Cà Mau: Chủ động kịch bản ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt

Cà Mau là tỉnh ven biển duy nhất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long không được bổ sung nguồn nước ngọt từ các sông lớn đầu nguồn.

Do đó, đời sống, sản xuất của người dân phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngầm và nước mưa nên chịu ảnh hưởng lớn khi hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt xảy ra.

Chú thích ảnh
Nước mặn được bơm ra từ nội đồng tại Cống ngăn mặn giữ ngọt Trùm Thuật, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Ảnh tư liệu - minh họa: Huỳnh Thế Anh/TTXVN

Điều này dẫn đến tình trạng khó khăn về nguồn nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân ở các khu vực vùng ngọt thuộc các huyện: U Minh, Trần Văn Thời, Thới Bình, thành phố Cà Mau và các khu vực ven biển, đảo, hải đảo, vùng nông thôn.

Nhằm giảm thiểu thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt gây ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau xây dựng phương án ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn. Căn cứ diễn biến thực tế của hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt đã diễn ra, tỉnh Cà Mau xây dựng hai kịch bản để ứng phó.

Kịch bản 1: “Có bản tin dự báo hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt từ đầu tháng 12 năm trước. Thời gian chính thức diễn ra hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt từ tháng 2 - 4/2025 (tình trạng thiếu hụt lượng mưa tháng trên 50% so với trung bình nhiều năm, kéo dài từ 2-3 tháng và thiếu hụt nguồn nước mặt trong khu vực từ 20-50% so với trung bình nhiều năm). Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1; mức độ gây gắt ít hơn đợt hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt mùa khô năm 2023 – 2024”.

Kịch bản 2: “Có bản tin dự báo hạn hán; xâm nhập mặn vùng ngọt từ đầu tháng 12 năm trước. Thời gian chính thức diễn ra hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt từ tháng 1 - 5/2025 (tình trạng thiếu hụt lượng mưa tháng trên 50% so với trung bình nhiều năm, kéo dài từ 2-3 tháng và thiếu hụt nguồn nước mặt trong khu vực trên 50-70% so với trung bình nhiều năm; tình trạng thiếu hụt lượng mưa tháng trên 50% so với trung bình nhiều năm, kéo dài từ 3-5 tháng và thiếu hụt nguồn nước mặt trong khu vực từ 20-50% so với trung bình nhiều năm). Cấp độ rủi ra thiên tai cấp 2 - 3; mức độ gây gắt từ tương đương đợt hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt mùa khô năm 2023 - 2024". 

Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan xác định khả năng thực tế về cung cấp nước cho sản xuất tại thời điểm vừa xảy ra hạn hán, từ đó tiếp tục điều chỉnh phương án sản xuất nông nghiệp phù hợp với khả năng cân đối nguồn nước hiện có đảm bảo sản xuất đến khi thu hoạch; thường xuyên kiểm tra, rà soát các công trình cống đập, kênh mương để phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố và liên tục cập nhật diễn biến hạn hán, nguồn nước để hướng dẫn người dân chăm sóc cây trồng, vật nuôi, phòng trừ dịch bệnh trong điều kiện hạn hán; cập nhật diễn biến thời tiết, nguồn nước, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn; phổ biến đến các cấp chính quyền và người dân để chủ động ứng phó. 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chỉ đạo Trung tâm khai thác công trình thủy lợi lập kế hoạch cấp nước theo từng công trình quản lý và thông báo đến địa phương về kế hoạch lấy nước, lập lịch bơm nước, kể cả phương án lấy nước luân phiên khi mực nước sông bị hạ thấp; phân công cán bộ kỹ thuật hỗ trợ các xã triển khai các biện pháp đưa nước vào nội đồng. Đồng thời, tổ chức bảo trì công trình, nạo vét các kênh dẫn nước; bảo trì các máy bơm, trạm bơm dã chiến để sẵn sàng bơm nước khi nắng nóng kéo dài.

Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn bảo trì giếng khai thác, thiết bị bơm, thiết bị xử lý nước, đường ống các công trình nước sạch nông thôn được giao quản lý nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch; sẵn sàng hỗ trợ nguồn nước sạch, nước hợp vệ sinh cho các vùng khác khi chính quyền địa phương có yêu cầu.

Trong những năm gần đây, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt Cà Mau diễn biến ngày càng phức tạp, tần suất xuất hiện dày hơn và ngày càng gay gắt hơn, điển hình là tình hình hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt mùa khô 2015 - 2016; 2019 - 2020 và năm 2023 - 2024.

Hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt có đặc điểm là hình thành chậm, thời gian ảnh hưởng kéo dài, có tác động tiêu cực tới đời sống sinh hoạt, sản xuất, môi trường, cơ sở hạ tầng giao thông.

Đơn cử, đợt hạn hán gây ra trong mùa khô 2015-2016 đã làm thiệt hại gần 53.000 ha lúa, 158.000 ha nuôi trồng thuỷ sản, 1.500 ha cây ăn quả cây trồng khác; sụt, lún, lở đất, hư hỏng 112 km đường giao thông, hơn 12.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Tỉnh đã công bố thiên tai mức độ 1 trên lúa và mức độ 2 trên tôm nuôi. Ước thiệt hại về tài sản trên địa bàn tỉnh hơn 1.400 tỷ đồng...

Riêng đợt hạn hán gây ra trong mùa khô năm 2023 - 2024 đã gây ra sụt lún và sạt lở 730 vị trí với tổng chiều dài hơn 19km, trong đó lộ bê tông gần 15km và hơn 4km lộ đất; có 2.620 gia đình bị thiếu và không chủ động được nguồn nước sinh hoạt do hạn hán; diện tích cua nuôi quảng canh kết hợp bị bệnh gần 8.000 ha...

Kim Há (TTXVN)
Ứng phó với cao điểm xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long
Ứng phó với cao điểm xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long về việc tăng cường các giải pháp ứng phó với cao điểm xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 15/CĐ-TTg ngày 17/2/2025.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN