EVN sẽ cơ bản hoàn thành chuyển đổi số vào năm 2025

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang tiếp tục triển khai nghiên cứu, phát triển các công nghệ tiên tiến của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thực hiện chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực. Dự kiến đến năm 2025, Tập đoàn sẽ cơ bản hoàn thành chuyển đổi doanh nghiệp số.

Đây là doanh nghiệp tiên phong trong nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật điện, đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Chú thích ảnh
Hầu hết các trạm biến áp 110kV của EVN đã được chuyển đổi sang mô hình trạm không người trực (Trạm biến áp 110kV Thanh Xuân, Hà Nội). Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN

EVN cho biết, hiện nay, cơ khí Điện lực Việt Nam đã đủ khả năng sản xuất các sản phẩm đòi hỏi trình độ công nghệ và độ chính xác cao như: các máy biến áp 220 kV công suất đến 250 MVA, máy biến áp 3 pha 500 kV, công suất 467 MVA, đưa Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á chế tạo được máy biến áp 500 kV. Ngành cơ khí điện lực đã tự chế tạo, lắp đặt thiết bị cơ khí thủy công, kết cấu thép cho nhiều công trình thuỷ điện, nhiệt điện lớn, có tầm quan trọng quốc gia.

Bên cạnh đó, công nghệ tự động hóa điều khiển, kỹ thuật số cũng được Tập đoàn ứng dụng rộng rãi trong xây dựng và vận hành hệ thống điện, thị trường điện. Đến cuối năm 2020, EVN đã đưa vào vận hành 63 Trung tâm Điều khiển và thực hiện điều khiển xa không cần người trực 707 trạm biến áp (TBA) từ 110 - 220 kV, chiếm gần 83% tổng số TBA có kế hoạch chuyển đổi.

Lưới điện truyền tải và phân phối được đầu tư và ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và giảm tổn thất điện năng, như: Ứng dụng thiết bị điện tử công suất (SVC); áp dụng công nghệ chẩn đoán trạng thái thiết bị như: Kiểm tra phóng điện cục bộ máy biến áp 220 – 500 kV; giám sát dầu online tại TBA 500 kV; sửa chữa lưới điện không cần cắt điện... Đặc biệt, giải pháp vệ sinh cách điện hotline (trên lưới điện đang mang điện) đã mang lại hiệu quả kinh tế rất cao và đạt giải Nhì tại cuộc thi Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (Vifotec) năm 2011.

Công nghệ thông tin cũng là công cụ tiện lợi, hữu ích trong việc tăng tính hiệu quả, minh bạch, cạnh tranh trong công tác đấu thầu. Từ khi thực hiện thí điểm đấu thầu qua mạng vào năm 2009 với hơn chục gói, đến nay EVN luôn luôn là đơn vị đứng đầu toàn quốc trong việc thực hiện đấu thầu qua mạng. Đến hết tháng 11/2020, Tập đoàn thực hiện thành công 12.376 gói thầu qua mạng trên tổng số 18.738 gói thầu thực hiện trong năm, chiếm tỷ lệ 66,05% với tổng giá trị trúng thầu khoảng 36.012 tỷ đồng.

Mai Phương (TTXVN)
EVNSPC cung cấp 100% dịch vụ điện qua giao dịch điện tử
EVNSPC cung cấp 100% dịch vụ điện qua giao dịch điện tử

Đó là thông tin được ông Nguyễn Phú Hoài Nghĩa – Giám đốc Trung tâm chăm sóc khách hàng Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cho biết. Hiện nay, người dân có thể yêu cầu cung cấp dịch vụ điện bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu theo phương thức giao dịch điện tử mà không phải đến phòng giao dịch của ngành điện lực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN