Kiên Giang: Hình thành vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết, thực hiện dự án “Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (Dự án TRVC)”, tỉnh bước đầu hình thành vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp trên địa bàn các vùng sản xuất trọng điểm Tứ giác Long Xuyên, Tây sông Hậu, tiến tới nền sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, giá trị kinh tế cao.

Chú thích ảnh
Nông dân xã Vĩnh Hòa Phú, huyện Châu Thành (Kiên Giang) thu hoạch lúa Đông Xuân 2024 - 2025. 

Đây là dự án triển khai thực hiện đề án “Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 1 triệu ha lúa).

Vụ Đông Xuân 2024 - 2025, tỉnh thực hiện 10 mô hình thí điểm, diện tích 511 ha và nhân rộng lên tổng diện tích 5.500 ha, các điểm thực hiện áp dụng tốt quy trình canh tác lúa trong Đề án 1 triệu ha lúa, gieo sạ mật độ 70 kg/ha, sử dụng tiết kiệm phân bón, siết nước theo quy trình có lắp đặt các thiết bị theo dõi mực nước để giảm phát thải, thu gom rơm rạ khỏi đồng ruộng và cày vùi rơm rạ kết hợp với xử lý chế phẩm vi sinh phân hủy rơm rạ.

Hiện tại, các điểm thực hiện mô hình lúa chuẩn bị thu hoạch, lúa phát triển tốt trong điều kiện thời tiết vụ Đông Xuân khá thuận lợi, năng suất dự kiến trên 7 tấn/ha, lượng phát thải khí nhà kính dự kiến giảm từ 7 tấn CO2qđ/ha trở lên, tỷ suất lợi nhuận trên 50%.

Đây là tín hiệu khả quan tạo đà cho ngành lúa gạo Kiên Giang chuyển đổi theo hướng chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh. Tỉnh đăng ký, chuẩn bị vùng sản xuất lúa cho việc ký thỏa thuận chi trả giảm phát thải từ Quỹ Tài chính cac bon chuyển đổi (Qũy TCAF) của Ngân hàng Thế giới.

Tuy nhiên, bước đầu thực hiện dự án TRVC trên địa bàn tỉnh có nhiều khó khăn, hạn chế. Cụ thể là, một số hợp tác xã thực hiện chưa thành công quy trình rút nước theo nguyên tắc ướt khô xen kẽ; nguồn lực thực hiện chương trình, dự án, kế hoạch hạn chế; cán bộ kỹ thuật ở các hợp tác xã, tổ hợp tác chưa được tập huấn chuyên sâu về nhiệm vụ đo đạc - báo cáo - thẩm định (MRV) nên nếu nhân rộng sản xuất trong vụ Hè Thu và Thu Đông năm 2025 thì sẽ gặp khó khăn trong công tác MRV.

Thực hiện dự án TRVC năm 2025, ngoài nhân rộng diện tích vụ Đông Xuân 2024 - 2025 là 5.500 ha, tỉnh tổ chức sản xuất thí điểm và nhân rộng trong vụ Hè Thu đạt 7.500 ha để cả năm đạt 13.000 ha; tỷ lệ số hộ áp dụng quy trình canh tác bền vững, giảm phát thải đạt trên 80% tại các hợp tác xã liên kết sản xuất với doanh nghiệp. Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang chia sẻ, thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa, bước đầu đã hình thành vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh hiệu quả và bài bản hơn. Các hợp tác xã, người dân đã áp dụng tốt các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, tăng thu nhập của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.

Để đảm bảo thực hiện có hiệu quả Đề án 1 triệu ha lúa, tỉnh chọn 4 huyện, gồm: Hòn Đất, Tân Hiệp, Gò Quao và Giang Thành để rà soát, lập danh sách các hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia đề án chuẩn bị cho việc ký thỏa thuận chi trả giảm phát thải từ Quỹ Tài chính cac bon chuyển đổi (TCAF). Cụ thể là tổng diện tích rà soát 10.000 ha, trong đó, Hòn Đất  4.000 ha, Tân Hiệp 3.000 ha, Gò Quao 1.500 ha và Giang Thành 1.500 ha). Hệ thống hạ tầng thủy lợi tưới tiêu đảm bảo sản xuất theo quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Năm 2025, ngành nông nghiệp tỉnh có kế hoạch tổ chức thực hiện 1.280 ha cánh đồng lớn áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long để các địa phương trên địa bàn nhân rộng áp dụng, hình thành vùng sản xuất 200.000 ha nhằm đạt đến mục tiêu Đề án 1 triệu ha lúa của Kiên Giang.

Được biết, năm 2024, liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, tỉnh tổ chức sản xuất 767 cánh đồng với tổng diện tích 116.500 ha, trong đó, có trên 400 cánh đồng gắn với liên kết tiêu thụ, diện tích hơn 73.537 ha, có 27.087 ha sản xuất lúa đạt chuẩn SRP, hữu cơ, GloabalGAP, VietGAP, kiểm soát dư lượng và đang thời kỳ chuyển đổi sản xuất hữu cơ phục vụ xuất khẩu sang các thị trường EU, Mỹ, Nhật.

Bài, ảnh: Lê Huy Hải (TTXVN)
Đồng Tháp phát triển 50.000 ha chuyên canh lúa chất lượng cao
Đồng Tháp phát triển 50.000 ha chuyên canh lúa chất lượng cao

Thực hiện Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” tại tỉnh Đồng Tháp, năm 2025, sẽ có 50.000 ha tham gia chương trình này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN