Rút kinh nghiệm từ dịp Tết và dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, nhiều gia đình đã chủ động lên kế hoạch du lịch dịp 30/4-1/5 trước đó cả tháng khi nhiều người đã coi dịch bệnh COVID-19 đang có xu hướng trở thành bệnh đặc hữu và không còn tâm lý e sợ như trước. Nhu cầu du lịch của người dân ngày một tăng cao.
Anh Nguyễn Văn Nam (Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: “Dịp 30/4 và 1/5 là kỳ nghỉ ngắn ngày phù hợp cho gia đình đi du lịch. Cũng biết là đông nhưng đây là dịp cả người lớn và trẻ nhỏ trong nhà cùng được nghỉ làm và nghỉ học nên tôi lựa chọn đi du lịch và lên kế hoạch từ trước để có dịch vụ tốt nhất, Do đó tôi chọn Đà Nẵng và ở resort chủ yếu là nghỉ dưỡng".
Tương tự như anh Nguyễn Văn Nam, chị Lan Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) lựa chọn đi nghỉ ở Vân Đồn (Quảng Ninh) theo hình thức tự đi và thông qua công ty du lịch đặt một phần dịch vụ để cho đảm bảo.
Theo các đơn vị lữ hành tại Hà Nội, lượng khách du lịch trong kỳ nghỉ 30/4 - 1/5 tăng mạnh so với thời điểm trước đó. Nhiều tour du lịch, dịch vụ đã kín chỗ cách đây cả tháng và giá tăng 15-20%.
Chị Đỗ Quyên, Giám đốc TTS Travel cho biết: Đơn vị có 400 khách đi vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5; trong đó có 200 khách đến các điểm du lịch nghỉ dưỡng biển như Nha Trang, Đà Nẵng, Bình Định… Còn 200 khách chọn nghỉ dưỡng tàu du lịch Hạ Long với không gian tách biệt, tránh ồn ào, đông người. Nhìn chung, vào dịp này, chúng tôi xác định làm du lịch cao cấp hẳn và nghỉ dưỡng để tránh phiền toái chất lượng dịch vụ điểm đến phát sinh đông người.
Trong khi đó, ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội lữ hành Việt Nam, Giám đốc Hanoitourist cho biết: “Đa phần khách năm nay đặt một phần dịch vụ qua công ty du lịch với mong muốn chất lượng dịch vụ được đảm bảo. Ngay như ở Hanoitoursit, chúng tôi xác định dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 hướng đến chất lượng dịch vụ, giá ở mức cao để đảm bảo khách được phục vụ tốt. Tuy nhiên, vào dịp nghỉ lễ, khách đặt tour qua công ty chỉ chiếm một phần nhỏ, còn lại là xu hướng tự đi nên nguy cơ quá tải hiện hữu qua 2 dịp nghỉ Tết Nguyên đán và Giỗ Tổ Hùng Vương”.
“Họp với các hiệp hội du lịch địa phương mới đây về công tác đào tạo nhân lực, tất cả các hội viên, nhất là các chủ khách sạn tại các điểm du lịch đều phản ánh công suất phòng đặt đến 80-90%. Đáng chú ý, khách đặt trực tiếp rất nhiều và đa phần đi du lịch tự túc”, ông Phùng Quang Thắng cho biết.
Theo khảo sát, những điểm đến ở khu vực phía Bắc, gần Hà Nội như: Hạ Long, Hòa Bình, Ninh Bình, Cát Bà, Tuyên Quang, Sơn La... đã kín chỗ. Đến nay, khả năng đặt phòng lưu trú gần như không còn.
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam cho biết: Từ khoảng đầu tháng 4 trở lại đây, rất nhiều địa phương đã tổ chức các sự kiện, lễ hội, chương trình liên kết, khảo sát tour tuyến nhằm liên kết các dịch vụ và điểm đến. Lo ngại nhất tại các điểm du lịch vẫn là chất lượng dịch vụ do nguồn nhân lực thiếu, sự không chuyên nghiệp sẽ dẫn đến chất lượng dịch vụ và nhiều điều tiếng thường lặp lại vào thời kỳ cao điểm du lịch.
Dịp 30/4-1/5 được đánh dấu như là mở đầu cho mùa du lịch hè, riêng với năm nay sẽ là sự khởi đầu cho sự hồi phục hoàn toàn du lịch nội địa sau khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn từ 15/3. Du lịch biển vẫn là điểm hút với du khách nội địa, tập trung tại biển miền Trung, ngoài ra là các điểm đến mới như Tây Nguyên, Tây Bắc, vùng Đông Bắc... Việc phục hồi du lịch sẽ tạo đà cho nhiều dịch vụ khác được hồi phục do du lịch được coi là ngành kinh tế tổng hợp.