Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Nguyễn Đức Tuyển, Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình điện Miền Trung (CPMB) xung quanh những nội dung này.
Xin ông cho biết những yếu tố rủi ro nào đang làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án đường dây 500 kV mạch 3 ?
Thời điểm hiện tại là tương đối thuận lợi cho thi công. Đặc thù của dự án này, tại thời điểm Chính phủ phát lệnh khởi công cuối năm 2018, thì mới bắt đầu việc triển khai từ đo đạc, đền bù giải phóng mặt bằng… mất gần 6 tháng. Vì là công trình cấp bách nên sau khi phê duyệt thiết kế kỹ thuật chúng tôi đã tiến hành vừa vận động, vừa làm các thủ tục đền bù để vận động người bàn giao mặt bằng. Số lượng bàn giao được mặt bằng đến thời điểm hiện nay chủ yếu là sự đồng thuận của người dân là chính.
Với tiến độ hiện nay như chúng tôi đã làm việc với các địa phương, kể cả các vị trí móng khó khăn nhất sẽ bàn giao rơi vào cuối tháng 3/2020. Còn hành lang tuyến thì sẽ hoàn thành từ tháng 1 đến hết tháng 5/2020, đáp ứng công tác kéo dây của nhà thầu. Tôi cho rằng về tiến độ thì đang thuận lợi, các nhà thầu đang tập trung tổng lực, đào đúc móng, các vị trí cuối cùng sẽ rơi vào tháng 5/2020 và từ tháng 5 trở đi sẽ là đỉnh điểm cao trào kéo dây.
Về cung cấp cột thép, mặc dù tiến độ cung cấp cột thép rơi vào tháng 01 này, nhưng một số nhà thầu có các dự án đồng thời, do vậy một số lô thầu cột thép sẽ kết thúc giao hàng sang tháng 3/2020, gói cách điện một số chuyến hàng chậm sang tháng 5/2020 và đặc biệt gói tụ điện thời gian giao hàng đến cuối tháng 9/2020 mới kết thúc.
Bên cạnh đó, do dự án có khối lượng lớn với 742 km đường dây thì các nhà thầu xây lắp đều tập trung năng lực, máy móc thiết bị, công nhân làm kể cả dựng cột, kéo dây, chưa kể là đang triển khai các dự án khác, thì đây là rủi ro. Do đó trong tháng 1, đầu tháng 2 tới chúng tôi sẽ báo cáo Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để xem xét khả năng tiến độ dự án.
Tiến độ đóng điện dự án theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là tháng 6/2020, hiện chúng tôi vẫn thực hiện theo tiến độ đó. Tuy nhiên tôi cho rằng sẽ xem xét phương án đóng từng đoạn một. Có những đoạn sẽ đảm bảo đúng tiến độ, nhưng có những đoạn do tháng 9/2020 gói tụ điện mới được bàn giao thì với đường dây Quảng Trạch - Dốc Sỏi dài gần 500 km khi đóng điện phải có tụ điện trên nên chúng tôi phấn đấu sẽ đóng điện đường dây này vào tháng 9/2020 theo chỉ đạo của Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành tại Hội nghị tổng kết năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của EVNNPT.
Theo ông, bên cạnh những rủi ro trên, thì những yếu tố nào góp phần quyết định dự án sẽ đảm bảo tiến độ ?
Vì tiến độ công trình nên là đơn vị quản lý dự án chúng tôi phải tổ chức tốt các Ban tiền phương, từ cán bộ đền bù, kỹ thuật, cung cấp thiết bị, phối hợp với tư vấn giám sát, địa phương, để Ban tiền phương ấy điều hành trong từng công đoạn.
Với 24 lô thầu thì chúng tôi chia ra 8 Ban tiền phương. Mỗi Ban tiền phương chỉ điều hành 3 lô, trong cỡ khoảng vài chục km. Tôi cho rằng việc chia ra 8 dự án nhỏ, hoạt động của 8 ban này hiệu quả thì từng đoạn tuyến sẽ hiệu quả. Các ban này hàng ngày phải hội ý với các nhà thầu, các đơn vị liên quan để xem xét giải quyết khó khăn, vướng mắc trong ngày và tiếp tục trong ngày hôm sau.
