Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam đã xác định logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã nhấn mạnh như vậy tại hội thảo Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics do Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phối hợp với Báo Công Thương tổ chức sáng 28/4 tại Hà Nội.
Ngành dịch vụ quan trọng
Theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA); trong đó, có các FTA thế hệ mới là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với những cam kết ở mức độ rất cao của các bên tham gia trong tất cả các lĩnh vực, kể cả truyền thống, phi truyền thống, phạm vi không chỉ dừng ở các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa mà cả trong lĩnh vực dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ.
Thống kê cho thấy, hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam phát triển mạnh giúp gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, mở rộng thị trường, đa dạng các loại hàng hóa tham gia xuất nhập khẩu. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa từ năm 2010 đến nay tăng 4,25 lần, từ 157,1 tỷ USD năm 2010 lên 668,5 tỷ USD năm 2021.
Đáng lưu ý, dù gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, song xuất nhập khẩu năm 2021 của cả nước vẫn đạt con số kỷ lục với tổng kim ngạch đạt 668,55 tỷ USD.
Trong số đó, xuất khẩu đạt hơn 336,3 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020; nhập khẩu đạt 332,2 tỷ USD, tăng 26,5%; xuất siêu hơn 4 tỷ USD. Với kết quả này, Việt Nam đã lọt nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
Để có được kết quả tích cực này không thể không kể đến đóng góp của ngành dịch vụ logistics, dù gặp nhiều khó khăn song các doanh nghiệp logistics Việt Nam đã thích nghi và cơ bản vẫn duy trì được chuỗi cung ứng…
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng chỉ ra những hạn chế mà ngành logistics cần khắc phục như việc doanh nghiệp logistics vẫn chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng của ngành.
Số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam, hiện 90% các doanh nghiệp logistics đang hoạt động là doanh nghiệp Việt Nam nhưng lại chỉ chiếm khoảng 30% thị phần, còn lại thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài.
Dù số lượng nhiều nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, quy mô hạn chế cả về vốn và nhân lực cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế, chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng logistics và giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics với doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Vì vậy, ở cả chiều mua và bán, doanh nghiệp logistics trong nước đều bị hạn chế về sân chơi.
“Bởi vậy, tuy chủ đề của hội thảo không mới nhưng là yếu tố then chốt, là vấn đề tiên quyết cần giải quyết nếu muốn ngành logistics có thể phát triển bứt phá, đạt được vị trí xứng tầm với tiềm năng phát triển của ngành, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang thích ứng, vượt qua khó khăn, phục hồi mạnh mẽ sau COVID-19”, Thứ trưởng khẳng định.
Chia sẻ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp logistics, ông Trương Tấn Lộc – Giám đốc Marketing, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho hay, giá nhiên liệu tăng đột biến trong năm 2022 với mức tăng khoảng 33% so với giá trung bình 2021 ảnh hưởng đến chi phí của doanh nghiệp.
Ngoài ra, các cơ quan hữu quan còn chưa tạo điều kiện thuận lợi như việc kiểm soát hàng quá cảnh qua các cửa khẩu, gây khó khăn cho các hãng tàu, khách hàng…
Dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp khiến hoạt động logistics phải có sự chuẩn bị, phương án dự phòng về phương tiện và nhân lực; các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó có thể chịu thêm chi phí phát sinh lớn.
Theo bà Phạm Thị Lan Hương- Tổng Giám đốc, Công ty CP Vinafco, thị trường logistics Việt Nam nhiều tiềm năng nhưng rất phân tán. Chẳng hạn như số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đa số và tới 90% doanh nghiệp đăng ký có vốn dưới 10 tỷ đồng; phân tán về loại hình dịch vụ, các doanh nghiệp logistics hoạt động ở nhiều mảng dịch vụ khác nhau.
Hiện nay, số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics tích hợp (3PL,4PL) tại Việt Nam còn hạn chế. Cùng với đó, tỷ trọng các doanh nghiệp 3PL, 4PL mới chỉ chiếm 16% tổng số doanh nghiệp trong ngành logistics. Thế nhưng, miếng bánh này lại nằm chủ yếu trong tay các doanh nghiệp nước ngoài.
Với mục tiêu tiên phong ứng dụng công nghệ và nền tảng số trong logistics thương mại điện tử để tối ưu hóa lợi ích cho người tiêu dùng và nhà bán hàng, bà Ngô Thị Trúc Anh – Giám đốc bộ phận vận chuyển Lazada Logistics Việt Nam cho rằng, việc kiến tạo hệ sinh thái logistics bền vững là năng lực cạnh tranh hiệu quả nhất.
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng trong 2 năm trở lại đây, tạo đà bứt phá cho ngành giao vận logistics. Tuy nhiên, các doanh nghiệp logistics đang phải đối mặt với thách thức lớn trong quy trình vận hành để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Bắt nhịp thị trường
Năm 2022 được dự báo là năm tiếp tục có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng Việt Nam có thế mạnh về địa kinh tế rất thuận lợi để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu và dịch vụ logistics do nằm trong khu vực phát triển năng động của thế giới, nơi luồng hàng tập trung giao lưu rất mạnh.
Do đó, cả xuất nhập khẩu và logistics của Việt Nam đang hội tụ các điều kiện thuận lợi để tiếp tục bứt phá, tăng trưởng nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới.
Ông Trương Tấn Lộc cho biết, dự báo trong tháng 4/2022 của Ngân hàng thế giới (WB), tổng sản phẩm quốc nội địa (GDP) Việt Nam sẽ đạt 5,3% năm 2022 rồi ổn định quanh mức 6,5% năm 2023.
Hơn nữa, các FTA dần được thực thi hiệu quả hơn khiến thị trường Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, nhất là với ngành điện tử, máy móc thiết bị, đồ gỗ, nhựa, hàng dệt may và thủy sản. Đây là cơ hội để phát triển các dịch vụ cảng và logistics phục vụ nhu cầu kết nối hàng hóa với các thị trường lớn trên thế giới.
Để bắt kịp xu thế thị trường, đạt mục tiêu phát triển ngành logistics bà Phạm Thị Lan Hương cho rằng, cần phát triển thêm nhiều doanh nghiệp 3PL, 4PL làm mũi nhọn để kéo thị trường logistics lên. Đồng thời, đầu tư, phát triển quy hoạch, có trung tâm đầu nối vận chuyển; có cơ chế ưu đãi cho các đơn vị họa; doanh nghiệp kỳ vọng sẽ có chương trình về giải pháp công nghệ cho ngành logistics; tăng cường sự liên kết giữa doanh nghiệp trong ngành một cách lành mạnh.
Còn bà Lê Thị Ngọc Diệp đề xuất, cần thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào ngành logistics để nâng cao hiệu quả, tối ưu năng suất hoạt động và tiết kiệm chi phí vận hành cho doanh nghiệp. Đồng thời, kết nối chặt chẽ giữa các đơn vị phát triển và vận hành logistics để nâng cao hiệu quả hoạt động như đơn vị sản xuất, kho vận, vận chuyển; khuyến khích đầu tư vào thị trường logistics Việt Nam…
Trong khuôn khổ hội thảo, Cục Xuất nhập khẩu cũng đã công bố Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2021 sau 6 năm liên tiếp Bộ Công Thương biên soạn và xuất bản.
Theo Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 336,310 tỷ USD, tăng 19,0% so với năm 2020; trong đó, 10 tỉnh dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu gồm TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bình Dương, Thái Nguyên, Hải Phòng, Đồng Nai, Bắc Giang, Hà Nội, Hải Dương, Phú Thọ.
Nổi bật trong số này, dù xếp ở vị trí thứ 10, tăng 3 bậc so với năm 2020 trong bảng xếp hạng các địa phương dẫn đầu nhưng Phú Thọ là địa phương có tỷ trọng cao nhất đạt 91,5% so với năm 2020 với giá trị 8,2 tỷ USD.
Trong khi đó, tuy vẫn là địa phương có tỷ trọng dẫn đầu cả nước đạt 44,902 tỷ USD nhưng Tp. Hồ Chí Minh chỉ đạt tỷ trọng tăng 1,2% so với năm 2020. Riêng Hà Nội đứng ở vị trí thứ 8, tụt 1 bậc so với năm 2020, xếp sau Bắc Giang của cả nước, đạt 15,5 tỷ USD nhưng cũng chỉ tăng 2,2% so với năm 2020.
Bên cạnh đó, 10 tỉnh có tỷ trọng xuất nhập khẩu thấp nhất cả nước (tính từ trên xuống dưới) là Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Đắc Nông, Ninh Thuận, Bắc Kạn, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên; trong đó, Điện Biên có tỷ trọng xuất khẩu thấp nhất cả nước chỉ đạt 15,702 triệu USD, tăng trưởng âm lên tới 60,3%, tụt 3 bậc so với năm 2020.
Đáng chú ý, trong các tỉnh nằm cuối “bảng xếp hạng” có Bắc Kạn chỉ đạt 41,248 triệu USD nhưng lại có tỷ trọng tăng trưởng đạt tới 276,6% so với năm 2020, tăng 3 bậc theo thứ hạng.
Nhóm các tỉnh như Sơn La, Lai Châu dù vẫn có mức tăng trưởng tăng so với năm 2020 nhưng thứ hạng thống kê về kim ngạch xuất khẩu vẫn “giữ nguyên” vị trí thứ 61 và 62 so với cả nước.
Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam là tài liệu chính thức của Bộ Công Thương về tình hình xuất nhập khẩu của từng nhóm mặt hàng, thị trường, tình hình tận dụng các cơ hội từ FTA và quản lý hoạt động xuất nhập khẩu cùng những phân tích và dự báo cho thời kỳ tiếp theo.