Hiện, xã Ngọc Chiến đang triển khai nhiều giải pháp giữ gìn và phát triển thương hiệu gạo nếp tan gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Chị Vì Thị Hải sinh ra và lớn lên trên vùng đất Ngọc Chiến chia sẻ, chị không biết gạo nếp tan ở đây có từ bao giờ. Nhưng từ thời cha, ông đã có giống nếp này. Cứ như vậy, thế hệ trước để lại cho thế hệ sau lưu truyền một giống lúa nếp địa phương và trở thành một loại lương thực không thể thiếu với người dân. Trong xã, nhà nào cũng trồng giống lúa nếp tan này.
Gạo nếp tan Ngọc Chiến là sản phẩm gạo nếp tan đã được đồng bào dân tộc Thái nơi đây trồng từ nhiều đời nay. Đây là giống gạo nếp có những đặc tính quý như gạo trắng trong, hạt bầu bóng, chất lượng gạo dẻo, mùi hương thơm dịu, vị gạo ngậy bùi. Ngày nay, giống lúa đặc sản này đã trở thành sản phẩm hàng hóa, khẳng định chất lượng và có giá trị trên thị trường, giúp người nông dân có thu nhập ổn định.
Xã Ngọc Chiến hiện có 250 ha, với năng suất bình quân từ 4 - 4,5 tấn/ha. Để gìn giữ và nâng cao giá trị sản phẩm gạo nếp này, chính quyền xã Ngọc Chiến đã đẩy mạnh quy hoạch vùng trồng và tăng cường hướng dẫn kỹ thuật cho người nông dân.
Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến Lò Văn Thoa cho biết, chính quyền địa phương đã tập trung hướng dẫn các hộ nông dân trồng lúa nếp tan. Hiện tại, lúa nếp tan trên địa bàn xã Ngọc Chiến đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Để phát huy giá trị, chính quyền xã đã vận động nhân dân trồng lúa nếp tan vừa để phục vụ đời sống. Đồng thời, tạo sản phẩm nông nghiệp gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Đặc biệt, từ năm 2016, xã Ngọc Chiến đã nâng tết cơm mới lên thành lễ hội mừng cơm mới. Trước đó, cứ vào dịp đầu tháng 9 hàng năm khi lúa ngoài đồng bắt đầu chín, đồng bào dân tộc Thái ở Ngọc Chiến lại háo hức, rộn ràng đón tết cơm mới, để cùng cầu mong cho mùa màng tốt tươi, sức khỏe dồi dào và tri ân những người có công khai phá ra ruộng đồng.
Bên cạnh ý nghĩa bảo tồn, phát huy những giá trị và nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, lễ hội còn giới thiệu tiềm năng du lịch Ngọc Chiến đến với du khách. Giờ đây, sản phẩm gạo nếp tan Ngọc Chiến không chỉ là sản phẩm OCOP đạt 4 sao cấp tỉnh mà vẻ đẹp của những cánh đồng lúa nơi đây còn tương hỗ cho du lịch cộng đồng phát triển.
Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La Nguyễn Văn Tâm thông tin, địa phương tiếp tục duy trì sản phẩm gạo nếp tan gắn với phát triển du lịch cộng đồng ở Ngọc Chiến. Năm 2021, huyện Mường La sẽ chuyển đổi một số giống nếp để trồng giống nếp tan và trồng theo hướng hữu cơ.
Những cánh đồng nếp tan trải dài, không chỉ mang lại sự no đủ cho đồng bào các dân tộc nơi đây, từng bước khẳng định thương hiệu một nông sản địa phương. Đó là nét hấp dẫn riêng để miền quê cổ tích Ngọc Chiến biến tiềm năng du lịch thành động lực phát triển.