Giá thực phẩm không tăng, cước vận tải chưa giảm

Giá xăng vừa qua đã giảm lần thứ 5 liên tiếp với mức giảm gần 400 đồng/lít, về mức 16.400 đồng/lít. Như vậy, trong 3 tháng gần đây, giá xăng đã giảm tổng cộng khoảng 1.700 đồng/lít, tương đương gần 10% so với mức giá hồi tháng 9/2015.

Tuy nhiên, giá cước vận tải vẫn không có sự thay đổi, giá cả tiêu dùng tại các chợ thậm chí có xu hướng tăng nhẹ.

Vẫn nhiều lí do chưa giảm cước

Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội, mặc dù giá xăng đã giảm, giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí đầu vào, song thực tế, các doanh nghiệp vẫn phải gánh các chi phí tăng cao như lương thưởng cho nhân viên, áp lực cạnh tranh. Đặc biệt là thời gian qua, lượng khách giảm rõ rệt do sự xuất hiện của các loại hình ứng dụng gọi taxi qua mạng. Ước tính lượng khách của các doanh nghiệp trong hiệp hội giảm khoảng 25% so với năm trước.

Giá thực phẩm vẫn giữ nguyên. Ảnh: Đinh Văn Nhiều - TTXVN

Ông Liên cũng cho hay, nhiều doanh nghiệp taxi cũng đã tính toán, lên kế hoạch giảm cước vận tải, ở mức khoảng 5%, tương đương khoảng 200-300 đồng/km. Tuy nhiên, cũng chưa thể thực hiện ngay trong thời gian ngắn, vì đối với các doanh nghiệp taxi cần có độ trễ nhất định, không phải cứ xăng dầu giảm giá là bắt vận tải giảm giá theo vì sự ổn định của giá xăng dầu không cao. Trong khi đó, để điều chỉnh giá cước, doanh nghiệp taxi cần rất nhiều thủ tục kê khai, chi phí kiểm định lại đồng hồ, thay giá cước mới…

Với sự hối thúc của các bộ ngành về việc phải giảm giá cước, ông Liên cũng nói thêm, với mỗi lần điều chỉnh giá xăng tăng - giảm tổng cộng từ 12-15%, tương đương khoảng 2.000 đồng/lít, và được giữ trong một khoảng thời gian nhất định thì doanh nghiệp mới tính toán tăng hay giảm giá cước được khoảng 5 - 7%. Bởi lẽ giá xăng chỉ chiếm 40% trong cấu thành giá cước. Với hiện tại, nếu doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh giảm giá cước xong, giá xăng lại tăng lên thì sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp rất muốn giảm giá để kích cầu tiêu dùng và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Nhưng với mức giảm giá xăng hiện nay, chưa đáp ứng tiêu chí cấu thành giá, đảm bảo kinh doanh. Nên để yêu cầu doanh nghiệp giảm mạnh cước là rất khó. Do vậy, nếu trong thời gian tới, giá xăng tiếp tục giảm, đáp ứng mức khoảng 15% và được giữ ổn định thì doanh nghiệp sẽ thực hiện giảm giá mạnh tay hơn.

Ông Đinh Văn Sáu, Chủ tịch Công ty Taxi Hương Lúa cho biết, để giảm cước ngay là rất khó bởi chi phí cho điều chỉnh cước là rất tốn kém, khoảng 800.000 đồng/xe. Bên cạnh đó, thời gian qua, doanh thu của doanh nghiệp và lái xe cũng bị giảm do cạnh tranh với các các ứng dụng Uber, Grab… Do vậy, hiện doanh nghiệp vẫn đang lên kế hoạch, có những tính toán để giảm giá cước và đăng ký kê khai với cơ quan chức năng. Sự tăng, giảm của xăng dầu không mang tính ổn định, nên cũng rất khó cho các doanh nghiệp để có thể đưa ra mức giảm cụ thể. Thời gian tới, nếu giá xăng dầu tiếp tục có mức giảm 500 - 600 đồng/lít, giá cước taxi sẽ được giảm, có thể ở mức 500 đồng/lít. Còn hiện tại, các tính toán mức giảm cước là nhỏ, chỉ khoảng 200-300 đồng/km.
Giá thực phẩm không giảm do nhu cầu cuối năm tăng

Về giá nhiều mặt hàng tiêu dùng, qua khảo sát tại các chợ đầu mối, chợ Mơ..., giá cả các loại thực phẩm vẫn giữ nguyên; một số mặt hàng có xu hướng tăng nhẹ so với thời điểm tháng 10 và 11 trước đó.

Cụ thể, giá thịt bò vẫn ở mức từ 230.000-250.000 đồng/kg (tăng nhẹ 10.000 đồng/kg), giá gà ta từ 120.000-140.000 đồng/kg, đùi gà 70.000 đồng/kg, thịt rọi, thịt thăn giá 100.000-110.000 đồng/kg. Giá trứng gà - vịt vẫn giữ ở mức 30.000 đồng/chục.

Các loại rau, quả đều có mức tăng nhẹ 1.000 - 3.000 đồng so với những tháng trước đó. Rau cải xanh ở mức 7.000 đồng/mớ, cải ngọt 8.000 đồng/mớ, cà chua 17.000 đồng/kg, khoai tây 12.000 đồng/kg...

Anh Đinh Anh Tú, tiểu thương tại chợ Mơ (Hà Nội) cho biết, hiện đang trong mùa lạnh một số loại cây trồng kém phát triển, cùng với cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tăng cao nên giá cả nhiều mặt hàng có xu hướng tăng, đặc biệt là các loại rau củ quả. Giá xăng trong năm giảm như vậy, nhưng các đầu mối, thương lái vẫn giữ nguyên giá hàng hóa.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, giá xăng giảm liên tục mà cước vận tải vẫn chưa giảm ngay là khó chấp nhận. Còn với các mặt hàng tiêu dùng, muốn giảm giá thì vấn đề ở khâu phân phối trung gian hàng hóa từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng. Giá rau sạch tại ruộng chỉ 2.000 - 4.000 đồng, nhưng khi lên đến các chợ thì giá lên đến cả chục nghìn; thịt lợn hơi ở mức 40.000 đồng/kg, trong khi đó giá bán tại chợ vẫn khoảng 100.000 đồng/kg.

Vì vậy, phải làm tốt khâu phân phối; trong đó cần phải giảm bớt các kênh phân phối trung gian; phải kết nối doanh nghiệp sản xuất và cung ứng để đưa hàng đến tay người tiêu dùng tốt nhất, rẻ nhất.

Ngoài ra, ông Phú cũng đề xuất, các cơ quan chức năng cần phải làm mạnh tay hơn với các đơn vị, doanh nghiệp chây ì giảm giá, giảm cước. Cơ quan quản lý thị trường cần thường xuyên kiểm tra các doanh nghiệp; đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu, ổn định thị trường, đặc biệt trong dịp lễ Tết…
Đức Dũng
Thị trường vàng khởi sắc nhờ giá dầu tăng
Thị trường vàng khởi sắc nhờ giá dầu tăng

Giá vàng đảo chiều phục hồi trong phiên ngày 24/12 tuy vậy triển vọng của kim loại quý này vẫn tương đối ảm đạm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN