Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen công bố một thỏa thuận thương mại Mỹ – EU sau cuộc gặp tại câu lạc bộ golf Trump Turnberry vào ngày 27/7/2025. Ảnh: Getty Images
Báo The Kyiv Independent tối 27/7, theo giờ địa phương, cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã gặp nhau tại Vương quốc Anh vào ngày 27/7 và đồng ý về một thỏa thuận thương mại giữa hai nền kinh tế lớn.
Phát biểu trước cuộc gặp khi đứng bên cạnh Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói: “Nếu bạn nhìn vào khối lượng thương mại, đây là khối lượng lớn nhất trên toàn cầu, với 1,7 nghìn tỷ USD giữa chúng ta. Và nếu bạn nhìn vào thị trường, đó là một thị trường khổng lồ, 800 triệu người, nếu tính cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU)”.
Về phần mình, trong một phát biểu đưa ra sau cuộc gặp, Tổng thống Mỹ Donald Trump chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng thật tốt khi chúng ta đạt được một thỏa thuận hôm nay thay vì chơi trò chơi và có thể không đạt được gì cả… Tôi nghĩ đây là thỏa thuận lớn nhất từng được thực hiện”.
Theo thỏa thuận thương mại mới, Washington sẽ áp mức thuế 15% đối với phần lớn hàng xuất khẩu từ EU sang Mỹ, thấp hơn so với mức thuế 30% mà ông Trump từng đe dọa sẽ áp dụng nếu không đạt được thỏa thuận trước ngày 1/8.
Đổi lại, phát biểu với báo giới sau cuộc gặp song phương, Tổng thống Trump cho biết các quốc gia thành viên EU sẽ “mở cửa thương mại” với hàng hóa Mỹ mà không áp thuế.
Trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump, trong vòng ba năm tới, EU đã đồng ý mua 750 tỷ USD năng lượng từ Mỹ.
Tổng thống Trump cho biết thêm rằng khối này cũng cam kết đầu tư thêm 600 tỷ USD vào nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh Nhà Trắng lo ngại về sự mất cân bằng trong quan hệ thương mại song phương.
Phát biểu tại sân golf Turnberry ở Scotland cùng với bà von der Leyen, ông Trump nhắc lại rằng Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã đồng ý rằng các nước châu Âu sẽ mua thiết bị quân sự từ Washington.
“Chúng tôi sẽ gửi thiết bị quân sự và các loại thiết bị khác tới NATO, và họ sẽ làm điều họ muốn. Nhưng tôi đoán rằng phần lớn là làm việc với Ukraine”, Tổng thống Trump nói trước cuộc đàm phán.
Sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo, ông Trump thông báo rằng các quốc gia EU sẽ mua “hàng trăm tỷ USD thiết bị quân sự”.
Theo thỏa thuận mới, một số mặt hàng sẽ không bị áp thuế bởi cả hai bên. Những mặt hàng này bao gồm sản phẩm nông nghiệp, máy bay và các bộ phận máy bay, một số dược phẩm generic, nguyên liệu thô quan trọng, các loại hóa chất khác nhau và thiết bị sản xuất chất bán dẫn.
Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024, ông Trump đã vận động với cam kết cải tổ các mối quan hệ thương mại của Washington với các đối tác kinh tế, đe dọa áp thuế mạnh.
Ngay sau khi nhậm chức, ông Trump đã áp dụng mức thuế “Ngày Giải Phóng” (Liberation Day Tariffs) ngắn hạn vào tháng 4, nhưng đã tạm rút lại trong vòng 90 ngày do lo ngại về thị trường và kinh tế.
Hiện tại, Mỹ đã áp đặt nhiều thời hạn để đạt thỏa thuận với các đối tác thương mại, nếu không thuế sẽ được áp trở lại.
EU là khối kinh tế mới nhất ký kết các thỏa thuận thương mại mới với Nhà Trắng trong những tháng gần đây.
Trong một diễn biến khác, tờ South China Morning Post tối 27/7 dẫn các nguồn thạo tin cho biết, Trung Quốc và Mỹ dự kiến sẽ gia hạn thêm 90 ngày việc tạm dừng áp thuế quan đối với hàng hóa của nhau trong cuộc đàm phán thương mại tại Stockholm, Thụy Điển, bắt đầu từ ngày 28/7.
Tháng 5 vừa qua, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã nhất trí gỡ bỏ phần lớn các mức thuế quan cao áp đặt lên hàng hóa của nhau trong vòng 90 ngày để tiếp tục đàm phán. Thời hạn tạm dừng này sẽ kết thúc vào ngày 12/8.
Nguồn tin cho biết tại vòng đàm phán thứ ba lần này, hai bên chủ yếu trình bày quan điểm về các vấn đề then chốt, như lo ngại của Mỹ đối với tình trạng dư thừa năng lực công nghiệp của Trung Quốc, hơn là tìm kiếm đột phá cụ thể nào.
Theo một nguồn tin, trong thời gian gia hạn dự kiến 90 ngày này, hai nước sẽ cam kết không áp đặt thêm bất kỳ mức thuế mới nào, cũng không leo thang căng thẳng thương mại bằng những biện pháp khác.
Ba nguồn tin quen thuộc với lập trường của Bắc Kinh cho biết, trong khi các cuộc đàm phán trước đó tại Geneva và London tập trung vào việc "giảm leo thang", lần này đoàn Trung Quốc sẽ thúc ép nhóm đàm phán thương mại của Tổng thống Trump về vấn đề thuế quan liên quan đến fentanyl.
Tháng 3 năm nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp thêm 20% thuế đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc với lý do Bắc Kinh chưa nỗ lực ngăn chặn dòng fentanyl vào Mỹ.
Washington chưa đưa ra dấu hiệu nào cho thấy điều kiện cụ thể để dỡ bỏ mức thuế này, và phía Trung Quốc có thể yêu cầu làm rõ ngưỡng này trong vòng đàm phán tại Stockholm.
Một nguồn tin cho hay, Bắc Kinh coi mức thuế 20% này là "không công bằng" nhưng có thể chấp nhận mức thuế cơ sở 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu nếu khoản thuế bổ sung được dỡ bỏ.
Phát biểu tại Scotland tối 27/7, ông Trump nói Mỹ "đã rất gần" một thỏa thuận với Trung Quốc nhưng không cung cấp thêm chi tiết.