Thị trường gạo châu Á
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được giao dịch ở mức 379 - 387 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 6/2021, so với mức 366 - 372 USD/tấn trong tuần trước. Giá loại lương thực này đã tăng trong tuần thứ ba liên tiếp.
Himanshu Agarwal, giám đốc điều hành tại Satyam Balajee, nhà xuất khẩu gạo lớn nhất của Ấn Độ, cho biết giá gạo đồ của Ấn Độ tăng do một cuộc đấu thầu từ Bangladesh, nước đã thu mua một khối lượng lớn thực phẩm trong năm nay do mùa màng thiệt hại.
Bên cạnh đó, Ấn Độ đang xem xét có nên hạn chế xuất khẩu gạo 100% tấm hay không, khi diện tích trồng lúa sụt giảm do thiếu mưa.
Một nhà xuất khẩu tại Kakinada thuộc bang Andhra Pradesh, miền Nam nước này cho biết giá gạo trắng ổn định do nguồn cung dồi dào.
Nước láng giềng Bangladesh đang hoàn tất các thỏa thuận với Việt Nam và Ấn Độ để nhập khẩu tổng cộng 330.000 tấn gạo trong bối cảnh nước này cố gắng bổ sung nguồn dự trữ và hạ nhiệt giá trong nước.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm nhẹ xuống 415-416 USD/tấn so với mức 416-420 USD/tấn trong tuần trước.
Một nhà giao dịch tại Bangkok cho hay sự sụt giảm này là do thay đổi tỷ giá hối đoái.
Nhà giao dịch này cho biết hoạt động mua bán thường không mấy sôi nổi trong mùa mưa, có một số đơn hàng đến từ Trung Đông nhưng số lượng không lớn.
Xuất khẩu gạo Thái Lan dự kiến đạt từ 7 triệu tấn đến 7,5 triệu tấn do đồng baht giảm giá, chi phí vận chuyển thấp hơn và sản lượng tốt nhờ thời tiết thuận lợi.
Thị trường gạo Việt Nam đóng cửa nghỉ lễ Quốc khánh.
Thị trường nông sản Mỹ
Trong phiên giao dịch 2/9, giá các mặt hàng nông sản kỳ hạn trên sàn giao dịch Chicago, Mỹ đều tăng, dẫn đầu là giá lúa mỳ.
Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 12/2022 tăng 7,75 xu Mỹ (1,18%) lên 6,6575 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao tháng 12/2022 tăng 16,75 xu Mỹ (2,11%) lên 8,11 USD/bushel. Còn giá đậu tương giao tháng 11/2022 tăng 25,75 xu Mỹ (1,85%) lên 14,205 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago nhận thấy sự suy yếu của đồng USD là sự điều chỉnh đối với hoạt động chốt lời. Trong bối cảnh Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) sắp công bố Báo cáo mùa vụ tháng Chín, do đó rất ít giao dịch diễn ra cho đến khi sản lượng vụ ngô và đậu tương Mỹ được xác định.
Giá chào bán lúa mì FOB của Nga đã giảm trong nhiều tuần. Xu hướng giảm giá này đã tăng nhanh trong tuần này, trong đó lúa mỳ 11,5% protein được chào bán ở mức 289 USD/tấn. Tốc độ xuất khẩu lúa mỳ của Nga sẽ đạt 3,8 triệu tấn đến 4 triệu tấn trong tháng 9/2022, thấp hơn nhiều so với các năm trước.
Về tình hình thời tiết, dự báo khu vực miền Đông Trung Tây sẽ ẩm ướt hơn. Những trận mưa rào nhẹ sẽ đổ xuống khắp khu vực Trung Nam và Nam Trung Tây vào cuối tuần này. Nhiệt độ trên bình thường sẽ bao trùm toàn bộ miền Trung Mỹ trong 10 ngày tới.
Thị trường cà phê thế giới
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London kéo dài chuỗi giảm lên phiên thứ sáu. Giá cà phê Robusta giao tháng 11/2022 giảm 5 USD xuống 2.223 USD/tấn và giá cà phê Robusta giao tháng 1/2023 giảm 2 USD xuống 2.215 USD/tấn. Khối lượng giao dịch duy trì rất thấp dưới mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng giảm. Giá cà phê Arabica giao tháng 12/2022 giảm thêm 3,70 xu Mỹ, xuống 228,80 xu Mỹ/lb và giá cà phê Arabica giao tháng 3/2023 giảm thêm 3,65 xu Mỹ, còn 222,10 xu Mỹ/lb (1 lb=0,4535 kg).. Khối lượng giao dịch duy trì ở mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giảm thêm 0 – 100 đồng, xuống dao dộng trong khung 47.500 – 48.000 đồng/kg.
Báo cáo việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp tháng 8/2022 của Mỹ, một chỉ dấu quan trọng có tác động đến chính sách điều hành lãi suất của Fed tại cuộc họp sắp tới, đã cho thấy số lượng việc làm cao hơn nhiều so với mức dự báo, giúp thị trường tiếp tục đặt cược vào mức tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong tháng 9/2022.
Trong khi đó, thông tin Trung Quốc phong tỏa Thành Đô, một thành phố có hơn 21 triệu dân, trong khi thời tiết hạn hán đang đe dọa nguồn cung lương thực và nguyên liệu công nghiệp, buộc ngành điện phải luân phiên cắt điện theo từng khu vực khiến lo ngại tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ không đạt như kỳ vọng.