Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 có quy mô, tính chất nghiêm trọng, nhất là tại các khu công nghiệp, nhà máy tập trung đông lao động, buộc nhiều địa phương thực hiện cách ly và giãn cách xã hội. Đây thực sự là mối lo lớn, tác động trực diện đến các doanh nghiệp và đời sống người lao động. Trong bối cảnh đó, kinh nghiệm từ các doanh nghiệp đã triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch cũng như tư vấn từ phía chuyên gia giúp nhiều doanh nghiệp khác có thể xây dựng mô hình phòng, chống dịch an toàn, phù hợp.
Từ mô hình chủ động phòng, chống dịch của doanh nghiệp
Ông Đỗ Công Thành, Phó Giám đốc Công ty cổ phần chế biến và dịch vụ thủy sản Cà Mau (CASES) cho biết: Mặc dù Cà Mau đang giữ được thành trì phòng, chống dịch nhưng các doanh nghiệp tại đây vẫn luôn cảnh giác bởi lẽ chỉ cần có một ca mắc COVID-19, doanh nghiệp phải ngưng sản xuất, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của đơn vị. Do vậy, CASES đã chủ động xây dựng kịch bản ứng phó trong trạng thái bình thường và trong đợt dịch cao điểm.
Theo đó, nếu tình hình bình thường, công ty hoạt động nhưng luôn cảnh giác phòng dịch. Trong đợt dịch bùng phát hiện nay, công ty đã siết chặt công tác kiểm soát. Người ra vào công ty đều thực hiện đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, bắt buộc đeo khẩu trang và khai báo y tế, thậm chí phải có xác nhận của địa phương. Những người đến từ vùng dịch, người vắng mặt 3 ngày không có lý do đều phải cách ly 15-16 ngày mới được vào công ty...
Tại trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước - Thành phố Hồ Chí Minh, ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dệt may - đầu tư - thương mại Thành Công (TCM) cho biết, thực hiện quyết định của UBND thành phố về giãn cách xã hội, hơn 7.500 công nhân công ty đã chia thành 2 ca để sản xuất thay vì chỉ có một ca như trước đây. Tương tự, tại Công ty TNHH Việt Thắng Jean, ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cho biết, vừa bảo đảm giãn cách vừa đảm bảo tiến độ hoàn thành đơn hàng cho đối tác, 5.000 công nhân của công ty đã chia thành 3 ca sản xuất thay vì 2 ca như trước.
Tại khu vực miền Trung, đại diện Tổng Công ty cổ phần dệt may Hòa Thọ cho biết, để đảm bảo an toàn và duy trì hoạt động sản xuất cho hơn 11.000 công nhân tại Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng và Quảng Trị, công ty đã chủ động liên hệ với cơ quan y tế xây dựng kịch bản ứng phó trong từng tình huống dịch bệnh; tổ chức tuyên truyền cho nhân viên về tình hình sản xuất kinh doanh cũng như dịch bệnh để cùng thấu hiểu và thực hiện tốt công tác phòng dịch. Công ty tổ chức khai báo y tế, đo thân nhiệt cho tất cả nhân viên, khách hàng; cấp phát khẩu trang, mũ chắn giọt bắn cho nhân viên và trang bị thùng rác đựng khẩu trang, găng tay đã qua sử dụng. Công ty thực hiện giãn cách mật độ người làm việc, ứng dụng phần mềm họp trực tuyến và bố trí làm việc tại nhà cho nhân viên văn phòng; đảm bảo chất lượng bữa ăn, chia giờ ăn theo ca, bàn ăn có vách ngăn…
Từ tâm dịch Bắc Giang, chia sẻ kinh nghiệm trụ vững và vượt qua được giai đoạn nóng nhất của đợt bùng phát dịch bệnh lần này, ông Nguyễn Văn Tứ - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty may Bắc Giang (LGG) cho biết công ty đã thành lập Ban chỉ đạo chung và Tổ phòng chống COVID-19 tại mỗi xưởng do lãnh đạo công ty trực tiếp điều hành để tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt biện pháp phòng, chống dịch.
Theo đó, công ty tổ chức tuyên truyền hằng ngày bằng 2 bản tin sáng, chiều trên hệ thống loa công ty để nhân viên hiểu rõ cơ chế lây nhiễm, tuân thủ thông điệp 5K. Bên cạnh đó, công ty chỉ sử dụng quạt thông gió, đảm bảo giãn cách tối thiểu, khử trùng hàng ngày...
Khi được địa phương cho phép sản xuất lại nhưng phải bố trí cho người lao động lưu trú tại chỗ, công ty đã chủ động bố trí khu lưu trú, khu ăn uống, khu vệ sinh... coi đơn vị như một khu cách ly tập trung. Toàn bộ nhân viên khi vào nhà máy đều được sàng lọc, thường xuyên kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang, làm việc đúng vị trí, không tập trung, không tiếp xúc gần...
Chia sẻ kinh nghiệm tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công nhân, ông Tứ cho biết: Do công nhân ở nhiều vùng phong tỏa khác nhau, công ty đã lên phương án trình cơ quan quản lý địa phương để đưa đón công nhân đến địa điểm tiêm. Công nhân ở khu vực đi lại chưa đảm bảo an toàn, công ty có phương án đề nghị cho tiêm bổ sung tại các xã...
