Sau hơn một năm kể từ ngày khởi công, các dự án này đang được khẩn trương xây dựng để đóng điện trong tháng 6/2020, hoàn thiện đường dây 500 kV mạch 3 từ miền Bắc vào miền Nam, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện cho đất nước nói chung và miền Nam nói riêng trong giai đoạn từ sau năm 2020 trở đi khi hệ thống điện miền Nam không đảm bảo cân đối cung - cầu nội vùng.
Các dự án đường dây 500 kV mạch 3 bao gồm 3 dự án: Đường dây 500 kV Nhiệt điện Quảng Trạch - Vũng Áng và sân phân phối 500 kV Trung tâm Điện lực Quảng Trạch; Đường dây 500 kV Quảng Trạch - Dốc Sỏi và đường dây 500 kV Dốc Sỏi - Pleiku 2, có tổng chiều dài 742 km, với tổng số 1.606 vị trí cột, đi qua địa bàn 9 tỉnh, thành phố gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum và Gia Lai.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã giao Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) là Chủ đầu tư các dự án này. Ban Quản lý dự án các công trình điện Miền Trung (CPMB) thay mặt EVNNPT quản lý dự án.
Ông Đặng Phan Tường, Chủ tịch HĐTV EVNNPT cho biết, đây là các dự án trọng điểm, cấp bách, có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện cho đất nước nói chung và khu vực miền Nam nói riêng giai đoạn từ năm 2020 trở đi; đồng thời tăng cường độ tin cậy, ổn định của hệ thống truyền tải điện 500 kV Bắc - Nam. Do đó, việc đảm bảo tiến độ các dự án có ý nghĩa vô cùng quan trọng; trong đó, trách nhiệm của Chủ đầu tư và các đơn vị thực hiện dự án rất nặng nề.
“Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương và EVN, các dự án phải hoàn thành đóng điện vào tháng 6/2020. Vì vậy, tiến độ các dự án rất gấp, trong khi khối lượng công việc còn lại rất lớn”, Chủ tịch HĐTV EVNNPT chia sẻ.
Thời gian qua, nhờ có sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; sự hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt tình của các bộ, ngành và các địa phương nên việc bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên theo đánh giá của EVNNPT vẫn còn rất chậm so với kế hoạch đề ra do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi thực hiện thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng ở các tỉnh, thành phố có dự án đi qua.
Ông Đặng Phan Tường cho biết, trên toàn tuyến hiện đã thực hiện kiểm kê 1.590 vị trí móng, đạt 99%; phê duyệt phương án bồi thường 952 vị trí móng, đạt 59%; phê duyệt phương án bồi thường phần hành lang tuyến 453 khoảng néo, đạt 28%; vận động bàn giao mặt bằng 1.208 vị trí móng, đạt 75%, bàn giao hành lang tuyến 272 khoảng néo, đạt 17%. Riêng sân phân phối 500 kV Trung tâm Điện lực Quảng Trạch đã được bàn giao toàn bộ mặt bằng.
Đối với thi công, mặc dù gặp nhiều khó khăn về địa hình, thời tiết khắc nghiệt nhưng CPMB và các nhà thầu đã rất nỗ lực, khắc phục khó khăn để đẩy nhanh tiến độ. Nhiều đoạn vị trí phương tiện cơ giới không vào được, phải vận chuyển thủ công; chưa kể thời gian cung cấp vật tư thiết bị ngắn, khối lượng cột thép lớn. Do vậy, khối lượng đúc móng, dựng cột đến thời điểm giữa tháng 1/2020 vẫn chưa đáp ứng kế hoạch đã đề ra. Đến nay, các đơn vị thi công mới đào móng được 966 vị trí, đạt 60%; đúc móng 825 vị trí, đạt 51%; dựng cột 124 vị trí, đạt 7,71%. Các đơn vị thi công đang chuẩn bị kéo dây.
Theo ông Đặng Phan Tường, với năng lực các đơn vị tham gia dự án, thì các khó khăn đều có thể vượt qua để đáp ứng tiến độ. Riêng muốn đảm bảo tiến độ cung cấp cột thép thì các nhà thầu phải tập trung cao độ.
Có thể nói đường dây 500 kV mạch 3 trải dài từ thị xã Kỳ Anh (Hà Tỉnh) đến xã Ia Kênh, thành phố Pleiku (Gia Lai) và đi qua các khu vực có địa hình đa phần là đồi núi hiểm trở, điều kiện thi công rất khó khăn.
Tại dự án này, Tổng Công ty cổ phần Xây dựng điện Việt Nam (VNECO) thi công 201 vị trí, đi qua địa bàn 2 tỉnh Quảng Bình và Thừa Thiên Huế. Hiện đơn vị đã hoàn thành đúc móng 168 vị trí và đúc dở dang 12 vị trí, hoàn thành dựng 45 cột và đang thi công kéo dây khoảng néo đầu tiên. Tính chung nhà thầu này đã thực hiện được khoảng 80% khối lượng công việc.
Chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng các công trình đường dây và trạm biến áp, ông Đoàn Đức Hồng, Tổng Giám đốc VNECO cho biết Tổng Công ty đã có hơn 40 năm xây lắp đường dây và trạm biến áp khắp cả nước. Riêng đối với công trình này do thời gian triển khai rất gấp nên đã có các ban chỉ đạo tiền phương, bám sát các địa phương phối hợp chặt với các ban quản lý địa phương đi qua để tháo gỡ dần các vướng mắc đền bù công trình.
Với kinh nghiệm đã từng giám sát nhiều dự án đường dây tương tự trong EVN và trên tinh thần sẽ tiếp nhận quản lý vận hành sau khi dự án hoàn thành, đơn vị Tư vấn giám sát (Công ty Truyền tải điện 2) đã chủ động và tập trung thực hiện ngay từ khi tiếp nhận công tác tư vấn giám sát.
Ông Trần Thanh Phong, Giám đốc Công ty Truyền tải điện 2 cho biết, xác định dự án sau này sẽ tiếp nhận quản lý vận hành, các cán bộ tư vấn giám sát phối hợp cùng bộ phận kỹ thuật của các Công ty Truyền tải điện tiến hành nghiệm thu ngay từ giai đoạn đầu nhằm xác định các khiếm khuyết (nếu có) để chỉnh sửa kịp thời, đồng thời rút ngắn thời gian nghiệm thu sau này.
“Mỗi cán bộ giám sát luôn đề cao tinh thần, trách nhiệm trong từng công việc như kiểm soát vật liệu, nghiệm thu chuyển bước thi công, kiểm soát chất lượng thi công … nhằm đảm bảo việc thi công luôn đúng theo hồ sơ thiết kế được duyệt, đáp ứng tiến độ đề ra và đảm bảo an toàn lao động trong thi công”, ông Phong nói.
Bài 2: Giải quyết khâu vướng nhất về mặt bằng