Cắm bảng, phát thông báo về các dự án "ma"
Quận Bình Tân là quận đầu tiên trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã "tuyên chiến" với tình trạng phân lô bán đất nền “ảo” bằng việc cắm bảng, phát thông báo trên mạng, treo băng rôn cảnh báo về các dự án bất động sản “ma” trên địa bàn.
Ông Lê Văn Thinh, Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết trước tình trạng gia tăng các dự án “ma” trên địa bàn, UBND quận đã đưa ra cảnh báo, cắm bảng thông tin đối với 9 khu đất đang bị phân lô trái phép tại 6 phường trên địa bàn quận. Đồng thời, quận cũng cử cán bộ kiểm tra thường xuyên tại các khu vực có cắm bảng thông báo, nếu phát hiện đối tượng đập bỏ bảng hiệu, xịt sơn lên bảng thông báo lập tức quận sẽ có biện pháp xử lý mạnh tay. Kế đó, UBND quận cũng đã có văn bản đề nghị công an vào cuộc điều tra, xử lý hình sự các trường hợp có khiếu nại liên quan đến lừa đảo phân lô đất nền “ảo" bán cho người dân.
Ngoài ra, UBND Quận Bình Tân cũng đã công khai quy hoạch các khu đất có dự án và không có dự án trên trang web của quận, đồng thời công bố tên và địa chỉ của các công ty rao bán đất nền “ảo” trên địa bàn để người dân cảnh giác. UBND quận cũng khuyến cáo người dân khi muốn mua đất, phải xác minh người bán có phải là chủ sở hữu hợp pháp của khu đất đó hay không; việc mua bán phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực của các cơ quan có thẩm quyền…
“Để tránh mua phải các dự án có dấu hiệu lừa đảo, người dân nên liên hệ các cơ quan chức năng của quận (Tổ tiếp nhận và trả hồ sơ Phòng quản lý đô thị, Phòng tài nguyên và môi trường, UBND phường nơi có nhà, đất) để tìm hiểu kỹ thông tin dự án, thông tin quy hoạch, tính pháp lý của các dự án để nắm thông tin chính thống, hạn chế các rủi ro, tránh bị lừa gạt, phát sinh tranh chấp phải ra tòa”, ông Lê Văn Thinh cho biết thêm.
Theo một vị lãnh đạo UBND quận 12, việc bán dự án "ma" là hình thức lừa đảo lâu nay nhưng đa số khách hàng và các đối tượng môi giới xem đây là hình thức tranh chấp dân sự (do mua bán giao dịch đều dựa trên hợp đồng). Do đó, khi kiện ra tòa, các đối tượng lừa đảo chỉ bị xử lý dân sự, hành chính.
“Để đòi lại công bằng cho khách hàng, hiện UBND quận 12 cũng đang khảo sát lại tất cả các dự án trên địa bàn, nếu thấy dự án nào lấy đất công, đất nhà nước, đất không thuộc diện quy hoạch khu dân cư mà phân lô, bán nền thì quận sẽ có thông báo dán tại các địa điểm có dự án “ma” này; đồng thời có văn bản chuyển công an đề nghị xử lý hình sự để tăng tính răn đe", một lãnh đạo UBND quận 12 cho biết.
Xử lý mạnh tay để "làm gương"
Để chấn chỉnh tình trạng phân lô đất nền trái phép, rao bán dự án “ma”, các địa phương phía Nam như: TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Thuận… cũng đã liên tục lên tiếng cảnh báo trên các phương tiện truyền thông, trang web chính thống của tỉnh, thành phố. Một số vụ việc chiếm đoạt tài sản lớn cũng được chính quyền các tỉnh chuyển hồ sơ sang cơ quan công an điều tra xử lý. Một số địa phương còn mạnh tay cưỡng chế công trình xây dựng sai phép… Những động thái từ chính quyền này đang được người dân ủng hộ, nhưng theo các luật sư, hành động này vẫn chưa đủ sức răn đe.
Luật sư Nguyễn Anh Minh, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, cho biết việc xử lý các công ty bất động sản rao bán dự án “ma”, dự án "ảo" còn nhẹ. Cụ thể, khi phát hiện các công ty môi giới chào bán các dự án "ma", cơ quan chức năng vẫn chỉ dừng ở mức độ tuyên truyền, nhắc nhở nên các đối tượng này vẫn tiếp tục lộng hành. Do đó, chính quyền cần mạnh tay hơn trong việc xử lý các dự án "ma", để trả lại trật tự cho thị trường dự án đất nền lâu nay vốn bị xem là bát nháo, trả lại công bằng cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Bức xúc trước vấn nạn phân lô đất nền "ảo" để bán cho người dân, đại biểu HĐND Nguyễn Thị Tố Trâm nói: “Điều lạ lùng hiện nay là những doanh nghiệp bất động sản lừa bán dự án “ma” nhưng không thấy bị cơ quan chức năng xử lý gì nặng và cũng chưa có vụ nào lừa bán bất động sản “ảo”, dự án “ma” nào bị nêu tên xử lý hình sự. Vì vậy, đã đến lúc chính quyền, nhà quản lý cần nêu tên trên truyền thông, xử lý hình sự đối với các chủ đầu tư, công ty bất động sản lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân bằng các dự án “ma” để tăng tính răn đe”.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho biết, theo quy định của pháp luật, đối với các công ty môi giới, họ chỉ có chức năng giới thiệu, tư vấn sản phẩm và bán hàng chứ không có quyền nhận tiền đặt cọc hay mua bán đất nền của khách hàng. Việc mua bán, nhận cọc phải do chủ đầu tư dự án thực hiện mới đúng. Do đó, khi mua bán đất nền, người mua phải hết sức tỉnh táo. Trước khi mua đất, phải tìm hiểu thật kỹ thông tin dự án, chủ đầu tư thực sự của dự án, có quyền yêu cầu bên bán cho xem các giấy tờ pháp lý, hợp đồng… liên quan đến lô đất hoặc dự án. Ngoài ra, người mua cũng không nên đặt cọc quá cao 50%, bởi tiền cọc càng cao thì rủi ro cũng rất lớn nếu giao dịch không thể diễn ra và bên mua sẽ bị mất tiền cọc.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến, hiện các quy định pháp luật còn kẽ hở khiến các công ty bất động sản rao bán, phân lô các dự án “ảo”, dự án “ma” xuất hiện. Vì vậy, các cơ quan điều tra tại các tỉnh, thành có thể xem xét khởi tố vụ án, xử lý hình sự một số cá nhân chủ mưu, cầm đầu để tăng tính răn đe, làm gương. Có như vậy mới mong ngăn chặn các dự án “ma” xuất hiện tại các tỉnh thành phía Nam.
"Riêng TP Hồ Chí Minh, nếu phát hiện cán bộ nào tiếp tay cho việc xây dựng trái phép, tiếp tay xây dựng các dự án phân lô đất nền “ảo”, dự án “ma” thì chính lãnh đạo quận, huyện đó phải chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố. Đặc biệt, TP Hồ Chí Minh cũng đang nghiên cứu và sẽ áp dụng khung xử lý hình sự đối với một số vụ có hành vi chiếm đoạt hàng tỷ đồng của người dân", ông Trần Vĩnh Tuyến khẳng định.