Bước ngoặt mới, kỷ nguyên mới cho thị trường M&A Việt Nam

Với sự trợ lực của một nền tảng kinh tế vĩ mô đang hồi phục vững chắc, sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, sau một thập kỷ bùng nổ, thị trường mua bán và sát nhập (M&A) Việt Nam đã có bước ngoặt mới, từ đó thiết lập một kỷ nguyên mới cho các hoạt động M&A trong giai đoạn tiếp theo.

Đây cũng là chủ đề của diễn đàn M&A diễn ra vào ngày 8/8 do Báo Đầu Tư (dưới sự bảo trợ của Bộ kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với AVM Việt Nam tổ chức.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chỉ đạo diễn đàn M&A Việt Nam 2018.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chỉ đạo diễn đàn. Ngoài ra còn các Bộ, ngành và hàng trăm khách mời đến từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tham dự.


Phát biểu khai mạc tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, Việt Nam có 5 lĩnh vực trọng tâm để M&A như lĩnh vực tài chính - ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công, thu chi ngân sách... Đối với lĩnh vực tài chính- ngân hàng, Chính phủ tiếp tục tăng cường xử lý nợ xấu, tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, ngân hàng được mua 0 đồng, ngân hàng trong diện kiểm soát đặc biệt. Ngoài ra, Chính phủ sắp tới sẽ hạn chế cấp giấy phép thành lập các ngân hàng có vốn đầu tư 100% nước ngoài. Tuy nhiên, Chính phủ sẽ khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài mua lại các ngân hàng trong nước thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Song song đó, Chính phủ cũng sẽ thoái vốn các ngân hàng lớn có vốn nhà nước nắm giữ như Agribank, BIDV, VCB... Hiện Chính phủ đang làm việc và thương thảo với các ngân hàng này. Đối với các doanh nghiệp nhà nước, tổng công ty nhà nước, Chính phủ cũng đang đẩy mạnh cổ phần hoá, thoái vốn khỏi các doanh nghiệp này... theo lộ trình.

Quang cảnh diễn đàn M&A Việt Nam.

Để làm được điều này, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chính phủ tiếp tục giữ ổn định nền kinh tế vĩ mô, kiểm soát tỷ giá ổn định và linh hoạt theo thị trường. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và ban hành các thể chế nhà nước như luật doanh nghiệp, luật kinh doanh; tập trung cải thiện môi trường kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh giữa các quốc gia...


Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Vũ Đại Thắng cũng cho biết, diễn đàn thường niên M&A được tổ chức 10 năm và là sự kiện quan trọng, thu hút sự quan tâm đông đảo doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng như các nhà hoạch định chính sách. Nhìn lại 10 năm qua cho thấy, hoạt động M&A đã không ngừng gia tăng như một dòng chảy dẫn dắt dòng vốn đầu tư chuyển dịch từ những khu vực có hiệu quả thấp sang các địa chỉ có khả năng sinh lời tốt hơn. Tổng giá trị thương vụ M&A giai đoạn 2008 -2018 đạt 48,8 tỷ USD với hàng ngàn giao dịch, trong đó riêng năm 2017 giá trị M&A đạt mốc kỷ lục 10 tỷ USD.


Có thể thấy, sự phát triển M&A là xu hướng tất yếu, đồng nhịp với một nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, tái cơ cấu, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế. Xu hướng đó ngày càng được khẳng định trên hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh không ngừng được hoàn thiện... Theo đó, niềm tin vào cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh được củng cố. 


Tuy nhiên, Việt Nam đang đối mặt với các thách thức không nhỏ do những yếu kém nội tại cũng như những rủi ro chính từ tình hình thế giới, như chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, chiến tranh thương mại, căng thẳng chính trị và suy giảm tăng trưởng ở các nền kinh tế lớn. Do đó, thông qua diễn đàn M&A năm 2018, các diễn giả sẽ giúp các doanh nghiệp nhìn rõ hơn về toàn cảnh thị trường M&A Việt Nam với 3 chủ đề chính: Sức bật của thập kỷ, sức hút của thị trường 100 triệu dân và chiến lược M&A tăng trưởng đột phá.

Hải Yên/Báo Tin tức
Tôm và bào ngư bị giám sát nhập khẩu vào Mỹ kể từ 31/12/2018
Tôm và bào ngư bị giám sát nhập khẩu vào Mỹ kể từ 31/12/2018

Chính thức từ ngày 31/12/2018, tất cả tôm và bào ngư nhập khẩu vào Mỹ phải tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của Chương trình Giám sát nhập khẩu thủy hải sản nhập khẩu vào Mỹ (SIMP).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN