Phát triển thương hiệu gạo Séng Cù Mường Lò

Để phát triển thương hiệu gạo Séng Cù Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm gạo mang chỉ dẫn địa lý như quảng bá, giới thiệu trên các phương tiện thông tin truyền thông; đặt biển quảng bá, cửa hàng giới thiệu sản phẩm..

Cánh đồng Mường Lò nằm trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái, cách trung tâm tỉnh Yên Bái 80 km về phía Tây Bắc, là cánh đồng rộng lớn thứ 2 khu vực miền núi phía Bắc, sau cánh đồng Mường Thanh, tỉnh Điện Biên như câu ca truyền khẩu để nói về bốn vựa lúa lớn nhất vùng Tây Bắc: "Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc". Đây là nơi sinh sống của 20 dân tộc anh em; trong đó dân tộc Thái chiếm 50%. 

Chú thích ảnh
Gạo Séng Cù Mường Lò có vị trí vững chắc trên thị trường khi trở thành thương hiệu sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Yên Bái. Ảnh: TTXVN phát

Ông Liễu Ngọc Mậu, Chủ tịch Hội Sản xuất và Kinh doanh Gạo Mường Lò cho biết, Mường Lò là cánh đồng có địa hình bằng phẳng với diện tích hơn 3.100 ha, ở độ cao 250m so với mặt nước biển, xung quanh được bao bọc bởi những dãy núi cao. Đây là vùng đất dốc tụ được kiến tạo từ nhiều năm do suối Ngòi Thia, Nặm Đông, Nặm Tộc và nhiều dòng suối nhỏ khác mang phù sa từ các sườn núi bồi đắp nên. Số giờ nắng cao, nguồn nước tưới sạch tạo điều kiện cho cây lúa tích lũy dinh dưỡng.

Cơ cấu giống lúa của cánh đồng Mường Lò gồm có: Nghi Hương 305, Nhị ưu 838, HT1, Hương Chiêm, Séng Cù...; trong đó, Hương Chiêm và Séng Cù là 2 giống hàng hóa chủ lực với diện tích hơn 1.300 ha (chiếm trên 45% điện tích đất canh tác của cánh đồng Mường Lò), có năng suất và chất lượng cao, được canh tác từ lâu và người dân có thể chủ động nguồn giống, đã tạo nên danh tiếng của gạo đặc sản Mường Lò. Sản lượng lúa của cánh đồng Mường Lò từ 30.000 - 32.000 tấn; trong đó, các loại lúa đặc sản hàng hoá khoảng 15.000 tấn.

Chú thích ảnh
Thương hiệu gạo séng cù Mường Lò được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng. Ảnh: Việt Dũng/TTXVN

Do được thiên nhiên ưu đãi về đất, nước, khí hậu phù hợp cho cây lúa sinh trưởng, phát triển và đạt năng suất, chất lượng cao nên từ bao đời nay nhân dân vùng cánh đồng Mường Lò đã gieo trồng nhiều loại gạo thơm ngon đặc biệt là giống gạo đặc sản Séng Cù nổi bật với độ mềm dẻo, thơm, đậm cơm, giầu giá trị dinh dưỡng. Gạo Séng Cù Mường Lò từ lâu đã nổi tiếng khắp vùng Tây Bắc, trong dân gian còn truyền miệng câu ca "Muốn ăn gạo trắng nước trong, vượt qua Đèo Ách vào trong Mường Lò".

Gạo Séng Cù được đưa vào trồng thử nghiệm tại cánh đồng Mường Lò từ năm 1998. Cùng với giống lúa Hương Chiêm, giống Séng Cù là giống lúa hàng hóa chủ lực chiếm  trên 45% diện tích của Mường Lò, sản lượng đạt 10 nghìn tấn/năm.

