Bộ Công Thương đơn giản hóa 223 thủ tục hành chính. Ảnh minh họa: TTXVN
Theo đó, trên cơ sở các nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 139/NĐ-CP và Nghị định số 146/NĐ-CP ngày 12/6/2025 về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Tổng số nhiệm vụ phân cấp, phân quyền cho địa phương là 208 nhiệm vụ/401 nhiệm vụ cần phân cấp phân quyền chiếm tỷ lệ 52%.
Bộ Công Thương đã khẩn trương ban hành Kế hoạch triển khai thi hành 2 nghị định nêu trên và 5 thông tư về phân cấp, phân định thẩm quyền, và các văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại. Đồng thời, ban hành các văn bản triển khai chủ trương, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW, Đảng ủy Chính phủ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã hoàn thành việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thực thi phương án phân cấp, cắt giảm, đơn giản hóa và công bố, công khai đầy đủ các thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Theo đó, tổng số thủ tục hành chính được phân cấp, cắt giảm, đơn giản hóa là 223/486 thủ tục hành chính của Bộ (đạt tỷ lệ 45,8%). Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đã hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án rà soát cắt giảm, đơn giản hóa 24,5% điều kiện đầu tư, kinh doanh và 53% thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao (30%) tại Nghị quyết số 66 ngày 26/3/2025.
Đối với việc thực hiện chuyển đổi số, hiện nay 100% thủ tục hành chính cấp Bộ đủ điều kiện của Bộ Công Thương (112 thủ tục hành chính) đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Tỷ lệ hồ sơ được số hóa đạt 100%; trong đó, 80 - 85% là hồ sơ được thực hiện toàn trình (các lĩnh vực như cấp C/O, khai báo hóa chất, quản lý website thương mại điện tử… đã được số hóa hoàn toàn).
Bộ Công Thương đã hoàn thành việc đưa các dịch vụ công quan trọng lên Cổng Dịch vụ công quốc gia đúng thời hạn theo quy định, kết nối chia sẻ dữ liệu với các hệ thống của Chính phủ và các bộ, ngành và tập trung hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác điều hành.Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thông qua nhiều giải pháp. Cụ thể: Tổ chức tập huấn chuyên sâu cho cán bộ địa phương; thành lập Tổ công tác do Thứ trưởng làm Tổ trưởng, thiết lập đường dây nóng tiếp nhận và xử lý kiến nghị 24/7; gửi văn bản đề nghị các địa phương báo cáo tình hình triển khai nhiệm vụ và kiến nghị.
Bộ cũng đang triển khai các đoàn công tác đến địa phương. Dự kiến, ngày 30/7/2025, Bộ trưởng Bộ Công Thương sẽ chủ trì hội nghị với 34 Giám đốc Sở Công Thương để trực tiếp nắm bắt, tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo hoạt động hiệu quả theo mô hình chính quyền hai cấp.
Thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục rà soát, xác định chính xác các văn bản quy phạm pháp luật chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy, xây dựng phương án, lộ trình xử lý các văn bản quy phạm pháp luật; báo cáo kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, ban hành văn bản quy phạm pháp luật chịu sự tác động do sắp xếp tổ chức bộ máy. Mặt khác, bảo đảm tiến độ và thời gian hoàn thành trước ngày 1/3/2027 theo đúng Nghị quyết số 190/2025/QH15 ngày 19/02/2025 của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Bộ Công Thương tiếp tục rà soát, bám sát hỗ trợ địa phương trong việc triển khai các nhiệm vụ được phân cấp, phân quyền từ Bộ để đảm bảo nắm bắt tình hình và kịp thời hướng dẫn chuyên môn, giải quyết vướng mắc. Cùng đó, đẩy mạnh cải cách hành chính; thực hiện phân cấp, phân quyền công tác quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực.