Giá dầu Brent kỳ hạn ở mức 53,22 USD/thùng vào lúc 14 giờ 45 phút theo giờ Việt Nam, giảm 58 xu, hay 1,1%, so với mức chốt phiên cuối cùng của năm 2018. Giá dầu West Texas Intermediate (WTI) kỳ hạn của Mỹ giảm 52 xu, hay 1,2%, xuống 44,89 USD/thùng.
Hoạt động của các nhà máy trên khắp châu Á yếu hơn trong tháng 12/2018, khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và nhu cầu suy yếu của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến hầu hết các nền kinh tế, cho thấy một khởi đầu khó khăn của khu vực tăng trưởng hàng đầu của thế giới trong năm 2019.
Ngày 2/1, Trung Quốc đã cắt giảm hạn ngạch nhập khẩu dầu thô đợt đầu tiên của năm 2019. Bộ Thương mại Trung Quốc cấp hạn ngạch tổng cộng 89,84 triệu tấn cho đợt nhập khẩu đầu tiên của năm nay, giảm so với 121,32 triệu tấn nhập đợt đầu năm ngoái.
Về phía nguồn cung, mọi sự chú ý hướng đến việc sản lượng của Mỹ đang tiếp tục tăng mạnh và sự tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Nga.
Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ mới đây cho biết, sản lượng dầu thô của nước này đã tăng lên mức cao chưa từng có là 11,537 triệu thùng/ngày vào tháng 10/2018, đưa Mỹ trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, vượt qua Nga, nước có sản lượng đạt kỷ lục 11,45 triệu thùng/ngày vào tháng 12 năm ngoái.
Sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu là yếu tố tác động đến lòng tin trên các thị trường dầu mỏ. Giá dầu khép lại năm 2018 giảm lần đầu tiên kể từ năm 2015, khi thị trường chứng kiến sức mua yếu trong quý IV/2018, do lo ngại về tình trạng dư cung và những dấu hiệu không nhất quán liên quan đến lệnh trừng phạt Iran của Mỹ. Trong cả năm ngoái, giá dầu WTI giảm gần 25%, trong khi giá dầu Brent giảm gần 20%.
Triển vọng của thị trường trong năm 2019 không có gì chắc chắn với một loạt nhân tố gây bất ổn, bao gồm căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và vấn đề Brexit cũng như bất ổn chính trị và xung đột ở Trung Đông.
Khảo sát của Reuters cho thấy giá dầu dự kiến sẽ ở mức dưới 70 USD/thùng trong năm 2019, trong bối cảnh tình trạng dư cung, chủ yếu là từ Mỹ, và đà tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu làm suy yếu các nỗ lực cắt giảm sản lượng nhằm vực dậy giá của các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC.