Xuất khẩu nông sản đang gặp khó khăn ở nhiều thị trường, giá trị xuất khẩu giảm rất mạnh ở các mặt hàng chủ lực. Bên cạnh nguyên nhân về thị trường, việc một số nước điều chỉnh tỉ giá xuống thấp đang gây thêm áp lực lên các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Ách tắc ở đường biênTrung Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu (XK) nông sản lớn của Việt Nam. Mỗi năm, ta xuất sang Trung Quốc khoảng 3 - 4 triệu tấn gạo, hàng triệu tấn tinh bột sắn, sắn lát, vải thiều, thanh long, khoai lang, chuối... Tuy nhiên, theo Chi cục Hải quan Bát Xát (Lào Cai), từ đầu tháng 8 đến nay, cửa khẩu này mới xuất trên 16.000 tấn hàng nông sản; trong đó, gần 12.000 tấn đường kính trắng, 2.000 tấn gạo và 2.000 tấn mủ cao su... Hàng nông sản XK trung bình mỗi ngày chỉ bằng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xe tải tập kết ở cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) chờ làm thủ tục để xuất khẩu hàng hóa qua biên giới. Ảnh:Thái Thuần - TTXVN |
Theo bà Trương Thị Thu Hà, nhân viên phụ trách kho bãi của Công ty Xuân Phát, một công ty XK gạo sang Trung Quốc, sang quý III, việc XK gạo tạm thời bị đình trệ, công ty tồn kho 4.000 tấn gạo. Vì thời điểm hiện tại đúng vào vụ thu hoạch lúa, nhu cầu tiêu thụ và dự trữ gạo của Trung Quốc giảm (nhất là các tỉnh vùng tây nam Trung Quốc, giáp với Lào Cai) nên phía Trung Quốc siết chặt việc nhập khẩu gạo từ bên ngoài vào nội địa.
Về tình trạng ứ đọng hàng nông sản tại cửa khẩu, ông Hoàng Chí Hiền, Phó Giám đốc Sở Công Thương Lào Cai cho biết thêm, hiện trên địa bàn thành phố Lào Cai tồn đọng hơn 20.000 tấn gạo chờ XK. Trong số đó, Công ty Việt - Tú 7.000 tấn, Công ty Thiên Nhiên 9.000 tấn, Chi nhánh Tây Bắc (Tổng công ty Lương thực miền Bắc) 1.000 tấn, Công ty Xuân Phát trên 5.000 tấn...
Bên cạnh nguyên nhân thị trường Trung Quốc giảm nhập khẩu thì việc nước này giảm giá đồng nhân dân tệ (NDT) cũng đang gây nhiều áp lực cho nông sản Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp (DN) cho biết, đang có hiện tượng phía Trung Quốc ép DN xuất khẩu phải giảm giá gạo, dù hợp đồng đã ký. Nếu không chịu giảm giá, DN phía Trung Quốc sẽ tìm mọi cách không nhập hàng hoặc chỉ nhập một phần hợp đồng. Đồng thời, họ cũng chưa vội thanh toán để chờ tỷ giá giảm thêm.
Bà Đào Thị Quỳnh Lưu, Giám đốc Công ty Xuân Phát (TP Lào Cai) cho biết, mỗi ngày công ty lại “bay hơi” hơn 100 triệu đồng vì đồng NDT giảm giá. Sau ngày 11/8 (khi đồng NDT bị phá giá), một tấn gạo miền Nam thu về bị “hao” hơn 300.000 đồng. Có ngày công ty xuất 400 tấn gạo, tổng cộng bị “bay hơi” 120 triệu đồng. Theo bà Lưu, thiệt hại nặng nhất ở phần hàng đã giao cho đối tác Trung Quốc nhưng chưa được thanh toán, tồn tiền hàng tương đương 20 tỷ đồng. Với tỷ giá hiện nay, công ty có nguy cơ “mất đứt” gần 600 triệu đồng. Nếu tỷ giá sụt giảm mạnh hơn, chắc chắn DN rất khó cầm cự, không chừng phá sản.
Theo thống kê của Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai, từ ngày 11 đến ngày 14/8, sau ba ngày đồng NDT phá giá, tổng kim ngạch XK tại đây giảm mạnh, trong khi đó nhập khẩu tăng vọt, gấp hơn ba lần. Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp tại TP Lào Cai cho biết, tỷ giá NDT bán ra sụt giảm so với đồng Việt Nam (VND), khiến hàng trăm DN XK nông sản lao đao.
Sức ép cạnh tranh lớnTheo Bộ NN&PTNT, XK nông sản sang Trung Quốc và nhiều thị trường chủ lực gặp khó khăn đã làm cho kim ngạch sụt giảm. Tổng kim ngạch XK nông lâm thủy sản của Việt Nam giảm 3,6% trong 7 tháng đầu năm, đạt mức 16,93 tỷ USD. Trong đó, các mặt hàng chủ lực như cà phê, gạo, chè, hạt tiêu, thủy sản... giảm sâu về số lượng và giá trị. Giảm mạnh nhất là cà phê, với mức giảm 33,9% về khối lượng và 33,7% về giá trị. Gạo giảm ít hơn, nhưng cũng mất tới 8,3% giá trị.
“Nguyên nhân sụt giảm là do nguồn cung gạo trên thế giới dồi dào đã dẫn tới sự cạnh tranh khốc liệt trên hầu hết các thị trường từ những đối thủ như: Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan, Myanmar...”, ông Huỳnh Minh Huệ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho hay.
Tương tự lúa gạo, những ngày này các doanh nghiệp XK thủy sản cũng đang đứng ngồi không yên. XK tôm sang các thị trường chính đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái từ 14 - 54%. Trong đó, Mỹ là thị trường đứng đầu về nhập tôm Việt Nam nhưng lại sụt giảm mạnh nhất, tới 50%. Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết XK tôm năm nay gặp nhiều khó khăn vì sức mua của các thị trường yếu; đồng USD tăng giá mạnh... đã ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp XK. Tại thị trường Mỹ, tôm Việt Nam khó cạnh tranh so với các nhà cung cấp khác như Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc do giá cao, giá tôm nguyên liệu trong nước thậm chí cao hơn giá tôm NK.
Mở thêm thị trường mới
Việc hội nhập ngày càng sâu vào kinh tế thế giới thông qua các hiệp định thương mại sắp được ký kết có thể mở ra nhiều cơ hội cho nông sản Việt Nam. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng cần khai thác cơ hội từ việc tham gia các hiệp định thương mại để mở rộng thị trường cho nông sản Việt. Việt Nam cũng sẽ phối hợp đàm phán với từng nước để tháo gỡ các rào cản thương mại cho nông sản Việt Nam.
Về lâu dài, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, tranh thủ tiếp thu các thành tựu về khoa học kỹ thuật, đào tạo nhân lực, nhất là nhân lực có trình độ cao trong nông nghiệp. Vì hiện nay, sản xuất nông sản không còn là mục tiêu số lượng mà hướng tới chất lượng cao, tạo ra các chuỗi sản phẩm nông nghiệp, như vậy mới tăng sức cạnh tranh của hàng nông sản xuất khẩu.
Trước việc hàng loạt sản phẩm nông sản của Việt Nam phải cạnh tranh khốc liệt ở cả thị trường trong và ngoài nước, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, cần chú trọng khâu quản lý chất lượng sản phẩm, nuôi trồng, chế biến nông sản. “Nếu chúng ta không cải thiện vấn đề này thì sẽ thua ngay trên sân nhà, chưa nói tới XK. Do vậy, cần có phương án cụ thể trong quy hoạch nông nghiệp, hướng tới hình thành các chuỗi giá trị, đặc biệt phải lưu ý an toàn vệ sinh thực phẩm”, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh đề xuất.