Những năm qua, các cấp, ngành, nông dân trong tỉnh quan tâm, đẩy mạnh thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp nhằm giải phóng sức lao động ở công việc nặng nhọc, giảm tổn thất sau thu hoạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững.
Chủ động cơ giới hóa
Gia đình anh Nông Văn Tiếp (dân tộc Mường, xã Ea Ô, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) gắn bó với cây lúa từ bao đời nay. Từ lao động tay chân, dùng chủ yếu là sức người trong sản xuất, gia đình anh đã mua hai xe máy cày, một máy gặt đập liên hợp để phục vụ cho 6 ha ruộng. Từ đó, các khâu làm đất, thu hoạch, vận chuyển, phơi/đảo lúa, gia đình anh Tiếp đều sử dụng máy móc, tiết kiệm khá lớn chi phí sản xuất.
Anh Nông Văn Tiếp cho biết, nếu như trước đây, gia đình anh phải thuê 8 nhân công/ngày để làm đất, thu hoạch, phơi/đảo lúa, giá 250 ngàn đồng/người thì hiện nay, nhờ có máy móc, gia đình anh chỉ cần thuê 2 người/ngày. Mặt khác, việc sử dụng máy móc trong sản xuất giúp gia đình anh rút ngắn thời gian gieo sạ, tập trung chuyên canh, chất lượng lúa cuối vụ đồng đều hơn và hạn chế các loại dịch bệnh trên đồng ruộng, sự thất thoát trong khâu thu hoạch cũng giảm đáng kể.
Hợp tác xã nông nghiệp 714 (huyện Ea Kar) có 30 xã viên và 587 hộ nhận khoán, canh tác gần 384 ha lúa/vụ. Bên cạnh việc đầu tư máy móc vào sản xuất, hợp tác xã đã đầu tư nhà kho rộng gần 500 m2 và lò sấy công nghệ không đảo, nâng cấp tuyến kênh và các trạm bơm tưới. Ngoài ra, hợp tác xã cũng khuyến khích xã viên, các hộ dân đầu tư máy móc phù hợp, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp 714 Vũ Xuân Thu cho biết, những năm qua, hợp tác xã được các cấp, các ngành quan tâm, hỗ trợ máy cày đất, kinh phí xây dựng kho chứa, hỗ trợ nâng cấp tuyến kênh và trạm bơm tưới để phục vụ cho sản xuất. Hiện nay, hầu hết các xã viên, hộ nhận khoán đều sử dụng máy móc vào các khâu làm đất, thu hoạch, vận chuyển, vừa tiết kiệm chi phí vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ 6 tạ/ha năm 2010, hiện nay năng suất lúa của hợp tác xã đạt 9 tấn/ha. Gia đình xã viên và hộ nhận khoán đều có đời sống khấm khá, tiếp tục tìm hiểu, đầu tư máy móc vào sản xuất.
Ngoài cây hàng năm, trong canh tác cây lâu năm như cà phê, hồ tiêu, cao su, điều, nông dân Đắk Lắk đã tích cực đầu tư máy móc phục vụ cho sản xuất. Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, thương mại và dịch vụ Minh Toàn Lợi (xã Ea Puk, huyện Krông Năng) hiện có hơn 100 máy phát cỏ, 45 xe cày và 5 hệ thống sấy cùng các máy đóng gói, máy rang xay, máy phân loại màu, máy rửa, xe tải… Hiện nay, các khâu làm đất, tưới, sơ chế, chế biến, phun thuốc, vận chuyển, hợp tác xã đều đã áp dụng cơ giới hóa.
Ông Vũ Đức Quân, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã chia sẻ, việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất giảm công sức lao động khoảng 80%/ha so với trước đây. Như khâu vận chuyển phân bón lên nương rẫy, vận chuyển cà phê sau thu hoạch từ nương rẫy về kho được thực hiện bằng xe tải, xe công nông. Khâu sơ chế, chế biến, hợp tác xã áp dụng quy trình khép kín, sử dụng hoàn toàn máy móc, vừa đảm bảo môi trường, vừa truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Sản phẩm kịp chở về chế biến, vừa giảm tổn thất, vừa tăng chất lượng và lợi nhuận cho xã viên. Thời gian tới, hợp tác xã tiếp tục đầu tư kho lạnh, máy chế biến cà phê hòa tan để phục vụ cho sản xuất.
