Đây là nội dung nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng doanh nghiệp FDI tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF2024) với chủ đề "Doanh nghiệp FDI tiên phong thực hiện chiến lược tăng trưởng Xanh", tổ chức ngày 19/3 tại Hà Nội.
Ông Joseph Uddo, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cho biết: Việc duy trì hoạt động của các hệ thống năng lượng là mục tiêu thiết yếu của quản trị năng lượng tốt và cung cấp cho các nhà đầu tư khả năng tiếp cận năng lượng tái tạo giúp cho đất nước có lợi thế cạnh tranh hơn. Động lực cung cầu điện rất phức tạp và cách tiếp cận hợp tác giữa khu vực công và tư nhân là điều cần thiết để phát triển nguồn điện bền vững, đáng tin cậy và giá cả phải chăng. Việt Nam có thể thu hút nguồn tài chính toàn cầu nhờ hệ thống quản lý năng lượng hiệu quả.
"Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các bên liên quan trong khu vực tư nhân có thể đưa ra các giải pháp khả thi để có thể đáp ứng nhu cầu an ninh năng lượng. Cùng đó, cơ sở hạ tầng năng lượng không thể được thiết lập trong một sớm một chiều và việc lập kế hoạch cho sự hình thành, tăng trưởng bền vững của Việt Nam cần phải được thực hiện ngay. Đồng thời, hướng sự tập trung vào việc phê duyệt các dự án ngắn có tính khả thi trong thực tế và tài chính để đảm bảo nguồn cung cấp điện đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng".
Đồng quan điểm, ông Muto Shiro, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) khuyến nghị: Việt Nam cần thiết lập các hệ thống pháp lý và hướng dẫn thực hiện quan trọng càng sớm càng tốt nhằm đảm bảo tiến độ suôn sẻ cho các dự án phát triển điện lực. Đồng thời, ưu tiên giải pháp chính sách hiện thực hóa năng lượng tái tạo quy mô lớn, đặc biệt là các dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn đầy tiềm năng ở Việt Nam.
Chẳng hạn như lĩnh vực điện gió ngoài khơi, sẽ có lợi nếu cải thiện hệ thống pháp lý liên quan đến việc sử dụng khu vực biển và xây dựng lộ trình phát triển. Nhờ đó, sẽ thu hút sự tham gia của các công ty, tổ chức tài chính nước ngoài có chuyên môn vào các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn để có thể sớm triển khai các dự án này.
JCCI cũng đề xuất xây dựng các quy trình cụ thể để thúc đẩy việc sử dụng các tấm pin mặt trời trên mái nhà tự sản tự tiêu sử dụng điều khiển dòng điện ngược. Cùng với đó, nới lỏng các điều kiện tham gia Hợp đồng Mua bán điện trực tiếp (DPPA) đối với năng lượng tái tạo và xem xét cơ chế định giá hiện tại đối với sản xuất điện sinh khối, điện từ chất thải.
Đại diện Phòng Thương mại Châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam, Chủ tịch Gabor Fluit cho hay: Việt Nam có cơ hội lớn trở thành trung tâm năng lượng xanh cho Đông Nam Á và xa hơn nữa. Đó có thể là xuất khẩu năng lượng xanh và công nghệ liên quan đến sản phẩm được sản xuất trong nước. Tuy nhiên, cần nhanh chóng chuyển đổi sản xuất điện than và phát triển ngành năng lượng tái tạo.
Chủ tịch EuroCham cảnh báo vẫn còn nhiều thách thức ở hiện tại và trở ngại trong tương lai phía trước, nơi kinh tế xanh đang trở thành đầu tàu tăng trưởng của thế giới mà Việt Nam là một phần trong đó. Chủ tịch EuroCham khẳng định: khoảng 1.200 thành viên và 20 ủy ban ngành của hiệp hội đều là những đối tác tận tâm trong hành trình hướng tới kinh tế xanh và phát thải ròng bằng 0. Một trong những mục tiêu cốt lõi của EuroCham là ủng hộ các chiến lược tăng trưởng xanh nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững.