Thị trường bất động sản tại TP Hồ Chí Minh luôn sôi động bởi nhu cầu nhà ở của người dân, nhất là dân nhập cư đang rất lớn. Lợi dụng nhu cầu "an cư lạc nghiệp" của những người dân, một số công ty bất động sản làm ăn chộp giật đã "tranh thủ" phân lô đất nền thuộc diện tích đất quy hoạch cây xanh, công trình công cộng hay đất nông nghiệp… và rao bán với giá rẻ hơn thị trường nhằm thu lợi bất chính.
Tự vẽ dự án và rao bán công khai
Mới đây, chị L.T.O. (ngụ quận Gò Vấp) đã đến phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh để khai báo và nộp đơn khiếu nại về việc mua phải dự án "ma" của công ty Angel Lina (quận 1) có tên dự án là "Khu dân cư Triều An" nằm tại phường An Lạc, quận Bình Tân.
Chị O. cho biết, công ty này rao bán dự án “Khu dân cư Triều An” rầm rộ trên các trang mạng xã hội với các lời mời chào rất hấp dẫn như: đầu tư ít sinh lời nhanh, đặt cọc mua dự án là có ngay quà tặng “khủng”, chiết khấu cao cho khách hàng khi mua từ hai lô đất trở lên… Sau khi nghe thêm từ nhân viên tư vấn, chị O. đã bỏ ra gần hai tỷ đồng để mua một lô đất hơn 60 m2.
“Vừa mua lô đất khoảng một tháng thì tôi lại nghe thông tin công ty này có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân bằng dự án “ma”. Không tin vào thông tin mình có, tôi đã rủ một số người mua đất dự án của công ty Angel Lina cùng tìm đến trụ sở của công ty tại quận 1. Tuy nhiên, khi đến nơi, trụ sở công ty chỉ còn lại là căn nhà trống và đang treo bảng cho thuê mặt bằng, tên công ty Angel Lina cũng đã được chủ nhà tháo xuống. Gọi điện thoại cho nhân viên tư vấn đã làm hợp đồng bán đất cho mình nhưng mãi không liên lạc được”, chị O. nói.
Tại TP Hồ Chí Minh, cơ quan chức năng vừa phát hiện rất nhiều dự án “ma” tồn tại tại các quận, huyện của thành phố. Cụ thể, các dự án “ma” liên tiếp xuất hiện tại các phường An Lạc (quận Bình Tân), phường Trường Thạnh (quận 9), phường Thạnh Xuân (quận 12)… đã được cơ quan chức năng phát hiện, cảnh báo người dân. Mới đây nhất là trường hợp của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba, Công an TP Hồ Chí Minh đã bắt giữ Chủ tịch HĐQT công ty địa ốc Alibaba Nguyễn Thái Luyện và em trai Nguyễn Thái Lĩnh (Giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Alibaba) vì có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đó, Công ty cổ phần địa ốc Alibaba và các công ty thành viên đã tự vẽ các dự án không có thật tại một số tỉnh phía Nam như Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh… và rao bán, chiếm đoạt hàng ngàn tỷ đồng.
Trước đó, UBND phường Thạnh Xuân (quận 12) cũng đã phát hiện một số trường hợp lập dự án “ma” và làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân. Theo đó, khu đất của ông Dương Công Kiên được nhà nước cho thuê đất và trả tiền hàng năm để làm phòng thí nghiệm nhưng đã được lén lút phân lô, san lấp mặt bằng, làm hạ tầng và rao bán trên mạng.
Tương tự, UBND phường Trường Thạnh (quận 9) cũng đã phát hiện kịp thời Công ty cổ phần Thiết kế Xây dựng địa ốc Đại Phúc Real (trụ sở quận 9) đang phân lô trái phép dự án tại khu đất mặt tiền đường Lò Lu với tên gọi dự án "Khu dân cư cao cấp Long Phụng 1"… và đã thông tin cho người dân biết để không rơi vào cảnh "tiền mất tật mang".
Ông Dương Hồng Thắng, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, cho biết gần đây huyện liên tục nhận được đơn thư tố cáo từ các vụ lừa đảo buôn bán đất đai trên địa bàn. Đa số các đối tượng này đã lợi dụng sự “nhẹ dạ cả tin” của người dân, tự vẽ các dự án, phân lô đất nền “ảo” sau đó rao bán trên các trang mạng xã hội và nhận tiền đặt cọc của người dân. Khi người dân phát hiện ra mình mua phải các dự án “ảo”, dự án “ma” thì đã bị chiếm đoạt hàng tỷ đồng. Hiện nay, huyện đang tiến hành rà soát khoảng 100 trường hợp nghi là dự án "ma", phân lô đất nền trái pháp luật... trên địa bàn để cảnh báo kịp thời tới người dân.
Do thị trường phát triển "nóng"
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh, cho biết ba năm gần đây đã tái xuất hiện tình trạng phân lô bán nền tràn lan và các đợt sốt ảo giá đất xảy ra liên tục tại một số địa phương phía Nam. Trong đó, nhiều khu đất nông nghiệp, đất không được quy hoạch là đất ở đã bị phân lô, tách thửa trái pháp luật để bán đất nền dẫn đến nhiều người bị chiếm đoạt hàng tỷ đồng. Việc người dân đưa hàng tỷ đồng cho chủ đầu tư bất động sản nhưng nhà, đất vẫn không nhận được, cộng thêm các khoản vay ngân hàng (nếu có) càng khiến nhiều người lâm vào cảnh nợ nần, cuộc sống khó khăn...
Theo ông Châu, sở dĩ các dự án “ma” liên tục xuất hiện tại các tỉnh thành phía Nam là do sự phát triển của thị trường bất động sản chưa bền vững, còn tiềm ẩn yếu tố rủi ro; luật pháp còn nhiều kẽ hở, hình thức xử phạt nhẹ chưa đủ sức răn đe khiến các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp chấp nhận vi phạm pháp luật hoặc “lách luật” để vi phạm chiếm đoạt tài sản từ mua bán bất động sản “ảo” tại một số địa phương. Ngoài ra, cơ sở dữ liệu, thông tin về thị trường bất động sản tại các địa phương còn chưa đầy đủ, thiếu minh bạch khiến người dân không thẩm định được các dự án bất động sản khi cần; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về xây dựng bất động sản chưa đáp ứng yêu cầu…
“Chiêu trò hiện nay của các nhân viên bất động sản là rao bán dự án trên các trang mạng xã hội với giá khá rẻ. Sau khi khách hàng có ý định đi xem đất thì nhân viên môi giới giới thiệu và mời khách lên xe tô tô nói là đi xem đất ở quận 2, quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) nhưng cuối cùng lại chở khách ra tận tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu... xem đất. Khi tư vấn mua nhà đất cho khách hàng, các nhân viên bán hàng chăm sóc tận tình, về tận nhà dân để tư vấn và nhận tiền cọc, tuy nhiên khi khách hàng “cắn câu” đặt tiền cọc mua đất thì nhân viên này lại trì hoãn việc giao giấy tờ nhà đất, thậm chí biến mất”, ông Châu cảnh báo.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết: "Nhu cầu nhà ở của người dân trên địa bàn TP Hồ Chí Minh ngày càng gia tăng, kéo theo hệ lụy xuất hiện nhiều công ty bất động sản rao bán các dự án nhà ở giá rẻ, dự án “ma” để lừa người dân. TP Hồ Chí Minh không chấp nhận việc này và đang chấn chỉnh tình trạng lừa bán dự án "ma" để người dân không rơi vào cảnh “tiền mất tật mang".
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, hiện nay tại TP Hồ Chí Minh đang xuất hiện một số đối tượng đầu nậu thu mua đất nông nghiệp, sau đó phân lô bán nền cho những người thu nhập thấp với giá rẻ. "Người dân cứ nghĩ rằng trước sau gì đất đó cũng được hợp thức hóa nên chấp nhận mua, nhưng thực tế việc làm này dẫn đến phá vỡ quy hoạch, hình thành những khu dân cư không đủ cơ sở hạ tầng, thậm chí đó còn là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của người dân. Cuối cùng, chính quyền phải đứng ra giải quyết hậu quả và đòi lại công bằng cho người dân khi mua phải các dự án “ma” này", Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến cho biết.
Bài 2: Sẽ xử lý hình sự doanh nghiệp phân lô bán nền đất ‘ảo’