Thứ hai là sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, mà trực tiếp là từ đảng ủy, chính quyền cấp xã trở lên trong việc giải quyết liên quan đến người dân trong dự án tại các điểm nóng.
Thứ ba là công tác truyền thông, với các dự án khác thường tuyên truyền vào cao điểm, nhưng với dự án đường dây 500 kV mạch 3 thì yêu cầu này sẽ phải xuyên suốt, nhất là từ thời điểm này cho đến lúc dự án hoàn thành. Các phương tiện thông tin đại chúng không chỉ tuyên truyền về chế độ, chính sách của Nhà nước, địa phương liên quan đến giải phóng mặt bằng mà còn tuyên truyền về ý nghĩa dự án này đi vào vận hành sớm ngày nào sẽ cấp cứu điện cho miền Nam ngày ấy. Để người dân địa phương cũng như những người tham gia trên công trường họ hiểu, đồng thuận triển khai dự án.
Trong quá trình thi công, các công ty xây lắp gần như trang bị các máy kéo từ 2 tới 8 dây, bay Flycam để rải dây cáp mồi, tiết kiệm một nửa thời gian kéo dây và độ võng dây đạt 70% mà không cần phải chặt tỉa cây ở dưới để rải dây, đảm bảo môi trường thi công.
Về tư vấn giám sát, thì ngoài kiểm tra bình thường dưới mặt đất, vật tư thiết bị, cột dây, thì khi rải dây họ cũng dùng Flycam để có những hình ảnh phân tích, phát hiện các khiếm khuyết trong quá trình thực hiện, từ đó phản hồi ngay cho đơn vị thi công ngay trong ngày. Việc áp dụng công nghệ của nhà thầu thi công và tư vấn giám sát sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án.
Đặc biệt tư vấn giám sát là Công ty Truyền tải 2 và sau này quản lý dự án khi đi vào vận hành cũng là Công ty Truyền tải 2 nên sau khi xong đoạn nào là tổ chức nghiệm thu luôn đoạn ấy để sau này chỉ tổng hợp, chứ không như cách làm trước đây nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án.
Từ nay đến khi đóng điện công trình, CPMB, đơn vị thi công, tư vấn giám sát và nhà thầu cung cấp vật tư thiết bị cần có những giải pháp gì để đảm bảo tiến độ, thưa ông ?
Để dự án tiếp tục triển khai đạt được mục tiêu hoàn thành đóng điện theo kế hoạch, chúng tôi sẽ có nhiều phương án điều hành phù hợp với từng giai đoạn và từng thời điểm thi công của dự án.
Về cơ bản từ những Ban tiền phương đã được bố trí trên toàn tuyến cho các cung đoạn xây lắp, chúng tôi thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thi công của các nhà thầu xây lắp. Trên cơ sở bảng tiến độ chi tiết các công việc còn lại được đăng ký hàng tuần của các nhà thầu, chúng tôi bám sát và điều chỉnh kịp thời kế hoạch thi công các công việc chưa hoàn thành theo tiến độ.
Chúng tôi thường xuyên tổ chức họp điều độ tuần ở cấp CPMB tại công trường, điều độ tháng ở cấp EVNNPT, điều độ quý ở cấp EVN để đôn đốc tiến độ thực hiện. Trong những giai đoạn quan trọng, các Ban tiền phương của chúng tôi thường xuyên tổ chức hội ý với các Ban chỉ huy tại công trường vào cuối giờ làm việc mỗi ngày để cùng nhau tháo gỡ các vướng mắc và có những giải pháp tối ưu hơn cho công việc ngày mai cũng như có phương án điều động nhân lực thi công giữa các nhà thầu khi cần thiết.
Song song với kế hoạch thi công của các nhà thầu, đơn vị Tư vấn giám sát và các đơn vị Tư vấn thiết kế luôn bố trí đầy đủ lực lượng có mặt trên công trường đảm bảo nghiệm thu và xử lý ngay các vướng mắc phát sinh, đảm bảo điều kiện thi công liên tục của nhà thầu.
Ngoài ra, chúng tôi thường xuyên theo dõi, đôn đốc các nhà thầu cung cấp vật tư thiết bị đúng với tiến độ trong hợp đồng đã ký kết. Kịp thời đề xuất phương án xử lý trong trường hợp chậm tiến độ cung cấp. Riêng nhà thầu cột thép cần chủ động, bố trí đủ nhân lực, thiết bị và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thi công, tư vấn giám sát để xử lý kịp thời các sai sót liên quan đến cột thép trong quá trình lắp dựng cột.
Riêng CPMB cần phải làm gì cùng với địa phương sớm hoàn thành bàn giao mặt bằng để dự án triển khai đúng tiến độ, thưa ông ?
Tôi cho rằng các công việc CPMB cần thực hiện với địa phương để sớm hoàn thành bàn giao mặt bằng, đưa dự án triển khai đúng tiến độ cụ thể như sau:
Thứ nhất, chúng tôi cử lãnh đạo, cán bộ làm việc trực tiếp với Hội đồng bồi thường/Trung tâm phát triển quỹ đất xác định trách nhiệm của thành phần liên quan để xây dựng kế hoạch công việc thực hiện cho từng thời gian cụ thể (tuần, tháng, quý).
Thứ hai, sẽ theo dõi, đôn đốc hiệu chỉnh hồ sơ đo đạc của Tư vấn ngay từ ban đầu để hạn chế đến mức thấp nhất sai sót trong khâu đo đạc diện tích đất, loại đất và chủ sử dụng, đảm bảo cho việc thu hồi đất và bồi thường giải phóng mặt bằng.
Thứ ba, chúng tôi tích cực xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa chủ đầu tư với chính quyền địa phương. Chủ động phối hợp với các Ban ngành, Hội đồng bồi thường/Trung tâm phát triển quỹ đất để đẩy nhanh việc triển khai kê kiểm đồng loạt trên toàn tuyến theo kế hoạch thi công. Tập trung hoàn thiện các thủ tục để phê duyệt phương án bồi thường, chi trả tiền và bàn giao mặt bằng thi công theo kế hoạch đã được các bên thống nhất. Đồng thời đề xuất kịp thời với chính quyền địa phương, đơn vị tư vấn, lãnh đạo Ban, Lãnh đạo Phòng các biện pháp giải quyết, xử lý kịp thời và hữu hiệu các vướng mắc trong quá trình thực hiện, tránh tình trạng vướng mắc kéo dài mà không đưa ra cách xử lý.
Đối với Phòng Đền bù, sẽ thường xuyên bám sát công trường để làm việc với các cấp chính quyền địa phương, hỗ trợ cán bộ xử lý công việc và giải quyết các vướng mắc phát sinh; Kiểm tra và đôn đốc cán bộ thực hiện công việc theo kế hoạch và các cam kết nhằm đảm bảo việc bàn giao mặt bằng thi công theo kế hoạch đăng ký. Bên cạnh đó, có đánh giá lại kết quả thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch đã đăng ký; Báo cáo cụ thể và đề xuất các biện pháp giải quyết công việc cho Lãnh đạo Ban để có hỗ trợ chỉ đạo giải quyết.
Mặt khác, Báo cáo kịp thời các cấp thẩm quyền của địa phương, lãnh đạo CPMB, EVNNPT, EVN các vướng mắc kéo dài liên quan đến chính sách, chủ trương không thể giải quyết ở cấp cơ sở để có sự hỗ trợ, chỉ đạo giải quyết.
Ngoài ra, chúng tôi cũng chủ động theo dõi, hỗ trợ các nhà thầu trong việc bồi thường phục vụ thi công và đề xuất biện pháp xử lý phù hợp với tình hình thực tế trên tuyến. Phối hợp với tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công để xử lý những vị trí móng đặt chưa phù hợp (đặt trên đường đi, mương thoát nước,…) hoặc khó khăn về bồi thường.
Xin cảm ơn ông!
Bài 4: Thi công cả trong dịp Tết