Ngày 6/9 tại đại siêu thị Carrefour Collagen ở ngoại ô thủ đô Paris đã diễn ra lễ ra mắt loại gạo mang thương hiệu "Cơm Việt Nam", đây là những lô gạo đầu tiên của Tập đoàn Lộc Trời được giới thiệu tới phân khúc khách hàng của hệ thống phân phối Carrefour với hơn 250 đại siêu thị, cùng khoảng 3.000 siêu thị và chuỗi cửa hàng tiện ích trên toàn nước Pháp.
Buổi lễ khai trương được tổ chức với sự tham dự của Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương, bà Nguyễn Thảo Hiền, Thị trưởng vùng Lorgne, ông André Yuste, Tổng Giám đốc chuỗi siêu thị Carrefour, ông Rami Baitieh và đại diện của các nhà xuất khẩu, nhập khẩu cùng đông đảo khách hàng.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN, ông Philipp Rosler, thành viên độc lập của Hội đồng quản trị Tập đoàn Lộc Trời, cho biết sự kiện này mang một ý nghĩa quan trọng đối với cả Pháp và Việt Nam vì đây là hợp đồng thương mại lớn đầu tiên được thực hiện trên cơ sở Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA). Điều này cho thấy hiệp định đang phát huy rất hiệu quả và từ nay gạo Việt Nam có thể xuất khẩu trực tiếp sang châu Âu.
Ông Rosler nhấn mạnh “Đây mới chỉ là sự khởi đầu và chúng tôi bắt đầu với sản phẩm tốt nhất. Tuy nhiên, Pháp mới chỉ là điểm đến đầu tiên của chúng tôi tại châu Âu. Tiếp theo sẽ là Đức, Italy và toàn khu vực. Ngoài chất lượng hàng đầu của sản phẩm về mùi vị và sản lượng, chúng tôi có thể đảm bảo sản xuất và xuất khẩu một cách ổn định".
Là nhà nhập khẩu cho các hệ thống phân phối tại Pháp, ông Khiêm Nhật Thành, Tổng Giám đốc T&T Food bày tỏ niềm tự hào khi có thể đưa những hạt gạo Việt Nam đầu tiên vào các siêu thị lớn của Pháp. Bắt đầu hợp tác vào tháng 3/2021, T&T Food và Lộc Trời đã biến giấc mơ thành hiện thực khi đưa loại gạo tuyệt vời này vào hệ thống bán lẻ hàng đầu của Pháp như Carrefour và E.Leclerc. Ông Khiêm Nhật Thành nhấn mạnh: "Thành công mà chúng tôi có được, tất nhiên là nhờ những khách hàng như Carrefour, nhưng bên cạnh đó còn có sự giúp đỡ to lớn của Bộ Công Thương và Thương vụ".
Với tham vọng tạo một vị trí vững chắc cho gạo Việt Nam tại thị trường Pháp, T&T Food dự kiến sẽ cùng các nhà bán lẻ giới thiệu loại gạo tuyệt vời này đến người tiêu dùng Pháp. "Do người Pháp không nấu cơm theo cách giống như người châu Á, chúng tôi sẽ tuyên truyền và hướng dẫn, để người Pháp biết cách nấu và yêu thích loại gạo này. Chúng tôi dự kiến sẽ nhập 107 container cho năm 2023 và chúng tôi rất vui khi có thể đóng góp, phát triển và hơn hết là đưa gạo Việt Nam vào các siêu thị của Pháp.
Về phía mình, ông Rami Baitieh, Tổng giám đốc chuỗi siêu thị Carrefour cho biết có đến 80 sản phẩm của Việt Nam hiện đang được bày bán trên các kệ hàng của Carrefour. Ông nói: "Chúng tôi đặc biệt đánh giá cao mặt hàng chủ lực của Việt Nam là gạo. Loại gạo mà người Việt Nam làm ra bằng tình yêu và sự nghiêm túc. Những ưu điểm này đã hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí của Liên minh châu Âu (EU) và cho phép người tiêu dùng nấu loại gạo Việt Nam này theo cách đơn giản nhất có thể".
Khó khăn và thách thức
Để gạo chinh phục được thị trường khó tính này là cả một quá trình nỗ lực của người nông dân, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và đặc biệt là của Bộ Công Thương với đầu mối là cơ quan thương vụ Việt Nam tại Pháp.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Pháp, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc tập đoàn Lộc Trời cho biết trong quá trình đưa gạo vào thị trường châu Âu nói chung và Pháp nói riêng, tập đoàn gặp nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn.
Về thuận lợi, theo ông, đó là nỗ lực của bà con nông dân trong việc tuân thủ những quy trình sản xuất và đảm bảo chất lượng của lúa gạo; cộng đồng người Việt tại châu Âu luôn sẵn sàng yêu mến và mong đợi sản phẩm gạo Việt Nam; các đối tác như T&T Food luôn sẵn sàng hỗ trợ để tạo điều kiện cho Việt Nam có thể xuất khẩu gạo và cuối cùng không kém phần quan trọng, đó là sự hỗ trợ của Bộ Công Thương và các Tham tán thương mại, đã hỗ trợ cho các sản phẩm của Việt Nam được vào thị trường châu Âu trong đó có gạo.
Tuy nhiên với ông Thuận, khó khăn cũng không phải là ít. Để bà con nông dân có thể tuân thủ quy trình trồng trọt và các bộ sản phẩm thì cần phải huấn luyện bà con một cách bài bản, tập trung các vùng sản xuất theo qui hoạch, đảm bảo tuân thủ yêu cầu từ khâu giống, phân thuốc và đặc biệt không sử dụng lao động trẻ em trong quá trình canh tác và sản xuất, phải có quy định cụ thể về cách trồng, tổ chức mã số vùng trồng để có thể truy suất nguồn gốc sản xuất khi đưa vào châu Âu.
Theo ông Thuận, tập đoàn Lộc Trời đã áp dụng các quy trình này, đã đăng ký với chính quyền địa phương đặc biệt hai tỉnh An Giang và Kiên Giang để xây dựng vùng trồng riêng cho thị trường châu Âu. "Chúng tôi hy vọng rằng với sự nỗ lực của tất cả các bên thì nông dân Việt Nam có thể trở thành một trong các khâu quan trọng của việc cung ứng gạo ra thị trường thế giới.
Vai trò cầu nối của các cơ quan Thương vụ
Theo số liệu hải quan, trong năm 2021 Việt Nam xuất khẩu hơn 17.000 tấn gạo sang Pháp, đạt 13 triệu USD (tăng 7% về giá trị, giảm 7% về số lượng so với năm 2020), chiếm 2,9% tổng nhu cầu nhập khẩu gạo của Pháp.
Để tiếp cận được tới phân khúc cuối cùng của thị trường bán lẻ tại một quốc gia châu Âu, trước hết đòi hỏi những hiểu biết sâu sắc về tính chất của thị trường và phương thức vận hành của hệ thống bản lẻ tại một thị trường nhất định và sau đó xây dựng kế hoạch hành động dài hạn nhằm tiếp cận, thâm nhập vào hệ thống phân phối bán lẻ cao cấp và phức tạp này. Với đặc thù đó, trong thời điểm hiện tại, đây là một nhiệm vụ mà ở đó vai trò của các cơ quan Thương vụ là vô cùng quan trọng.
Chia sẻ kinh nghiệm của địa bàn, ông Vũ Anh Sơn, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Pháp cho biết: "Trên cơ sở đặc thù của thị trường Pháp, Thương vụ Việt Nam tại Pháp đã có báo cáo và nhận được sự chỉ đạo, hướng dẫn của Vụ Âu Mỹ về việc triển khai kế hoạch dài hạn, bền vững, tiếp cận các hệ thống phân phối bán lẻ tại thị trường Pháp, hướng đến xây dựng thương hiệu quốc gia và hình ảnh hàng hóa Việt Nam có chất lượng tại thị trường này."
Mặt hàng gạo được lựa chọn thí điểm do thế mạnh đặc thù của gạo Việt Nam và tiềm năng của thị trường Pháp với mặt hàng này. Từ đầu năm 2021, một loạt hoạt động như nghiên cứu thị trường, tìm kiếm cơ hội, sàng lọc nhà xuất khẩu uy tín, tăng cường tiếp cận diện rộng các đối tác nhập khẩu, đẩy mạnh tổ chức các hoạt động quảng bá hình ảnh, định hướng người tiêu dùng đã được Thương vụ Việt Nam tại Pháp triển khai dưới nhiều hình thức và với các đối tác khác nhau. Để tăng cao cơ hội tiếp cận thị trường, Thương vụ cũng trực tiếp tham gia vào nhiều giai đoạn đàm phán và thương thảo của doanh nghiệp và đã nhiều lần trực tiếp “gỡ rối”, đẩy nhanh hiện thực hóa mục tiêu đưa gạo thương hiệu Việt Nam vào Pháp.
Trong thời gian tới Bộ Công Thương với đầu mối là hệ thống thương vụ tiếp tục phát huy lợi thế của EVFTA, phối hợp với các nhà xuất khẩu trong nước và các nhà nhập khẩu ở thị trường sở tại để đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xúc tiến xuất khẩu vào thị trường Pháp.
Pháp là nước có số dân lớn thứ hai châu Âu với gần 68 triệu người, cũng là quốc gia có thị trường bán lẻ lớn thứ hai châu Âu với tổng giá trị khoảng 470 tỷ euro (470 tỷ USD), sau Đức, và có đến 4 trên tổng số 10 tập đoàn bán lẻ lớn nhất tại châu Âu là từ Pháp. Thêm vào đó Pháp cũng là quốc gia có cộng đồng người châu Á lâu đời nhất và lớn nhất tại EU. Đặc biệt, quốc gia này có một cộng đồng Việt kiều đông nhất tại châu Âu với gần 400.000 người Việt tại Pháp.
Thành công từ việc đưa gạo vào các chuỗi phân phối nước ngoài để có thể bán tại các nước sở tại, cho người tiêu dùng bản địa, dưới thương hiệu Việt Nam là một phương thức hiệu quả, bền vững đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa và có tầm quan trọng đặc biệt trong công tác xây dựng Thương hiệu quốc gia, đồng thời cũng mở rộng thêm con đường hội nhập quốc tế cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân Việt Nam.