Chú thích ảnh
Bà Phạm Thị Đông (trái), Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật Nông, Lâm, Thủy sản TND hướng dẫn bà con chăm sóc lúa séng cù Mường Lò. Ảnh: Việt Dũng/TTXVN

Gạo Séng Cù không những thơm ngon tự nhiên mà còn có giá trị dinh dưỡng cao, hàm lượng vitamin cao gấp hơn 3 lần so với gạo thông thường nên đã xứng danh là "Đặc sản Tây Bắc" được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. Cơm Séng Cù bóng nhẫy nhựa, dẻo, đậm ngọt, nhưng ăn không khé cổ như cơm nếp, mặc dù có độ dẻo cao nhưng khi nắm không dính tay.

Chính vì sự thơm, ngon đặc biệt của gạo Séng Cù Mường Lò, tháng 1/2018, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý gạo Mường Lò cho gạo Séng cù. Gạo Séng Cù được gieo trồng trên cánh đồng Mường Lò, chỉ dẫn địa lý là hình thức bảo hộ cao nhất đối với các sản phẩm đặc sản của mỗi quốc gia, chỉ dẫn địa lý gạo Mường Lò là sản phẩm thứ 61 trên toàn quốc được nhà nước bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Hiện gạo Séng Cù Mường Lò đã vươn ra và có vị trí vững chắc trên thị thị trường khi được nữ giám đốc Phạm Thị Đông - Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật Nông, Lâm, Thủy sản TND xây dựng trở thành thương hiệu sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Yên Bái.

Theo bà Phạm Thị Đông, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật Nông, Lâm, Thủy sản TND, điều kiện sinh thái của Mường Lò rất phù hợp cho cây lúa sinh trưởng, phát triển và cho năng suất cao.

Hiện, công ty cung cấp giống và phối hợp với Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp An Sơn trồng gần 30ha ở cánh đồng Mường Lò, cho thu hoạch hai vụ vào tháng 5,6 và 9,10 hàng năm với sản lượng 150 tấn thóc/vụ, bán gạo khoảng 40 tấn/vụ với giá bán 35 nghìn/kg. Từ đó, góp phần tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho các thành viên trong hợp tác xã.

Chú thích ảnh
Bà Phạm Thị Đông - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật Nông, Lâm, Thủy sản TND cùng các thành viên Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp An Sơn kiểm tra quá trình sinh trưởng của lúa séng cù Mường Lò. Ảnh: Việt Dũng/TTXVN

Nhằm nâng cao giá trị và thương hiệu gạo Séng Cù Mường Lò, năm 2021, thị xã Nghĩa Lộ đã triển khai Đề án khoa học và công nghệ cấp tỉnh quản lý, phát triển chỉ dẫn địa lý “Gạo Mường Lò” cho sản phẩm gạo của cánh đồng Mường Lò. Đề án đã xây dựng mô hình điểm về sản xuất lúa Séng Cù nguyên chủng chất lượng cao tại thôn An Sơn, xã Hạnh Sơn với 80 hộ thí điểm, quy mô 40 ha/2 vụ. Giống lúa Séng Cù nguyên chủng được đưa vào gieo trồng đạt chuẩn là 60kg/ha. Qua 2 vụ triển khai năng suất ước đạt 60 tạ/ha.

Ông Vũ Đức Trung, Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ cho biết, để phát triển thương hiệu gạo Séng Cù Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm gạo mang chỉ dẫn địa lý như quảng bá, giới thiệu trên các phương tiện thông tin truyền thông; đặt biển quảng bá, cửa hàng giới thiệu sản phẩm... tạo thêm danh tiếng, uy tín sản phẩm gạo của cánh đồng Mường Lò đến khách hàng ở các thị trường tiềm năng.

Việt Dũng (TTXVN)
Bước tiến mới đưa thương hiệu gạo Việt ra thị trường thế giới
Bước tiến mới đưa thương hiệu gạo Việt ra thị trường thế giới

Việt Nam đã vươn lên thành một trong những quốc gia sản xuất và xuất khẩu lúa gạo hàng đầu thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN