Hội thảo nhằm hỗ trợ cộng động doanh nghiệp hiểu rõ hơn về phương thức hòa giải thương mại, cách giải quyết các tranh chấp, vướng mắc một cách hiệu quảm, an toàn khi xảy ra trong quá trình sản xuất, kinh doanh, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường.
Tại hội thảo, đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp đã được nghe phổ biến một số nội dung về: Pháp luật hiện hành và hỗ trợ của ngành toà án đối với cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hoà giải; trọng tài và hoà giải thương mại - vì sao doanh nghiệp nên lựa chọn? một số lưu ý dành cho doanh nghiệp khi sử dụng cơ chế trọng tài và hoà giải để giải quyết tranh chấp; một số nội dung của Bộ luật Tố tụng dân sự về Thủ tục công nhận kết quả hoà giải thành ngoài toà án; Nghị định 22/2017/NĐ-CP về Hoà giải thương mại.
Ông Phí Trọng Đức, Giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Nghệ An cho biết, theo một kết quả khảo sát mới đây của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đứng thứ 66/190 nước về tỷ lệ thực thi hợp đồng; 29/190 về tiếp cận tín dụng.
Những con số đó cho thấy, doanh nghiệp ở Việt Nam đã có điều kiện hoạt động kinh doanh tốt hơn, phương thức giải quyết tranh chấp nhanh và dễ dàng hơn. Tuy nhiên, hoà giải vẫn đang là vấn đề khá mới với các doanh nghiệp, doanh nhân khi Nghị định 22/2017/NĐ- CP mới ra đời tháng 2/2017. Trung tâm hoà giải đầu tiên là Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cũng mới được hình thành từ tháng 5/2018.
Một thực tế hiện nay là việc giải quyết các tranh chấp thương mại, quá trình cải cách tư pháp đang gặp không ít khó khăn. Qua kết quả khảo sát ý kiến của các doanh nghiệp Việt Nam liên quan tới việc giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại tại Việt Nam cho thấy một xu thế mới trong lựa chọn của doanh nghiệp. Đó là, các doanh nghiệp đang có xu hướng giảm sử dụng lựa chọn tòa án để giải quyết tranh chấp của mình, thay vào đó là sử dụng các phương thức thay thế khác; trong đó, lựa chọn được dùng nhiều là trọng tại thương mại.
Bà Phạm Thị Thanh Huyền, Chuyên gia cao cấp ngành Tài chính phụ trách Chương trình Phát triển Cơ sở hạ tầng tài chính tại Việt Nam, Tập đoàn Tài chính quốc tế IFC cho biết, theo đánh giá chung, phương thức Trọng tài thương mại có thời gian giải quyết ưu việt, thủ tục linh hoạt, được trao quyền lựa chọn chuyên gia am hiểu và uy tín trong lĩnh vực liên quan để phân xử. Đây là phương án được đánh giá là khả thi và hiệu quả trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại, góp phần mang lại niềm tin và công lý cho doanh nghiệp và cộng đồng.