Trước khi tiêm, công ty chủ động chuẩn bị thể trạng tốt cho công nhân bằng thực phẩm dinh dưỡng, bố trí các điều kiện phòng ngừa sốc phản vệ. Do vậy, mặc dù có tới 5.000 lao động và nằm trong tâm dịch, nhưng qua 2 lần xét nghiệm, các công nhân của công ty đều âm tính với SARS-CoV-2. Đến nay có gần 4.000 công nhân công ty đã được tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19. Qua đó giúp công ty yên tâm đẩy nhanh hoàn thành các đơn hàng đã ký.
Đến mô hình phòng, chống dịch an toàn, hiệu quả từ tư vấn của chuyên gia
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Viết Nhung - Chủ nhiệm Chương trình chống lao quốc gia, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, đơn vị đã thành công trong việc xây dựng mô hình bệnh viện an toàn với dịch COVID-19. Tùy theo quy mô, mỗi doanh nghiệp sẽ có những mô hình phù hợp để giữ cho doanh nghiệp an toàn với COVD-19 song các mô hình đều phải tuân thủ nguyên tắc “chủ động”, từ lãnh đạo cao nhất đến toàn thể nhân viên cần nhận thức rõ và đồng lòng cùng tham gia phòng, chống dịch. Bởi lẽ nếu chỉ tập trung mục tiêu sản xuất, khi có dịch bệnh xảy ra, công ty sẽ bị thiệt hại nặng nề hơn.
Tiến sỹ Nhung cho rằng, một mô hình an toàn hiệu quả trước hết doanh nghiệp phải có Ban chỉ đạo đủ mạnh, đủ thành phần do chính lãnh đạo doanh nghiệp trực tiếp điều hành; tổ chức công tác tuyên truyền cho toàn thể công ty hiểu rõ về dịch bệnh, sự cần thiết phải tuân thủ thông điệp 5K. Công ty cần xây dựng được kế hoạch ứng phó về chuyên môn và tổ chức, phát hiện sớm, khoanh vùng, ngăn chặn được nguồn lây thì những phần còn lại của doanh nghiệp vẫn an toàn.
Để phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh, theo Tiến sỹ Nhung, cần có cơ chế sàng lọc ngay từ cổng cũng như định kỳ, đột xuất xét nghiệm ngẫu nhiên trong doanh nghiệp, đặc biệt là bộ phận có nguy cơ cao như bộ phận kinh doanh. Khi phát hiện trường hợp nghi ngờ phải có phòng cách ly tạm thời để chờ hướng dẫn của cơ quan chuyên môn lấy mẫu xét nghiệm. Khi phát hiện có ca mắc, doanh nghiệp phải bình tĩnh, ai ở đâu phải ở yên đấy. Trách nhiệm của doanh nghiệp lúc này là hỗ trợ cơ quan chuyên môn khoanh vùng, cách ly, nắm dịch tễ và truy vết.
Về thực hiện giãn cách, theo Tiến sỹ Nhung, nếu môi trường làm việc thông thoáng, thực hiện tốt thông điệp 5K, doanh nghiệp ít có nguy cơ mắc COVID-19. Do vậy, các doanh nghiệp cần: Hạn chế đến tối đa việc sử dụng máy điều hòa, chỉ sử dụng quạt thông gió, nếu phải sử dụng điều hòa cần tính toán thời gian tắt mở, mật độ và khoảng cách lao động đảm bảo khó xảy ra lây nhiễm nhất. Ngoài ra, doanh nghiệp cần điều chỉnh ca làm, ca ăn, có tấm ngăn; xe chở công nhân chỉ chở 50% chỗ ngồi…
Về công tác khử khuẩn, Tiến sỹ Nhung cho rằng chỉ nên tiến hành định kỳ ở những nơi có nguy cơ cao như chỗ ngồi, tay nắm cửa. Sau khi có trường hợp nghi ngờ mới phun khử khuẩn toàn bộ. Việc khử khuẩn nên hợp đồng với các đơn vị có chuyên môn để đáp ứng hiệu quả.
Liên quan đến công tác sàng lọc thông qua xét nghiệm định kỳ, đột xuất, Tiến sỹ Nhung khuyến cáo các doanh nghiệp nên hợp đồng với các đơn vị chuyên môn có thẩm quyền xét nghiệm SAR-COV-2 đã được Bộ Y tế công bố. Để giảm tải áp lực cho đơn vị xét nghiệm này, các doanh nghiệp có thể tổ chức tự lấy mẫu trên cơ sở được đơn vị xét nghiệm cung cấp đầy đủ dụng cụ lấy mẫu theo video clip hướng dẫn của Bệnh viện Phổi Trung ương đã đăng tải.
Tiến sỹ Nhung nhấn mạnh: Khi chưa có vaccine cho 70% dân số, tất cả chúng ta đều có nguy cơ mắc COVID-19. Bệnh viện là nơi có nguy cơ cao nhất, sau đó là đến các doanh nghiệp...