Doanh nghiệp chuẩn bị đón TPP

Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) dự kiến sẽ kết thúc các vòng đàm phán vào cuối năm nay sẽ mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.


Nhiều cơ hội mở rộng thị trường


Theo các chuyên gia kinh tế, nền kinh tế Việt Nam có thể được hưởng các lợi ích từ TPP như: Xuất khẩu hàng hóa thuận lợi hơn, nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI tăng lên, doanh nghiệp (DN) có điều kiện hội nhập sâu hơn vào kinh tế khu vực và thế giới. Đồng thời, các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ có thêm cơ hội để tăng cường đầu tư vào Việt Nam.


 

Các sản phẩm nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam khi mở rộng thị trường xuất khẩu.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, thuế suất đối với các thị trường trọng điểm mà Việt Nam xuất khẩu mặt hàng dệt may đang quá cao. Cụ thể, trong thị trường xuất khẩu dệt may của Việt Nam, Mỹ chiếm 50%, châu Âu chiếm 17%, Nhật Bản 12%, Hàn Quốc 6%, còn lại 2% là các thị trường khác. Trong đó, thị trường Mỹ phải chịu thuế suất 17,5% và châu Âu là 9,6%. Do đó, nếu Việt Nam ký Hiệp định TPP thì thuế suất xuất khẩu mặt hàng dệt may tại Mỹ và thị trường các nước tham gia TPP sẽ được dỡ bỏ. Ông Lê Tiến Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam khẳng định: “Đối với một ngành hàng xuất khẩu thì việc hội nhập thật sâu và rộng với các thị trường lớn trên thế giới chắc chắn sẽ có tác động tích cực trong việc tăng trưởng xuất khẩu”.


Các chuyên gia kinh tế nhận định, nếu tham gia TPP, các nước thành viên cũng sẽ phải mở cửa thị trường toàn diện thông qua việc cắt giảm gần như toàn bộ 100% thuế quan trừ một số mặt hàng đặc biệt, bên cạnh đó là những cam kết nghiêm ngặt liên quan tới lao động, công đoàn, chống tham nhũng, môi trường... Đây cũng là cơ hội cho ngành sản xuất và các DN nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.


Nâng cao năng lực cạnh tranh


Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng khuyến cáo, những yêu cầu nghiêm ngặt của hiệp định này về thương mại, sẽ tạo ra sức ép về mở cửa thị trường, cạnh tranh đối với các DN Việt Nam và có thể gây tác động tới một số ngành và địa phương.


“TPP cũng sẽ đem đến những cơ hội và thách thức. Muốn có cơ hội phải vượt qua thách thức, vượt qua thách thức sẽ đem đến cơ hội lớn hơn, nhưng nếu chúng ta không làm gì cả thì sẽ chỉ còn lại thách thức”. Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh.

TS. Lương Văn Lý, Nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh, cho biết: “DN phải xác định trong “cuộc chơi” TPP, Nhà nước không phải là nhân vật chính mà tham gia trực tiếp sẽ là các DN. Để có thể tồn tại, DN phải chủ động hoàn thiện mình để đủ điều kiện đón nhận cơ hội; phải từ bỏ tâm lý ỷ lại vào sự cứu trợ của Nhà nước, tận dụng cơ hội đầu tư, cải thiện từng bước các chuẩn mực trong hoạt động kinh doanh”.


Theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh, khi TPP được kí kết, “cuộc đua” giữa DN “ngoại” và “nội” cũng chính thức bắt đầu. Do đó, để ngăn cản bớt dòng chảy ồ ạt của hàng ngoại nhập trong những năm tới, đồng thời để bảo vệ DN trong nước, tăng sức cạnh tranh giữa hàng nội với hàng ngoại, chúng ta cần phải lập ra một bộ tiêu chuẩn mới phù hợp để làm hàng rào kỹ thuật. Hàng rào kỹ thuật này khi áp dụng với hàng nhập khẩu cũng áp dụng với hàng trong nước để đảm bảo nguyên tắc công bằng, không phân biệt đối xử. Đặc biệt hàng rào này phải phù hợp với các quy định trong nước cũng như trên thế giới.


TS. Lương Văn Lý cũng cho rằng, Nhà nước cũng cần xác định lại thế mạnh, lợi thế cạnh tranh của nước ta trong cuộc cạnh tranh kinh tế toàn cầu. Khi đã xác định được thế mạnh thì cần có biện pháp hỗ trợ để củng cố cho thế mạnh đó. Hiện nông nghiệp là lĩnh vực mà nước ta có thế mạnh và lực lượng chủ chốt của nền kinh tế là các DN nhỏ và vừa. Vì vậy, thời gian tới, Nhà nước nên có nhiều chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực nông nghiệp và hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa để có thể phát huy được thế mạnh.


Bài và ảnh: Hoàng Tuyết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN