Nguồn cung con giống hạn chế
Hiện tại, 85 xã, phường, thị trấn xảy ra dịch bệnh đã qua 30 ngày (từ thời điểm 27/3) không phát sinh thêm dịch bệnh. Tuy, tỉnh Cà Mau đã công bố hết dịch nhưng người dân vẫn còn hoang mang, lo sợ khi nghĩ đến việc tái đàn.
Bên cạnh đó, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau phân tích, trước thời điểm địa phương xảy ra dịch tả lợn châu Phi đã khiến cho giá lợn hơi giảm thấp, người chăn nuôi liên tục thua lỗ do phải xuất chuồng sớm để phòng ngừa dịch bệnh xảy ra. Từ đó, không còn khả năng duy trì sản xuất, rất nhiều hộ đã phải bỏ trống chuồng hoặc chuyển sang mô hình chăn nuôi gia cầm và thủy sản.
Anh Huỳnh Văn Quang, huyện Cái Nước chia sẻ, chăn nuôi lợn từ lâu là nguồn thu nhập chính của mỗi gia đình để chi tiêu vào mỗi dịp Tết. Trước khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát, giá lợn hơi sụt giảm mạnh, tuy vậy gia đình buộc phải bán đàn lợn 5 con để thu hồi phần nào vốn liếng đã đầu tư. Đã 5 - 6 tháng nay, gia đình anh Quang cũng không nghĩ đến việc tái đàn, dù trên địa bàn đã không còn xảy ra dịch bệnh.
Ghi nhận giá lợn giống hiện nay trên thị trường dao động từ 2 - 2,3 triệu đồng/con. Giá lợn giống cao là bởi không chỉ riêng Cà Mau mà các tỉnh lân cận cũng bị ảnh hưởng nặng nề nên nguồn cung lợn giống lại càng khan hiếm. Việc giá cả lợn giống tăng vọt khiến người chăn nuôi lo ngại vì không có vốn đầu tư. Bên cạnh đó, tâm lý của người chăn nuôi cũng rất sợ bị “thiệt hại kép” nếu dịch tả quay trở lại khiến cho lợn hơi bán ra không được giá.
UBND tỉnh Cà Mau nhận định, bên cạnh nhiều thách thức đây cũng là cơ hội để tập trung nghiên cứu sắp xếp lại bố cục kế hoạch, quy hoạch chăn nuôi tập trung, tổ chức chăn nuôi lại quy mô nhỏ, chăn nuôi hộ gia đình; trong đó, chú trọng theo hướng đảm bảo an toàn sinh học. Để thực hiện mục tiêu đó, trước mắt phải hạn chế tối thiểu khả năng dịch bệnh tái phát, lây lan, gây tổn thất kinh tế cho hộ nuôi.
Ông Nguyễn Thành Huy - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau cho biết, tổ chức chăn nuôi an toàn sinh học để tăng cường sự chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh cũng như khả năng kiểm soát dịch bệnh, nhất là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên lợn như: lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả lợn châu Phi... Từ đó, góp phần ổn định sản xuất, đảm bảo cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Theo thống kê của ngành chuyên môn, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có một bộ phận người chăn nuôi nhỏ lẻ bắt đầu tái đàn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trên thị trường, nhưng thực tế do khó khăn về nguồn giống nên đa phần người dân không tái đàn ồ ạt, mà chỉ nuôi ở mức độ cầm chừng.
Nhiều giải pháp hỗ trợ người chăn nuôi
Tại Hội nghị rút kinh nghiệm công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; đồng thời, triển khai kế hoạch tái đàn lợn và phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm năm 2020 vừa được UBND tỉnh Cà Mau tổ chức, ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau thông tin, phía ngành chức năng cũng tăng cường thực hiện công tác hỗ trợ phối giống nhân tạo trên lợn để thúc đẩy nhanh quá trình sản xuất giống, kịp thời cung cấp cho nhu cầu chăn nuôi tái đàn của người dân trong tỉnh.
Đồng thời, tổ chức lại sản xuất chăn nuôi, giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ không đảm bảo an toàn dịch bệnh; định hướng quy hoạch phát triển vùng chăn nuôi lợn tập trung để khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi quy mô lớn, nhỏ và vừa theo phương thức chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường gắn với giết mổ, chế biến, tiêu thụ an toàn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Ông Bằng cho biết thêm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau đã đề ra kế hoạch cụ thể nhằm tái đàn lợn để khôi phục và phát triển sản xuất sau bệnh dịch tả lợn châu Phi. Theo đó, chú trọng tái đàn chăn nuôi an toàn sinh học tại các trang trại chăn nuôi lợn tập trung. Các hộ chăn nuôi tái đàn trong và ngoài vùng chăn nuôi tập trung phải đảm bảo các giải pháp về chăn nuôi an toàn sinh học và phải được cơ quan quản lý về thú y, chính quyền địa phương kiểm tra chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học để tái đàn.
Song song đó, ngành chức năng sẽ hỗ trợ 50% giá trị lợn giống (dưới 20 kg) cho các hộ chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh, để khôi phục và phát triển sản xuất. Cụ thể, mức hỗ trợ đối với lợn con thương phẩm không quá 800.000 đồng/con; đối với lợn nái hậu sinh sản không quá 1.000.000 đồng/con.
Theo đó lưu ý người chăn nuôi phải mua lợn giống có nguồn gốc từ các cơ sở sản xuất giống vật nuôi, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng giống. Mỗi hộ chỉ được hỗ trợ một lần để mua một trong các đối tượng: Hoặc lợn con thương phẩm, hoặc lợn nái hậu bị sinh sản…
Thời gian qua, giá lợn hơi tại các sạp vẫn đắt đỏ và tình hình này được dự báo sẽ còn kéo dài trong thời gian tới. Về vấn đề này, theo nhận định của ngành chuyên môn tỉnh Cà Mau thì chính vì giá cả lợn hơi biến động mạnh nên một bộ phận người dân sẽ ồ ạt nuôi. Từ đó, rất dễ dẫn đến tình trạng mất kiểm soát về nguồn con giống.
Việc tái đàn lợn là cần thiết, nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi, nhất là cân đối nguồn thực phẩm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho người dân. Tuy nhiên, việc dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa xác định được nguồn lây nhiễm đang là mối nguy thật sự mà địa phương không được chủ quan.
"Do đó, cần tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân, thay đổi từ phương thức chăn nuôi truyền thống, sang hướng chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học. Các huyện, thành phố chỉ đạo địa phương tiến hành rà soát nắm lại tổng đàn lợn trên địa bàn; hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm việc kê khai hoạt động chăn nuôi với UBND cấp xã và thông báo với chính quyền địa phương trước khi nuôi tái đàn…”, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau lưu ý.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có đánh giá tình hình trong tái đàn để dự báo và đưa ra kế hoạch, chăn nuôi phải đảm bảo an toàn sinh học. Hiện nay, một số tỉnh, thành trên địa bàn cả nước có dấu hiệu tái phát dịch tả lợn châu Phi vì vậy, lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau đề nghị các sở, ngành địa phương chủ động rà soát, nắm chặt tình hình với trọng tâm “tập trung phát triển sản xuất nhưng không quên nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh”.