Tìm giải pháp cho tiêu thụ nông sản

Sáng 11/5, khai mạc phiên họp 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo bổ sung của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 2014 và những tháng đầu năm 2015; phương án phân bổ số vượt thu ngân sách trung ương năm 2014.

Vẫn còn tư duy bao cấp

Báo cáo về tình hình kinh tế xã hội năm 2014 và những tháng đầu năm 2015 của Chính phủ cho thấy, năm 2014 có 13 chỉ tiêu trên tổng số 14 chỉ tiêu đạt kế hoạch đề ra (chỉ tiêu không đạt là tỷ lệ lao động qua đào tạo). Tổng thu ngân sách nhà nước tăng 10,3% . Nợ công, nợ nước ngoài trong giới hạn cho phép. Những tháng đầu năm 2015, tổng thu ngân sách đạt khá, GDP quý 1 là 6,03% - cao nhất trong nhiều năm lại đây, tháng 4 chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,04%. Đây là những điểm sáng về tình hình kinh tế - xã hội.

Mua, bán dưa ủng hộ nông dân Quảng Ngãi.


Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, chưa khi nào tiêu thụ nông sản khó khăn như năm nay. Đầu ra cho nông sản không chỉ gặp khó với mặt hàng dưa hấu như vừa qua, nhiều mặt hàng khác cũng vậy. Bộ trưởng dẫn chứng mặt hàng gạo, sau những lần ách tắc tại cửa khẩu, Chính phủ đã 2 lần họp để bàn về tiêu thụ, đề nghị phía Trung Quốc hợp tác thông thương. Tuy nhiên, phía Trung Quốc cho biết gạo của họ cũng đang dư thừa rất nhiều. Doanh nghiệp nào muốn có quota nhập 1.000 tấn gạo thì cũng phải cam kết tiêu thụ số lượng tương ứng trong nước.

“Tất cả các mặt hàng khác chúng ta cũng đang phải cạnh tranh rất gay gắt. Đây là vấn đề rất nặng nề trong nông nghiệp. Tôi cảm thấy sức cạnh tranh không nâng lên được. Nhiều nước cũng đang tái cơ cấu nhưng họ làm nhanh và vững chắc, trong khi chúng ta làm rất chậm cho nên sẽ phải đối mặt trong cuộc chạy đua này. Đây sẽ là những thách thức lớn trong những tháng cuối năm 2015”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.

“Từ nay đến cuối năm, nhịp độ hoạt động quốc tế cũng đan dày, các hiệp định thương mại tự do giữa các nước, các khu vực, các hiệp định song phương, đa phương mở ra, tình hình đối nội, đối ngoại còn nhiều phức tạp. Vì vậy, đòi hỏi chúng ta phải xem xét nghiêm túc để thấy được những tồn tại, yếu kém để quyết tâm vượt qua”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, việc tiêu thụ nông sản khó khăn vừa rồi như tiêu thụ dưa hấu, hành tím đã có sự góp sức của xã hội. Nhưng Chính phủ cũng phải chung tay, sắp tới cần có giải pháp mạnh mẽ hơn để nâng cao sức cạnh tranh cho các mặt hàng. “Quan trọng hơn là cần có giải pháp, để người nông dân nhận thấy được quan tâm thật sự”, đại biểu Mai nhận định.

Cùng chung quan tâm này, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển, những thế mạnh của chúng ta là gạo, cà phê, hồ tiêu sản xuất ra không tiêu thụ được. Nếu cứ tư duy này thì không chỉ năm nay mà cả những năm sau vẫn khó khăn. “Đó là tư duy bao cấp, chưa gắn với thị trường. Hệ thống phân phối cũng thế. Những hỗ trợ của đoàn thanh niên, của Bộ Công Thương vừa qua không thể mãi như thế”, đại biểu Hiển nhận xét.
Đánh giá thực chất

Theo các đại biểu, cần phải xem lại cách đánh giá một số chỉ tiêu, lĩnh vực trong báo cáo kinh tế - xã hội năm 2014 và những tháng đầu năm 2015 trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 cuối tháng 5 này.

“Không phải tôi không tin con số các đồng chí đưa ra nhưng phải xem lại tại sao lại tăng cao như vậy. Tình hình thực tế không phải như thế. Nông nghiệp, xuất khẩu và nhiều lĩnh vực khác đều tụt. Số lượng doanh nghiệp giải thể lớn, doanh nghiệp có lãi chỉ có 50%, thì không hiểu tăng trưởng thế nào”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa lo ngại. Đại biểu Khoa dẫn chứng, vừa qua ông đi công tác tại 17 tỉnh của Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Tỉnh cuối cùng ông tới là Kiên Giang thì tăng trưởng có hơn 5%. “Tại sao lại như vậy? Tôi đi các tỉnh khác đều thấy tăng trưởng 2 con số, hoặc ít nhất cũng 8-9%. Tôi có hỏi và được trả lời: Chúng tôi đánh giá thực chất”.

Cũng theo đại biểu Khoa, đánh giá tốc độ tăng trưởng đi lên, các con số đều phản ánh cao nhưng phải xem xét mọi vấn đề ở góc độ thực tế. “Phải xem đồng bào ở nông thôn sống thế nào, phần đông nông thôn của chúng ta rất khó khăn”, đại biểu Khoa nhấn mạnh.

Cùng chung quan điểm này, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, các con số hiện nay đưa ra thì rất đẹp nhưng có những thực tế đáng phải quan tâm. “Hàng năm, không phải đến mùa giáp hạt đâu, mà ngay trong thời vụ, Chính phủ vẫn phải xuất lương thực cứu đói. Vì vậy cần làm rõ thêm vấn đề xóa đói giảm nghèo”, đại biểu Lý đề xuất.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng khẳng định, tình trạng thất nghiệp của thanh niên hiện nay rất đáng lo ngại, cần được đánh giá toàn diện. Hiện chúng ta mới chỉ tính thất nghiệp ở thành thị. Trong khi thực tế, thất nghiệp ở nông thôn, miền núi rất lớn.

Góp ý cho báo cáo kinh tế - xã hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cũng nêu thực tế, trong báo cáo có một vấn đề quan trọng nhưng nhiều năm nay khá sơ sài, đấy là đánh giá bộ máy hành chính của Nhà nước. Theo đại biểu, để chính sách đi vào cuộc sống cần có đội ngũ cán bộ có trình độ. Một loạt các vấn đề hiện nay chẳng hạn như tiêu thụ dưa hấu, tiêu thụ nông sản khó khăn là do đội ngũ cán bộ, kể cả đội ngũ cán bộ hoạch định chính sách và thực hiện chính sách. “Gần đến đại hội Đảng rồi, cần đánh giá xem năng lực đội ngũ cán bộ đến đâu, Chính phủ cần có đánh giá về năng lực, trách nhiệm cán bộ. Cải cách hành chính giai đoạn 2001-2010 thì đã bị thất bại. Cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020 đi gần nửa chặng đường nhưng chưa có một đột biến nào cả”, đại biểu Quyền nhấn mạnh.

Phiên họp thứ 38 Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra từ 11-15/5. Trong phiên họp, Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến các dự án luật: Bộ Luật Dân sự (sửa đổi), Luật Trưng cầu ý dân, Luật Khí tượng thủy văn; Xem xét trình Quốc hội những vấn đề liên quan đến hoàn thiện tổ chức bộ máy và nhân sự cho Tòa án, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; thảo luận cho ý kiến về các dự án thành lập một số đơn vị hành chính quận, huyện, thị xã, phường ở Hậu Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh, Bình Phước, Thái Nguyên.


Xuân Phong

Tăng cường liên kết tiêu thụ nông sản
Tăng cường liên kết tiêu thụ nông sản

Để tránh tình trạng nông sản “được mùa mất giá” thì việc tăng cường hơn nữa mối liên kết giữa bốn nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp) là yêu cầu cấp bách.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN