Giúp nông dân tìm đầu ra ổn định cho nông sản

UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các sở, ban ngành chủ động kết nối với tỉnh, thành địa phương có thế mạnh cung ứng nông sản để đưa hàng hóa về thành phố tiêu thụ. Đây cũng là một trong những giải pháp hỗ trợ các địa phương tìm đầu ra ổn định cho hàng nông sản, giúp nông dân thoát khỏi tình trạng “được mùa, mất giá”.

Đầu mối kết nối

Ngay từ đầu tháng 6, Saigon Co.op đã lên kế hoạch hỗ trợ nông dân tiêu thụ 800 tấn trái vải tươi. Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết các chuỗi cửa hàng, hệ thống siêu thị của Saigon Co.op trên cả nước đã chính thức đưa mặt hàng trái vải tươi Bắc Giang và Hải Dương lên kệ từ ngày 1/6/2015 và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người tiêu dùng, đặc biệt là khu vực TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Nguồn trái vải này do Saigon Co.op ký kết với các đầu mối uy tín thông qua đề xuất của Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) của 2 tỉnh Bắc Giang và Hải Dương nên nguồn hàng khá dồi dào và đảm bảo chất lượng, nguồn gốc sản phẩm.

Khách hàng chọn trái vải tại Co.opmart Đinh Tiên Hoàng.


Ghi nhận tại siêu thị Co.opmart Thắng Lợi (quận Tân Phú) cho thấy, mặt hàng trái vải tươi hiện bán rất chạy bởi rất đông người dân lựa chọn mua. Chị Nguyễn Phương Hoa, nhà ở quận 12 vừa chọn mua 3 kg vải thiều tươi, nhận xét: “Cách đây hai ngày tôi cũng đã mua 2 kg ở siêu thị này. Vải rất tươi và rất ngon, cả nhà ai cũng khen”. Theo bà Thu Thủy, sức tiêu thụ hiện tại trên hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đối với mặt hàng trái vải đang ở mức từ 10 - 15 tấn/ngày và dự tính khi chính vụ, sức tiêu thụ này sẽ có khả năng tăng gấp đôi. Đối với mặt hàng trái vải tươi, bên cạnh việc rà soát cẩn trọng nguồn hàng để đảm bảo chất lượng, Saigon Co.op cũng không tính thêm bất cứ khoản chiết khấu nào để giá sản phẩm đến tay người tiêu dùng là giá tốt nhất so với hàng cùng loại trên thị trường. Đặc biệt, Saigon Co.op sẽ đầu tư ngân sách giảm giá mạnh thêm 20% cho mặt hàng này trong Tháng tiêu dùng xanh từ ngày 6/6 đến 25/6 để đẩy mạnh sức mua.

Không chỉ riêng Saigon Co.op mà nhiều hệ thống phân phối tại TP Hồ Chi Minh như BigC, Lotte Mart… cũng đã triển khai bán trái vải giá vốn, không lãi trên toàn quốc nhằm hỗ trợ nông dân các tỉnh phía Bắc tiêu thụ vải. Bởi theo đánh giá chung của các bộ, ngành, mặc dù trái vải đã được xuất khẩu vào các thị trường khó tính nhưng số lượng vẫn còn hạn chế nên vẫn có khả năng ùn ứ sản phẩm khi vào chính vụ. Do đó, đầu ra vẫn phải dựa vào sự hỗ trợ của mạng lưới bán lẻ và người tiêu dùng trong nước, đặc biệt là kênh phân phối hiện đại như siêu thị.

Trên thực tế, không riêng gì trái vải mà các mặt hàng nông sản khác như dưa hấu, hành tím, hành tây… cũng được các kênh phân phối trên hỗ trợ giá vốn, không lãi trong thời gian qua nhằm “cứu nguy” cho nông sản. Song song đó, các chợ đầu mối của thành phố cũng hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm. Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Là đầu tàu về kinh tế cả nước, lại có mức tiêu dùng cao, do đó TP Hồ Chí Minh đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối, trung chuyển hàng hóa đến với các vùng miền trên toàn quốc. Theo đó, việc kết nối, đưa hàng hóa vào tiêu thụ tại các hệ thống phân phối của TP Hồ Chí Minh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Công Thương trong việc hỗ trợ các địa phương tìm đầu ra ổn định cho hàng nông sản, giúp nông dân thoát khỏi tình trạng “được mùa, mất giá”.

Bàn chuyện đường dài

Theo bà Lê Ngọc Đào, mặc dù việc phối hợp, tổ chức kết nối giữa thành phố với các tỉnh, thành có thế mạnh sản xuất hàng nông sản trong thời gian qua đạt hiệu quả cao, nhất là khi thị trường có dấu hiệu cung vượt cầu, thế nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài cần có những kế hoạch bài bản hơn để loại bỏ cảnh “được mùa, mất giá”. Theo bà Đào, từ nay đến cuối năm, Sở Công Thương sẽ tiếp tục tổ chức nhiều đợt kết nối hàng hóa giữa nhà sản xuất và nhà phân phối thông qua các hợp đồng ghi nhớ giữa các đối tác.

Còn theo bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, đợt “giải cứu” củ hành tím vừa qua, chợ đầu mối Thủ Đức đã thu mua được 50 - 70 tấn/đêm với giá bình quân 13.000 - 15.000 đồng/kg. Con số này tuy nhiều, nhưng vẫn chưa đáp ứng được mong mỏi của bà con nông dân. Bởi muốn tăng thêm khả năng tiêu thụ, chợ Thủ Đức vẫn phải phụ thuộc vào sức tiêu thụ của thị trường. “Do đó, bà con nông dân nên tính đường dài là quy hoạch lại việc sản xuất nông sản, thay vì mở rộng vùng sản xuất thì nên tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm”, bà Hà nói.
Tương tự, đại diện các kênh phân phối bán lẻ hiện đại tại TP Hồ Chí Minh cũng cho biết sẽ ưu tiên chọn những mặt hàng nông sản Việt Nam theo từng mùa vụ để đẩy mạnh lượng hàng tiêu thụ, đảm bảo thu nhập tốt nhất cho nhà vườn.

Đại diện Saigon Co.op cam kết, ngoài việc thực hiện theo chỉ đạo của Sở Công Thương thành phố, công ty cũng chủ động liên kết với các vùng chuyên cung ứng nông sản của các địa phương quy hoạch sản phẩm theo đúng tiêu chí của công ty để có chất lượng sản phẩm tốt nhất. Công ty sẽ hỗ trợ nông dân bao tiêu sản phẩm với giá thành cạnh tranh nhất, không tính thêm bất cứ chiết khấu nào. Điều quan trọng là cần nông dân có sự cam kết về chất lượng, số lượng, giá cả hàng hóa, tránh tình trạng “bẻ kèo” khi giá thị trường có dấu hiệu tăng, bỏ mặc đối tác.

Tuy nhiên, để hợp tác thành công, theo bà Lê Ngọc Đào, các địa phương cần có các DN đầu mối đứng ra mua hàng vì DN TP Hồ Chí Minh không thể đi mua gom hàng hóa của người nông dân trên mỗi cánh đồng. “Điều quan trọng là cơ quan nhà nước vẫn phải đóng vai trò là “bà đỡ” để kết nối giữa DN với DN, giữa DN với nhà sản xuất”, bà Đào cho biết.

Bài và ảnh: Hải Yên

Tháo gỡ khó khăn cho từng nông sản
Tháo gỡ khó khăn cho từng nông sản

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với từng loại sản phẩm và trên từng thị trường cụ thể để tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN