Ông Hồ Quốc An, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tam Nông cho biết, ý tưởng hình thành mô hình ở huyện năm 2019, vì trong quá trình canh tác lúa, khâu phun thuốc bảo vệ thực vật là giai đoạn duy nhất bắt buộc phải thực hiện bằng phương pháp thủ công. Vấn đề này không những ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động, gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường xung quanh. Những vấn đề trên đang làm cho quá trình tái cơ cấu nông nghiệp gặp khó khăn, không thể liên kết với các công ty xuất khẩu theo chuỗi giá trị.
Trước xu thế công nghệ hóa trong nông nghiệp, việc áp dụng phương tiện bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật đã cho thấy nhiều lợi ích. Phương tiện bay không người lái trong canh tác sẽ giúp nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm thời gian, mà quan trọng hơn hết là bảo vệ sức khỏe cho người lao động. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với chương trình sản xuất lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế SRP, góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Trong năm 2019, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tam Nông đã tích cực tìm hiểu và gặp gỡ các công ty phân phối thiết bị bay không người lái, phun thuốc trên cây trồng. Đến tháng 5/2019, sau quá trình trao đổi, vận động đầu tư, tổ phun thuốc bằng phương tiện bay không người lái đầu tiên đã được hình thành với 1 máy và 2 người điều khiển và thử nghiệm 100 ha đất sản xuất lúa của huyện.
Ông Hồ Quốc An cho biết thêm, sau thời gian triển khai, mô hình đã đạt hiệu quả đúng như kế hoạch đề ra. Với quy mô gần 100 ha/6 hộ thực hiện tại xã Tân Công Sính và Hòa Bình. Kết quả năng suất lúa thực hiện mô hình , năng suất bình quân đạt 6,75 tấn/ha (tương đương bên ngoài), giá bán từ 5.100 - 5.600 đồng/kg, giá thành 2.100 đồng/kg (thấp hơn khoảng 350 đồng/kg so bên ngoài mô hình), lợi nhuận bình quân 21,7 triệu đồng/ha (cao hơn khoảng 2,5 triệu đồng/ha so với bên ngoài mô hình).
Tuy nhiên chi phí sản xuất thấp hơn do tiết kiệm từ 30 - 50% lượng thuốc so với ruộng bên ngoài mô hình, từ đó giúp cho người dân thu lợi nhuận cao hơn. Ngoài hiệu quả về kinh tế, còn giải quyết được tình trạng thiếu hụt lao động, bảo vệ sức khỏe cho người trực tiếp sản xuất.
Thông qua kết quả của mô hình, nông dân đã bắt đầu tin tưởng vào hiệu quả của việc phun thuốc bằng thiết bị bay không người lái, từ đó ngày càng có nhiều người chuyển sang sử dụng dịch vụ của Tổ phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái. Đến cuối năm 2019, đã phát triển số lượng máy lên 4 chiếc với 8 người sử dụng hoạt động thường xuyên, diện tích phục vụ cả năm 2019 đạt 3.000 ha. Đầu năm 2021, Trung tâm là đầu mối cho tổ phun thuốc bằng thiết bị bay không người lái, có tổng số 25 thành viên, số lượng 12 máy; diện tích thực hiện là 20.000 ha, tăng 17.000 ha so với cuối năm 2019.
Dự kiến trong năm 2021, tổ phun thuốc sẽ tiếp tục phát triển thêm số lượng máy bay để kịp thời đáp ứng nhu cầu của người dân trong và ngoài huyện.
Anh Lâm Trọng Nghĩa, người "khởi xướng" phun thuốc bằng thiết bị bay không người lái đầu tiên ở huyện Tam Nông chia sẻ, xác định phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay sẽ là dịch vụ thu hút được nhiều nông dân tham gia. Nhóm dịch vụ của Lâm Trọng Nghĩa đã có 200 khách hàng là nông dân thường xuyên sử dụng dịch vụ, ước tính đến nay nhóm của anh đã phun được 4.000 ha lúa/mùa vụ.
Trung bình 1 ha lúa, máy phun thuốc chỉ mất 7 phút với giá 200 nghìn đồng/ha, tương đương với giá thuê người phun thuốc bằng bình. Hiệu suất làm việc của máy cao gấp 10 lần so với phun xịt thủ công. Một máy có thể phun 40 ha/ngày.
Anh Nghĩa tâm sự, công nghệ thời 4.0 giờ đã len lỏi đến từng mảnh vườn, thửa ruộng và việc nông dân ngồi nhà thao tác trên điện thoại di động để điều khiển việc sản xuất đã không còn xa lạ. Những cánh đồng được cơ giới hóa từ mặt đất, đến phun thuốc, quản lý dịch hại từ trên bầu trời đã mang đến sắc thái mới cho nông nghiệp. Công nghệ thông minh, hiện đại làm gia tăng hiệu quả sản xuất, giúp nông dân không phải mãi "tay lấm chân bùn" và hơn hết là bảo vệ người sản xuất.
Ông Hồ Quốc An cho biết, qua thực tế máy bay phun thuốc có những ưu điểm vượt trội so với phương pháp truyền thống là: bắt kịp xu thế trong việc ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ 4.0 vào nông nghiệp. Là giải pháp hoàn hảo bù đắp cho tình trạng thiếu hụt lao động trong nông nghiệp hiện nay do chính sách dịch chuyển lao động sang khu vực công nghiệp và hiện trạng già hóa dân số.
Hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động do không tiếp xúc trực tiếp với hóa chất. Hiệu suất làm việc cao gấp 20 lần so với phun xịt thủ công (mỗi máy có thể phun 40 ha/ngày). Hiệu quả trị bệnh tối ưu, tiết kiệm 30% lượng thuốc và 90% lượng nước sử dụng.
Không thất thoát lúa do giẫm đạp trong quá trình phun thuốc, giúp giảm giá thành sản xuất. Khả năng dập dịch nhanh trên diện tích lớn (20 phút/ha); chất lượng nông sản đồng đều, tránh tồn dư hóa chất trên sản phẩm sau thu hoạch, thuận lợi cho việc liên kết tiêu thụ. Giảm lượng hóa chất phát thải ra môi trường, vỏ bao bì được thu gom dễ dàng do pha thuốc tập trung tại một điểm.
Huyện Tam Nông cho nhân rộng mô hình trên tất cả 12 xã, thị trấn nhằm giúp nông dân mạnh dạn thay đổi tập quán truyền thống, chuyển đổi sang hình thức phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái, góp phần đưa cơ giới hóa 100% từ khâu xuống giống đến thu hoạch lúa ở huyện Tam Nông.