua các thương lái. Số nhãn vào được siêu thị không đáng kể.


Năm 2006, xã Hồng Nam thành lập mô hình hợp tác xã (HTX) để thu mua nông sản cho bà con với quy mô 300 ha, sản lượng 6.000 tấn/năm. Tuy nhiên, theo ông Trịnh Văn Thinh, Chủ nhiệm HTX, số nhãn tiêu thụ tại các siêu thị, nhà hàng mới chiếm khoảng 5% sản lượng. “Chúng tôi mong muốn tìm được đầu ra ổn định cho thương hiệu nhãn lồng Hưng Yên thông qua các doanh nghiệp đến thu mua, hay ký kết được các hợp đồng tiêu thụ lớn với các siêu thị và nhà hàng”, ông Thinh chia sẻ.

Tại Hải Dương, người dân trồng hành cũng đang gặp nhiều khó khăn, khi đến mùa thu hoạch thì thấp thỏm lo âu không có người về thu mua. Bà Cao Thị Hải ở thôn Vũ Xá, xã Thất Hùng, huyện Kinh Môn, cho biết: “Cả 4 thôn trong xã đều trồng hành, có nhà trồng hơn 1 mẫu. Hình thức tiêu thụ vẫn là bán trực tiếp cho các thương lái đi thu mua trong dân. Năm ngoái, giá hành cao hơn, mỗi sào được khoảng 10 triệu đồng nhưng năm nay chỉ khoảng hơn 7 triệu đồng mà cũng ít thương lái thu mua. Nhiều hộ lo lắng không bán được nên phải chèo kéo đủ cách, bán đổ bán tháo, mong thu lại vốn”. Bà Hải cho rằng, để đảm bảo lâu dài cho người dân chuyển đổi cây trồng và chuyên canh thì chính quyền cần tích cực xúc tiến đầu tư, để các doanh nghiệp và hệ thống siêu thị về thỏa thuận ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con.

Những nông sản có thương hiệu thì càng mong muốn được bán tại siêu thị để quảng bá thương hiệu và nâng cao giá trị của sản phẩm. Ông Lục Văn Nhàn, Chủ tịch Hiệp hội Gà đồi Chí Linh (Hải Dương) chia sẻ, hiện nay, gà đồi Chí Linh được nhiều thị trường ưa chuộng, bán ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nội. Các gia đình nuôi gà ở đây mong muốn gà đồi được phân phối đến với nhiều thị trường hơn nữa, cụ thể là vào nhiều siêu thị, nhà hàng khắp cả nước.

Bất cập khâu sản xuất

Mặc dù là vựa rau lớn bậc nhất miền Bắc với nhiều vùng sản xuất tập trung: cà rốt, hành tỏi, bí, củ đậu, rau ăn lá... (riêng diện tích rau màu cả năm của tỉnh Hải Dương ước khoảng 39.000 ha, sản lượng 900.000 tấn), nhưng Hải Dương gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ. Một số sản phẩm được thị trường đánh giá cao nhưng chưa xây dựng được nhãn hiệu tập thể hoặc chỉ dẫn địa lý như: hành tỏi, cà rốt, ổi, na, cá lồng... dẫn đến khó tìm đầu ra cho sản phẩm. Đại diện ngành nông nghiệp Hải Dương cho biết, sản phẩm muốn vào siêu thị thì phải có thương hiệu tốt nhưng do phương thức sản xuất lạc hậu nên việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm vẫn còn nhiều khó khăn.

Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Sở Nông Nghiệp tỉnh Hưng Yên) cũng thừa nhận, hàng hóa muốn vào siêu thị phải đạt chuẩn VietGAP, tuy nhiên chi cục không chứng nhận được mà chỉ hỗ trợ nông dân xây dựng các vùng hàng hóa đạt chuẩn. “Chi cục kiểm tra, giám sát doanh nghiệp có thực hiện đúng các tiêu chuẩn VietGAP không. Tuy nhiên chính doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm nếu hàng vào siêu thị không đạt yêu cầu, chứ chúng tôi không thể chịu trách nhiệm giúp”, ông Trần Nguyên Tháp, Chi cục trưởng cho hay.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, đặc điểm của các hộ sản xuất nông sản ở Việt Nam hiện nay là quy mô nhỏ, phân tán, hình thức mua bán chủ yếu là tại vườn, thanh toán ngay bằng tiền mặt hoặc phải tạm ứng trước… Vì vậy, chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ hàng hóa số lượng lớn hay những quy trình mua bán bằng hợp đồng, thanh toán sau của siêu thị.

Bài 2: Nông sản vào siêu thị, trăm điều khó
Bài và ảnh: Nhóm PV
Vingroup khởi công nhà kính đầu tiên trồng nông sản sạch
Vingroup khởi công nhà kính đầu tiên trồng nông sản sạch

Ngày 28/8/2015, Công ty VinEco - Tập đoàn Vingroup chính thức khởi công lắp đặt xây và xây dựng dự án nhà kính đầu tiên tại Vĩnh Phúc với tổng trị giá gần 1.000 tỷ đồng, sử dụng công nghệ Israel.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN