Nông sản biên mậu tắc vì thiếu hợp đồng

Vấn đề về tiêu thụ nông sản tiếp tục là chủ đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm trong cả những phiên thảo luận tổ cũng như bên lề của kỳ họp thứ 9. Đại biều của tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Thế Tuy đã cho biết thêm nhiều thông tin về câu chuyện dưa hấu ở cửa khẩu Tân Thanh.

Căng mình lo dưa hấu

Theo đại biểu Nguyễn Thế Tuy, Lạng Sơn hiện có khoảng trên chục cửa khẩu, nhưng riêng mặt hàng dưa hấu của Việt Nam chủ yếu nhập khẩu vào Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh nên đã gây áp lực rất lớn. “Khi vào mùa là chúng tôi lo lắm, căng mình ra để lo. Từ tháng 3 đến đầu tháng 4 là tháng cao điểm nhất, bạt ngàn trên trời dưới dưa, mà hiện chỉ nhập ở cửa khẩu Tân Thanh, không nhập ở cửa khẩu nào khác”, ông Tuy cho biết.

Việc trồng dưa hấu cần được tính toán kỹ khâu tiêu thụ. Ảnh: Sỹ Thắng - TTXVN


Tuy nhiên, việc tiêu thụ hiện tại hoàn toàn trông cậy vào thương lái. Tất cả dưa hấu từ miền Trung đưa đến cửa khẩu là đi thẳng sang Trung Quốc. Khi xuất sang bên kia, người ta mới tiến hành phân loại và bắt đầu ngã giá (khoảng 6 - 7 tệ/kg, tương đương 15.000 - 16.000 đồng/kg). Khi đó, những quả bé, quả bị dập bị loại và ta phải chở về nên rất mất công và tốn kém, dưa thối hỏng đã phải đổ bỏ.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Thế Tuy, vào thời gian thu hoạch rộ, từ tháng 3 đến đầu tháng 4, mặc dù ta và Trung Quốc đã thống nhất làm thêm 2 tiếng mỗi ngày (10 giờ/ngày) nhưng cũng chỉ xuất được 350 xe, trong khi dịp cao điểm có cả nghìn xe nối đuôi nhau chờ tới lượt đã gây ách tắc nghiêm trọng tại cửa khẩu.

Đã từng thị sát tại cửa khẩu và có thời gian làm Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng thừa nhận thực tế này. “Phía Trung Quốc họ có bến bãi, có chợ đầu mối, khu vực tiếp nhận đối diện cửa khẩu Tân Thanh nhưng dung lượng tiếp nhận một ngày cũng chỉ 350 - 400 xe. Trong khi đó, có ngày có 1.000 xe của ta lên trên ấy thì làm sao người ta tiêu thụ được. Dưa thì có đủ loại to nhỏ, người ta phải phân loại, lại không có hợp đồng ký trước”, Bộ trưởng cho biết.

Kinh nghiệm từ thanh long, vải thiều

Hiện mỗi năm trung bình Trung Quốc nhập khoảng 200.000 tấn thanh long, kim ngạch khoảng trên 50 triệu USD. Vải thiều hiện nay sản lượng của cả Bắc Giang, Hải Dương một năm dự kiến trên dưới 200.000 tấn thì qua cửa khẩu Lạng Sơn khoảng 1/3. Hai năm lại đây, mỗi năm có khoảng trên dưới 60.000 tấn qua cửa khẩu, kim ngạch suýt soát 15 triệu USD. Còn với dưa hấu, từ đầu năm đến nay, theo số liệu của hải quan, có khoảng 150.000 tấn dưa đã chính thức được nhập khẩu sang Trung Quốc (không tính số dưa bị loại), đạt kim ngạch trên 11 triệu USD.

Trong số những mặt hàng này, thì thanh long ruột đỏ được Trung Quốc rất ưa chuộng, và đã có hợp đồng ở mức thấp. Trước khi xuất sang Trung Quốc, thanh long đã được tuyển chọn và được chủ hàng nước bạn làm sẵn bao bì rồi chuyển sang để chúng ta đưa vào hộp xốp đóng gói theo đúng nhãn mác. Với vải thiều cũng vậy. Hiện, nước bạn đã đặt hộp xốp và đá để giữ quả tươi, đảm bảo khi chuyển qua cửa khẩu Tân Thanh sang là đã đóng gói bao bì rồi và có thể chuyển đi tiêu thụ ngay.

Trước thực tế này, Lạng Sơn đã nhiều lần đặt vấn đề và Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng nghĩ đến việc đặt một chợ đầu mối, nhưng cho đến nay tỉnh vẫn không dám làm. “Nhiều nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra một, hai trăm tỷ đầu tư nhưng khi xây dựng được chợ đầu mối rồi thì bài toán kinh tế thế nào, bởi có hợp đồng gì đâu. Nếu người ta lại không nhập nữa hoặc là nhập ở cửa khẩu khác thì lúc bấy giờ cũng lại phức tạp. Nên riêng vấn đề dưa hấu là bài toán khó cho các tỉnh phía trong và tỉnh Lạng Sơn chúng tôi”, ông Tuy phân trần.

Về vấn đề này, trong phiên thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế - xã hội chiều 22/5, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng nêu rõ, việc ách tắc nông sản như thời gian vừa qua không thể đổ lỗi cho người nông dân, trách nhiệm trước hết thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước, từ khâu quy hoạch, hướng dẫn, tìm thị trường, liên kết nông dân với doanh nghiệp, các nhà bán lẻ, bán buôn... Dưa hấu không phải là hàng hóa chủ động về quy hoạch để có thể dự báo sản lượng cần tiêu thụ cũng như tìm kiếm thị trường như gạo, cà phê, cao su nên rất bị động trong khâu tiêu thụ.

“Nếu sản phẩm thực hiện gần như đúng quy hoạch thì không có biến động nhiều về sản lượng. Chẳng hạn, giới hạn diện tích trồng lúa 3,8 triệu ha, thì sản lượng một năm nếu có tăng thì cũng không tăng đột biến, nó đi lên rất từ từ và nhu cầu tiêu thụ và lượng lương thực dư thừa hay hàng hóa đưa ra thị trường là con số mình dự báo được. Nhưng các mặt hàng khác, như dưa hấu là cây ngắn ngày, bà con trồng tranh thủ xen vụ thì làm sao quy hoạch được. Sản xuất nhỏ và tự phát như thế này thì khó tránh khỏi tình trạng như vừa qua”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Xuân Phong
Giảm dần tiêu thụ nông sản biên mậu
Giảm dần tiêu thụ nông sản biên mậu

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 25/5, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014;...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN