Cụ thể tại New York, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ tăng 1,13 USD, hay 2,5% và đóng phiên ở mức 46,54 USD/thùng. Trong khi giá dầu Brent khép phiên tăng 1,11 USD (hay 2,1%) lên 54,91 USD/thùng.
Giá dầu được hỗ trợ bởi thị trường chứng khoán Mỹ phục hồi nhẹ sau khi các chỉ số chính ở Phố Wall đã sụt giảm trước đó. Thời gian gần đây, giá dầu giao kỳ hạn có xu hướng biến động cùng chiều với chứng khoán Mỹ, thị trường vừa ghi nhận năm giao dịch tồi tệ nhất 10 năm qua trong năm 2018.
Tuy nhiên, số liệu về hoạt động sản xuất và chế tạo từ Trung Quốc được công bố trước đó đã “đổ thêm dầu” vào những lo ngại về khả năng đà tăng trưởng kinh tế chậm lại trên toàn cầu, dù sản lượng gia tăng ở một số nước như Nga.
Hoạt động sản xuất tại các nhà máy của Trung Quốc trong tháng 12 đã suy giảm lần đầu tiên trong hai năm qua, qua đó cho thấy những thách thức mà Bắc Kinh đang phải đối mặt trong bối cảnh nước này đang tìm cách chấm dứt cuộc chiến thương mại với Mỹ. Số liệu về hoạt động sản xuất và chế tạo của Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Euro zone) cũng gây thất vọng, khi hoạt động sản xuất kinh tế của khu vực này chỉ tăng lên vào cuối năm 2018, theo kết quả một cuộc khảo sát mới đây.
Những lo ngại về đà tăng trưởng giảm tốc và tình trạng dư thừa nguồn cung đã kéo giá dầu hồi tháng 10/2018 đi xuống từ các mức cao nhất trong nhiều năm qua. Năm 2018 là năm đầu tiên kể từ năm 2016 giá dầu thô suy giảm, trong đó dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giảm 25% còn dầu Brent Biến Bắc giảm 21%.