Phóng viên TTXVN trên các địa bàn ghi nhận kết quả đạt được và phản ánh các ý kiến, kiến nghị của các cấp chính quyền, các tầng lớp nhân dân trên các địa bàn.
Cách ly xã hội là biện pháp căn bản để sớm dập tắt dịch COVID-19
Cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ là biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ, lần đầu tiên được áp dụng ở nước ta nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch COVID-19. Sau 15 ngày thực hiện cách ly toàn xã hội, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo công tác phòng chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội, các cấp, ngành của thành phố Hà Nội đã thực hiện nghiêm túc, người dân cơ bản đã hợp tác, có ý thức chấp hành nghiêm các chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ và thành phố.
Chị thị 16/CT-TTG ra đời rất kịp thời, khi Hà Nội đang phải gồng mình xử lý hai ổ dịch COVID-19 nguy hiểm tại Bệnh viện Bạch Mai và thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh) có yếu tố dịch tễ liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố và đối mặt với nhiều ca phức tạp khi một số bệnh nhân đi lại, tiếp xúc rất nhiều nơi, trực tiếp liên quan đến các cơ sở khám, chữa bệnh của cả Trung ương và Hà Nội. Nếu không thực hiện cách ly xã hội, việc truy dấu "F0" (người mắc COVID-19) gặp nhiều khó khăn. 15 ngày giãn cách xã hội cũng là thời gian giúp Hà Nội tăng tốc trong việc điều tra xác minh những “F” liên quan đến các ca "F0", mở rộng xét nghiệm truy vết "F0", khoanh vùng, dập dịch. Trong thời gian này, Hà Nội đã tập trung điều tra, xác minh, xử lý những ca bệnh, ổ dịch phức tạp trên địa bàn, trước mắt giải quyết dứt điểm ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai, ổ dịch tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh.
Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã rà soát kỹ, triệt để những người có tiếp xúc, liên quan đến các ca bệnh, ổ dịch để kịp thời cách ly theo quy định; thông tin rộng rãi về lịch trình đi lại, tiếp xúc của các ca bệnh để người dân chủ động khai báo với các cơ quan có thẩm quyền khi thấy có liên quan. Đặc biệt, thành phố đẩy mạnh xét nghiệm nhanh tại cộng đồng để kịp thời phát hiện các trường hợp mắc bệnh, trong đó bố trí 12 điểm xét nghiệm lưu động để xét nghiệm tại cộng đồng; tăng công suất xét nghiệm, mở rộng đối tượng xét nghiệm... Đến ngày 15/4, thành phố đã thực hiện gần 60.000 mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 (cả test nhanh và xét nghiệm RT-PCR). Ngày 3/4, Hà Nội ghi nhận 95 bệnh nhân mắc COVID-19, đến ngày 15/4 phát hiện thêm 19 số ca, nâng tổng số lên 114 ca.
Để đảm bảo biện pháp cách ly xã hội đạt hiệu quả tối đa và không làm ảnh hưởng tới việc giải quyết các yêu cầu chính đáng của công dân tại các cơ quan hành chính nhà nước, UBND Thành phố đã ban hành văn bản số 1187/UBND - KSTTHC ngày 9/4/2020 yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường tuyên truyền, khuyến khích và hướng dẫn người dân cân nhắc thời điểm để yêu cầu giải quyết các thủ tục hành chính cấp bách, cần thiết và ưu tiên lựa chọn việc thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường mạng, thông qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công thành phố hoặc thực hiện thủ tục hành chính thông qua dịch vụ bưu chính công ích của thành phố.
Các cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng phương án bố trí cán bộ hướng dẫn, phân luồng công dân đến giao dịch; phân chia vị trí tiếp nhận, trả kết quả hợp lý, đảm bảo trong Bộ phận Một cửa không quá 10 người, bảo đảm việc giãn cách theo hướng dẫn của cơ quan y tế trong công tác phòng, chống dịch.
Các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã; UBND các xã, phường, thị trấn tích cực đổi mới, cải tiến cách làm việc đáp ứng bối cảnh phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương và thành phố và theo đúng hướng dẫn của cơ quan y tế; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, các hoạt động trực tuyến trong chỉ đạo, điều hành việc thực hiện các thủ tục hành chính; phối hợp chặt chẽ với Bưu điện thành phố Hà Nội trong việc tổ chức thực hiện đảm bảo giải quyết hiệu quả yêu cầu công việc cũng như các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; huy động sự tham gia của lực lượng đoàn viên, thanh niên và các lực lượng tình nguyện viên trên địa bàn, có nhiều phương án, cách thức linh hoạt phù hợp với tình hình thực tế tại đơn vị. Tất cả các biện pháp này góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện giãn cách xã hội tại các địa điểm công cộng là những nơi nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh.
Tuy nhiên, những ngày gần đây, khi số ca nhiễm giảm đi, người dân bắt đầu chủ quan, số lượng người ra đường, tập trung ở các địa điểm công cộng tăng lên. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã nêu rõ, đến nay, tình hình cơ bản được kiểm soát, nhưng diễn biến dịch còn phức tạp, nên tuyệt đối không được chủ quan.
Cách ly toàn xã hội nhằm ngăn chặn kịp thời sự lây lan của dịch COVID-19 trong cộng đồng. Cuộc chiến vẫn đang ở phía trước và cách ly xã hội vẫn là biện pháp căn bản để có thể sớm dập tắt dịch bệnh.
Tăng cường phòng, chống dịch trong cộng đồng
Thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả giãn cách xã hội. Trong 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16, một số thời điểm, nhất là những ngày gần đây, người dân ra đường khá đông dù không thật sự cần thiết. Trước thực trạng trên, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong cộng đồng.
Về cơ bản, Thành phố Hồ Chí Minh không xuất hiện ca nhiễm nào tại cộng đồng từ ngày 3/4 đến nay. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, nguy cơ phát sinh dịch bệnh vẫn còn cao, đặc biệt là trong thời gian giãn cách xã hội, một bộ phận người dân còn chủ quan, lơ là, chưa chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch đã quy định. Ngoài ra, việc giao thương đi lại từ Hà Nội và các tỉnh, thành vào Thành phố vẫn còn nhiều, trung bình mỗi ngày có khoảng 1.000 người vào Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, Thành phố sẽ tổ chức lại các Đội phản ứng nhanh phòng, chống dịch tại UBND phường, xã, thị trấn thành nhiều Tổ để thực hiện tuần tra, giám sát việc tuân thủ cách ly xã hội; xử phạt đối với những người không đeo khẩu trang nơi công cộng; giãn cách mật độ mua sắm tại các chợ truyền thống để không tập trung đông người; giãn cách mật độ người dân tập thể dục thể thao tại các công viên.
Để tiếp nhận thông tin vi phạm phòng chống dịch, từ ngày 1/4, Thành phố đã công bố số điện thoại nóng (tổng đài 1022 hoặc số điện thoại 028. 3824.9000) tiếp nhận thông tin, phản ảnh, góp ý trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tính đến ngày 14/4, Tổng đài Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 của Thành phố đã tiếp nhận 945 tin báo, phản ánh từ người dân. Các thông tin được người dân phản ảnh là tình trạng tụ tập đông người, gây rối trật tự công cộng trong thời gian giãn cách xã hội; phản ánh các điểm dịch vụ, kinh doanh ăn uống “né” lệnh đóng cửa, cho nhiều khách hàng đến ăn uống tại chỗ thay vì bán mang về; “lách” quy định bằng cách mở cửa kinh doanh buôn bán từ 22 giờ đêm trở đi khi cơ quan chức năng không còn đi kiểm tra...
Ngày 9/4, UBND Thành phố Hồ Chí Minh có văn bản chỉ đạo về tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, nguyên nhân xuất phát từ thực tế Thành phố có số người dân ra đường tăng trở lại với những lý do không thật sự cần thiết, không đảm bảo việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m và không đeo khẩu trang khi đi ra khỏi nhà.
Thành phố đã xử phạt nghiêm đối với những trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng, với 4.360 trường hợp vi phạm (từ ngày 28/3 đến 13/4); tăng cường kiểm tra, giám sát tại 62 chốt, trạm kiểm dịch phòng, chống dịch trên địa bàn (từ ngày 5/4), qua đó phát hiện 305 người có thân nhiệt cao, có 2 người nghi mắc COVID-19 đưa đi cách ly.
Từ ngày 13/4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa vào sử dụng camera ảnh nhiệt để cùng lúc đo thân nhiệt cho nhiều người tại chốt khu vực cầu Đồng Nai, hướng vào Thành phố Hồ Chí Minh, giúp công tác kiểm tra y tế được thực hiện nhanh gọn. Chỉ mất chưa đến 5 giây, toàn bộ người trên ô tô đã được kiểm tra thân nhiệt theo đúng quy định. Trung tâm sẽ phổ biến thiết bị camera ảnh nhiệt tại nhiều chốt chặn kiểm tra y tế khác trên địa bàn.
Theo Sở Y tế, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục giám sát các cửa ngõ thành phố, thực hiện xét nghiệm tầm soát COVID-19 đối với hành khách tại ga quốc nội, ga đường sắt Sài Gòn; gần 7.000 công nhân tại các khu lưu trú của khu công nghiệp, khu chế xuất; gần 3.000 đối tượng có nguy cơ trong cộng đồng.
Cùng với đó, ngành y tế sẽ giám sát chặt chẽ bằng xét nghiệm kiểm tra sau 5 ngày, 14 ngày và tiếp tục cách ly tại nhà đủ 14 ngày đối với người mắc COVID-19 sau xuất viện; xét nghiệm kiểm tra nhóm người tiếp xúc gần có nguy cơ cao và những trường hợp từ nơi khác vào Thành phố, đặc biệt là những trường hợp người nước ngoài.
Không để phát sinh ca bệnh mới
Để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19, thành phố Đà Nẵng đã đưa ra hàng loạt các giải pháp kịp thời; chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc các quy trình đảm bảo an toàn trong các nhà máy, xí nghiệp, công sở và các cơ sở sản xuất; yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát để người dân thực hiện đúng yêu cầu về cách ly xã hội.
Đơn vị chức năng lập các chốt kiểm tra, kiểm soát tại các cửa ngõ thành phố, xây dựng kế hoạch; gấp rút hoàn thiện các điều kiện để nâng cao năng lực hệ thống xét nghiệm chẩn đoán COVID-19, đầu tư máy móc, trang thiết bị tăng cường kiểm soát lây nhiễm, đảm bảo điều kiện phòng, chống lây nhiễm cho cán bộ y tế làm nhiệm vụ; triển khai công tác tiếp nhận, cách ly tập trung, giám sát, rà soát, xét nghiệm, chữa trị.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo thường xuyên trao đổi thông tin qua nhóm trực tuyến nhằm giải quyết kịp thời các trường hợp phát sinh trong quá trình thực hiện. Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã khẩn trương chỉ đạo giải quyết nhiều tính huống cấp bách đem lại kết quả tích cực và được người dân đánh giá cao.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chung sức đồng lòng của người dân trên nhiều phương diện, công tác chống dịch đã có những kết quả tích cực. Ông Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng cho hay: Đã qua 21 ngày, thành phố không có ca lây nhiễm mới. Lượng người nghi ngờ mắc virus SARS-CoV-2 giảm đáng kể. Tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn cơ bản đã được kiểm soát tốt. Đặc biệt, thành phố Đà Nẵng đã công bố khỏi bệnh cho 6/6 bệnh nhân mắc COVID-19 trên địa bàn.
Thành phố tích cực thực hiện công tác an sinh xã hội, hỗ trợ người khó khăn trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ với tổng kinh phí dự kiến 308,731 tỉ đồng. Để đóng góp cho công tác chống dịch, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố đã tích cực ủng hộ với tổng số tiền hơn 5,7 tỉ đồng, 20 tấn gạo và nhiều hàng hóa khác.
Trong thời gian tới, Sở Y tế Đà Nẵng tiếp tục khẩn trương rà soát, đề xuất các giải pháp thực hiện kiểm soát trên diện rộng để phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc COVID-19 trong cộng đồng. Đồng thời, Sở sẽ phối hợp với đơn vị chức năng thông tin chính xác, kịp thời để người dân nắm rõ các chủ trương phòng, chống dịch của Đà Nẵng nhằm nâng cao tính tự giác, ý thức của người dân trong việc phòng, chống dịch.
Bảo đảm nền hành chính thông suốt
Tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện 15 ngày cách ly toàn xã hội một cách an toàn, hiệu quả, việc giải quyết các thủ tục hành chính cho nhân dân được thực hiện trực tuyến, bảo đảm thông suốt.
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho hay: Trong suốt 2 tuần cách ly toàn xã hội, Quảng Ninh không xuất hiện thêm bất cứ ca nhiễm virus SARS-CoV-2 nào. Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, song cũng rất linh hoạt, phù hợp với diễn biến cụ thể của từng giai đoạn dịch bệnh, tỉnh Quảng Ninh đã cơ bản kiểm soát tốt tình hình, không để phát sinh mầm bệnh, ổ dịch, cũng như không để dịch bùng phát, lây lan trong cộng đồng. Đặc biệt, người dân Quảng Ninh đồng thuận với chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, qua đó thể hiện niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền địa phương.
Kể từ ngày 1/4, việc trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh Quảng Ninh được thực hiện qua trực tuyến hoặc qua đường bưu chính công ích. Người dân, doanh nghiệp có thể liên hệ qua đường dây nóng của Trung tâm Phục vụ hành chính công (1900558826) để được hướng dẫn giải quyết thủ tục hành chính.
Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đối với hơn 3.400 thủ tục hành chính ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã), đạt 85%. Trong đó, tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh, 969 thủ tục hành chính được thực hiện trực tuyến mức độ 3 và 185 thủ tục hành chính mức độ 4.
Trong suốt 15 ngày qua, trung bình mỗi ngày, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh chỉ bố trí tối đa 10 cán bộ, nhân viên trực làm việc tại trụ sở cơ quan. Gần 100 cán bộ, nhân viên của các sở, ngành thuộc bộ phận hành chính công làm việc tại nhà qua môi trường mạng, đảm bảo tiến độ thực hiện giải quyết thủ tục hành chính mức độ 3, 4 cho doanh nghiệp, người dân.
Việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến hiện được tất cả các trung tâm hành chính công trên địa bàn tỉnh triển khai mạnh mẽ, đảm bảo không để ngưng trệ việc giải quyết thủ tục hành chính ở bất cứ cấp nào, nhất là đối với những thủ tục cấp bách phục vụ cho đời sống nhân dân và thúc đẩy, hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp, các ngành, lĩnh vực trong giai đoạn khó khăn.
Sự thích ứng, thay đổi chính là cách người dân Quảng Ninh đồng hành cùng chính quyền chống lại dịch bệnh. Trong đó, người dân đã thay đổi cách thức làm việc, học tập từ trực tiếp sang trực tuyến. Từ cán bộ, viên chức, người lao động làm việc qua không gian mạng, giáo viên và học sinh tổ chức dạy, học trực tuyến… đến việc thanh toán hóa đơn, giải quyết thủ tục hành chính mức độ 3, 4 qua mạng…
Người dân Quảng Ninh đã bắt đầu quen với việc đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, chỉ ra đường khi thật sự cần thiết. Các phong trào "Cùng nhau ở nhà”, “Thử thách khi ở nhà”, “14 ngày tập thể dục”, “14 ngày đọc sách”… được cư dân mạng và người dân nhiệt tình hưởng ứng.
Trong suốt 15 ngày qua, đại đa số người dân Quảng Ninh đều thực hiện tốt chủ trương cách ly toàn xã hội, hạn chế ra đường, tập trung đông người. Chính quyền các địa phương đã quyết liệt trong việc xử lý những vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19. Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước tổ chức phiên tòa xét xử nghiêm minh người vi phạm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 với mức phạt 9 tháng tù giam.
Nâng cao ý thức người dân - trách nhiệm cộng đồng
Tại tỉnh Bình Thuận, đa phần người dân đều chủ động nâng cao ý thức phòng, chống dịch COVID-19; các cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, quán bia trên địa bàn thành phố Phan Thiết đã thực hiện tạm đóng cửa. Nhiều quán cà phê, quán ăn chuyển sang hình thức mua bán trực tuyến (online), giao tận nhà hoặc chỉ bán mang về, không phục vụ tại chỗ.
Từ khi triển khai Chỉ thị số 16, tất cả các cơ quan, đơn vị tỉnh Bình Thuận đều thực hiện nghiêm việc bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sử dụng công nghệ thông tin để làm việc tại nhà; chỉ những trường hợp thật sự cần thiết như trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và những nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở; đảm bảo phân công lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương và bộ phận văn thư để kịp thời tiếp nhận và xử lý công việc.
Ghi nhận của phóng viên TTXVN tại trung tâm thành phố Phan Thiết (Bình Thuận), qua 15 ngày triển khai Chỉ thị số 16, việc thực hiện cách ly xã hội cơ bản được bảo đảm; tại các địa điểm thường tập trung đông người với các nhà hàng, quán nhậu như đường Hùng Vương, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng… đã không còn tụ tập đông người; các hàng quán đã chấp hành chủ trương về tạm dừng kinh doanh để phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Nhiều chủ quán ăn, cửa hàng kinh doanh trên địa bàn thành phố Phan Thiết cho biết họ chấp hành theo chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh, thành phố. Tuy có thiệt hại về kinh tế, nhưng họ cũng xác định đây là trách nhiệm với cộng đồng, vì mục tiêu quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh.
Để thực hiện nghiêm Chỉ thị, các phường, xã đã cử cán bộ phối hợp với thôn, khu phố và các hội, đoàn thể đến từng nhà dân tuyên truyền, phát tờ rơi về thực hiện giãn cách xã hội; yêu cầu các điểm kinh doanh mặt hàng không thiết yếu ngừng kinh doanh; không được tập trung đông người…
Lo ngại trước tình trạng một số người dân có tâm lý chủ quan, lơ là, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đã yêu cầu lực lượng công an từ huyện đến cơ sở tăng cường tuần tra, nhắc nhở, xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm. Các xe loa thông tin tuyên truyền phòng chống COVID-19 cũng thường xuyên chạy trên các trục đường trung tâm thành phố Phan Thiết để người dân nắm thông tin và chấp hành.
Thực hiện hiệu quả mục tiêu kép
Chiều 15/4, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ đánh giá tình hình thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg và thảo luận các biện pháp thực hiện cách ly xã hội trong giai đoạn tiếp theo, sau khi nghe ý kiến các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý với kiến nghị của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về việc chia làm 3 nhóm tỉnh, thành phố: nguy cơ cao, nguy cơ và nguy cơ thấp.
Theo đó, Nhóm có nguy cơ cao gồm 12 địa phương (Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình (Trường Yên), Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Hà Tĩnh) sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 22/4 hoặc 30/4 tùy tình hình cụ thể và có thể kéo dài hơn nữa nếu tình trạng có lây nhiễm xảy ra.
Các tỉnh thuộc nhóm nguy cơ (Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Nai, Hà Nam, Hải Phòng, Kiên Giang, Nam Định, Nghệ An, Thái Nguyên, Thừa Thiên - Huế, Sóc Trăng, Lạng Sơn, An Giang, Bình Phước và Đồng Tháp) cần có lộ trình thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg và thực hiện nghiêm Chỉ thị 15/CT-TTg đến ngày 22/4, căn cứ tình hình thực tiễn.
Nhóm nguy cơ thấp gồm các địa phương còn lại tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng nhấn mạnh, cần kiên định chiến lược đề ra là ngăn chặn, phát triển nhanh, cách ly, khoanh vùng thực hiện hiệu quả, kiềm chế, kiểm soát tốc độ lây nhiễm dịch bệnh ở mức thấp nhất, hạn chế tối thiểu tử vong; giảm thiểu tác động đến kinh tế - xã hội; thực hiện hiệu quả mục tiêu kép, đó là vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội để giải quyết việc làm, bảo đảm đời sống người lao động. Chiến dịch phòng, chống dịch hiệu quả và bền vững phải dựa trên cơ sở duy trì được sự liên tục của hoạt động kinh tế ở mức độ nhất định, khơi thông huyết mạch kinh tế, khởi động lại nền kinh tế ngay sau khi chống dịch thành công.