Giải pháp nào để doanh nghiệp vượt khó trong bối cảnh dịch COVID-19?

Dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, tình hình sản xuất, kinh doanh cả nước nói gặp nhiều khó khăn. Các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, hành khách và nhiều lĩnh vực dịch vụ...bị ảnh hưởng rõ rệt.

Quán triệt Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19, các chuyên gia kinh tế cho rằng Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong suốt thời gian qua, song việc tiếp cận vẫn còn khó khăn. Vì vậy, cần phải có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn trong thời điểm khó khăn này.

Chú thích ảnh
Công ty Cổ phần May mặc Bình Dương, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương chuyên may các sản phẩm áo sơ mi, quần jeans, quần âu xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN

Khó tiếp cận hỗ trợ

Theo thông tin từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có rất nhiều gói hỗ trợ của Chính phủ triển khai tới các doanh nghiệp, nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa không dễ tiếp cận, nguyên nhân do yêu cầu quá cao và chưa phù hợp với thực tiễn khó khăn của doanh nghiệp.

Chia sẻ tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Doanh nghiệp bản lĩnh vượt khó COVID-19” đã diễn ra trên trang kinhtedothi.vn do Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức ngày 21/5, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho hay, về các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, trong 2020, gói hỗ trợ quan trọng nhất là gói 60.000 tỷ đồng hỗ trợ cho người lao động, nhưng đến nay, May 10 chưa tiếp cận được gói hỗ trợ này. Nguyên nhân bởi yêu cầu doanh nghiệp phải có doanh thu giảm 30% và lao động giảm 50%, nhưng nếu đáp ứng các tiêu chí này, thì doanh nghiệp đã phải đóng cửa.

“Do vậy, cần chia gói hỗ trợ và đối tượng cần hỗ trợ. Ngoài ra, các gói hỗ trợ nên tập trung vào các doanh nghiệp có khả năng hồi phục và cần hỗ trợ sao cho xứng đáng để họ có thể hồi phục và kéo nền kinh tế tăng trưởng.", ông Việt bày tỏ.

Năm trước, khi bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, May 10 bị đứt nguồn cung và cầu, bởi 90% sản phẩm của doanh nghiệp này là xuất khẩu tới thị trường Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản. Quý II/2020, May 10 phải dừng sản xuất do đối tác dừng đơn hàng, đọng vốn ở nguyên vật liệu và tiền lương lao động. Tuy nhiên, năm nay, các doanh nghiệp dệt may lại có nhiều đơn hàng và làm không hết và điều này cho thấy chỉ trong vòng 1 năm diễn biến hết sức phức tạp.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Sunhouse cho hay, về các gói hỗ trợ của Chính phủ, do Sunhouse cũng tự chủ nên cũng không chủ động tiếp cận các gói hỗ trợ, nhường lại cho các doanh nghiệp khó khăn hơn. Tuy nhiên, Sunhouse cũng được hưởng một số cơ chế hỗ trợ chung như: chính sách lãi suất hỗ trợ phục vụ sản xuất kinh doanh hay giãn thuế…

Tuy nhiên, ông Phú lấy ví dụ, ở các nước để nhanh chóng đưa hỗ trợ đến tay doanh nghiệp, họ đã giả định trước địa bàn của tỉnh, thành phố có bao nhiêu doanh nghiệp để có những kịch bản cụ thể. Dựa trên đóng góp của doanh nghiệp như: đóng thuế, số lượng công nhân để quyết các hỗ trợ. Như vậy, họ có trước dữ liệu về doanh nghiệp để căn cứ trên số lượng lao động đóng bảo hiểm, số thuế để có hỗ trợ nhanh chóng khi dịch bệnh bùng phát. Điều này cũng khuyến khích doanh nghiệp minh bạch và đóng thuế đầy đủ.