Trong chăn nuôi, tại tỉnh Đắk Lắk, sử dụng máy móc trong vệ sinh chuồng trại và cung cấp, chế biến thức ăn có xu hướng phát triển mạnh, đặc biệt là trong chăn nuôi lợn và gia cầm. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số loại hình dịch vụ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp như: hộ tư nhân hoặc nhóm tư nhân góp vốn mua máy móc thiết bị để kinh doanh dịch vụ làm đất, tuốt/đập lúa, gặt, vận chuyển…; một số hợp tác xã nông nghiệp hình thành mô hình dịch vụ cơ giới hóa liên kết các khâu sản xuất nhằm khai thác tối đa hiệu quả máy móc, đáp ứng quy trình thâm canh, góp phần tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất.
Tiếp tục hỗ trợ người dân doanh nghiệp
Thông tin từ Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk), trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 175.200 máy móc, thiết bị được đưa vào sản xuất nông nghiệp, trong đó chủ yếu là máy kéo các loại, máy tuốt lúa, máy thu hoạch/bóc tách và sấy nông sản, máy phun trừ sâu, máy bơm nước, thiết bị tưới tiết kiệm. Ngoài ra, toàn tỉnh có 41 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và sửa chữa máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản và khoảng 300 cơ sở chế tạo máy nông nghiệp.
Tỉnh Đắk Lắk đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch về cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, Nghị quyết 39/2011/NQ-HĐND ngày 22/12/2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk về chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản giai đoạn 2011 - 2015 đã hỗ trợ cho nông dân hơn 1 tỷ đồng xây dựng mô hình máy gặt đập liên hợp, mô hình bóc tẻ ngô, sấy nông sản, tập huấn chuyển giao công nghệ. Thực hiện Quyết định 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, các ngân hàng thương mại tại tỉnh Đắk Lắk đã cho 74 doanh nghiệp, cá nhân vay hơn 22 tỷ đồng để mua sắm máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Năng Trần Sơn cho biết, máy móc được sử dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp và gia tăng qua các năm. Trên địa bàn huyện hiện có hơn 9.500 máy kéo, khoảng 13.000 máy phun thuốc bảo vệ thực vật, 330 máy sấy nông sản, 14.000 máy xay xát… Tuy nhiên, mức độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp còn thấp, chưa đồng đều với từng vùng sản xuất, chưa đồng bộ trong từng khâu và từng loại cây. Cơ giới hóa trong chăn nuôi còn hạn chế do quy mô nhỏ, chủ yếu là chăn nuôi nông hộ.
Để cơ giới hóa đồng bộ, ngày 10/12/2021, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Đề án đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2030. Mục tiêu đến năm 2030, những vùng nông nghiệp sản xuất tập trung được cơ giới hóa đồng bộ; nâng công suất máy trang bị bình quân đạt 3,5 - 4 HP/ha.
Theo ông Trịnh Thái Bình, Trưởng phòng Cơ điện - Ngành nghề nông thôn Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, tỉnh có địa hình đồi núi xen kẽ bình nguyên và thung lũng, quy mô sản xuất còn nhỏ, lẻ. Do đó, cần xác định lợi thế của từng vùng, định hướng cơ giới hóa nông nghiệp phù hợp với quy mô, trình độ sản xuất của từng địa phương. Để cơ giới hóa nông nghiệp phải thực hiện đồng bộ 5 phương thức: Cơ khí, điện khí hóa, công nghệ hóa, thủy lợi hóa và thị trường hóa. Đồng thời, khuyến khích đầu tư, nghiên cứu ứng dụng, chế tạo máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu của sản xuất hiện đại hóa nông nghiệp.
Ngoài hiệu quả kinh tế, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Đắk Lắk còn giải quyết bài toán nhân công khi lao động nông thôn trên địa bàn dịch chuyển đến các tỉnh, thành phía Nam số lượng lớn trong thời gian qua. Thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp còn nâng cao chất lượng lao động nông thôn, góp phần đảm bảo an ninh lương lực, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, nguồn nước, lao động và nguồn vốn, nâng cao thu nhập và đời sống cho nông dân.