“Cần chia 2 nhóm quỹ hỗ trợ, thứ nhất là các doanh nghiệp trong những khu vực bị phong tỏa cần được hỗ trợ ngay theo đóng góp của họ vào ngân sách. Thứ hai, hỗ trợ các đối tượng khó khăn. Nên chia nhóm doanh nghiệp để xây dựng các gói hỗ trợ.”, ông Phú đề xuất.

Xây dựng các kịch bản

Hiện nay, Việt Nam không thể tách rời giữa kinh doanh và chống dịch. Bên cạnh duy trì những giải pháp tích cực như: tạm hoãn, chậm nộp thuế, các doanh nghiệp mong muốn có các gói mới, được tính đến một cách bài bản hơn.

Chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu cho rằng, phải chủ động xây dựng các phương thức hỗ trợ. Theo đó, phải xây dựng các kịch bản và tiếp đó phải tiếp cận theo nhóm đối tượng. Nếu không chú ý đến khía cạnh này, có thể dẫn đến tình trạng bị trục lợi chính sách.

Lấy ví dụ, ông Hiếu cho hay, có những doanh nghiệp, ngay cả khi hỗ trợ thì họ vẫn không thể tồn tại và vẫn rút lui khỏi thị trường. Do vậy, nguồn lực của Chính phủ sẽ bị lãng phí. Vì vậy, phải ưu tiên hỗ trợ những doanh nghiệp có khả năng phục hồi. Do đó, phải phân loại đối tượng theo quy mô, theo ngành nghề, theo khả năng chống dịch....

Dù các chính sách được đánh giá là hữu ích, nhưng trên thực tế cho thấy, vẫn còn khoảng cách khá xa từ chủ trương tới triển khai thực tế. Điều này, đòi hỏi có các giải pháp để các chính sách hỗ trợ đi nhanh hơn vào cuộc sống.

Các doanh nghiệp cho rằng, một số chính sách hỗ trợ người lao động, đa phần doanh nghiệp không được hưởng lợi vì các điều kiện hỗ trợ đi kèm khó thực hiện như: số lượng lao động nghỉ việc, doanh thu của doanh nghiệp. Trong khi đó, các văn bản sửa đổi và hướng dẫn, chỉ mở rộng đối tượng chứ không thay đổi điều kiện bảo đảm để nhận được hỗ trợ. Đây là một trong những lý do khiến chính sách chưa phù hợp với thực tế, chưa đi vào cuộc sống.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, trong thời gian vừa qua các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ tương đối đồng bộ, toàn diện với các hỗ trợ về tài khoá, chính sách thuế, gói hỗ trợ tín dụng, gói hỗ trợ an sinh xã hội tiền lương, nhà ở… Tuy nhiên, các biện pháp thực hiện còn rất hạn chế như gói hỗ trợ tín dụng, gói hỗ trợ trả lương cho người lao động. 

Sắp tới trên cơ sở ý kiến của các doanh nghiệp, VCCI sẽ rà soát và đề xuất Chính phủ xây dựng quy trình thủ tục minh bạch, đơn giản, dễ tiếp cận phù hợp với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. VCCI sẽ phối hợp với các Hiệp hội khảo sát doanh nghiệp làm sao kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành. 
“Tôi cho rằng bên cạnh các biện pháp hỗ trợ thì các chính sách về thể chế rất quan trọng. Làm sao để các thủ tục hành chính phải thiết kế theo tinh thần mới dễ dàng hơn, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, giải quyết vấn đề tăng trưởng việc làm, thủ tục đầu tư, thủ tục xuất nhập khẩu… và các giải pháp hỗ trợ để doanh nghiệp tiếp cận thị trường”, ông Lộc nói.

Đức Dũng (TTXVN)
Doanh nghiệp dệt may chủ động ứng phó trước làn sóng mới của COVID-19
Doanh nghiệp dệt may chủ động ứng phó trước làn sóng mới của COVID-19

Làn sóng thứ 4 của đại dịch COVID-19 ập đến trong lúc các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang có rất nhiều đơn hàng và khẩn trương sản xuất để giao hàng đúng thời hạn. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp dệt may đã chủ động các giải pháp phòng chống dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN