Dù vậy trong trung và dài hạn, ngành chăn nuôi vẫn được đánh giá là có nhiều triển vọng phát triển. Đón đầu cơ hội này, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi vẫn không ngừng mở rộng kinh doanh, đặc biệt những doanh nghiệp lớn có lợi thế nhờ áp dụng mô hình 3F đó là thức ăn chăn nuôi (feed), trang trại (farm), thực phẩm (food).
Triển vọng vẫn tích cực
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), triển vọng tăng trưởng ngành chăn nuôi vẫn tích cực trong trung và dài hạn.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Việt Nam có khả năng sẽ vươn lên vị trí thứ 2 châu Á về tiêu thụ thịt lợn. Việt Nam tiếp tục là một trong số những nước tiêu thụ thịt lợn bình quân đầu người hàng đầu thế giới, đứng thứ ba ở châu Á sau Trung Quốc và Hàn Quốc và được dự báo sẽ vươn lên vị trí thứ 2 vào cuối năm 2021.
Sự phát triển của ngành chăn nuôi lợn thịt Việt Nam là động lực chính của ngành thức ăn trong nước. Dù giá thịt lợn có nhiều áp lực giảm, nhưng vẫn ở mức rất cao so với năm trước.
Sản lượng thịt lợn dự kiến tăng lên 4 triệu tấn vào năm 2025, trước khi đạt mức 4,7 triệu tấn vào năm 2030, tương ứng với tốc độ tăng trưởng bình quân năm 3,1% trong giai đoạn 2021-2030.
Theo dự thảo Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến năm 2030, tổng đàn lợn sẽ thường xuyên được duy trì ở mức từ 29 – 30 triệu con; trong đó, đàn lợn nái từ 2,5 đến 2,8 triệu con; đàn lợn được nuôi trang trại, công nghiệp chiếm trên 70%.
OECD dự báo đối với thị trường gia cầm, sản lượng tiêu thụ trong 10 năm tới tại Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng bình quân 2,9%/năm. Xu hướng tiêu thụ gia cầm trên thực tế vẫn tiếp tục gia tăng tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên, cần lưu ý giá gia cầm trong nước đang chứng kiến xu hướng giảm trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp và giá thức ăn chăn nuôi tăng cao.
Ngành thức ăn chăn nuôi có tốc độ tăng trưởng tương đối cao. Cụ thể, sản lượng thức ăn chăn nuôi cả nước chỉ đạt 8,5 triệu tấn vào năm 2008, tăng lên mức 20,5 triệu tấn vào năm 2020, với tốc độ tăng trưởng bình quân vào khoảng 7,6%/năm.
Về công suất sản xuất, tổng công suất lắp đặt đã tăng từ 12 triệu tấn (năm 2008) lên 40 triệu tấn (năm 2020). Các yếu tố trên giúp Việt Nam đứng thứ 10 thế giới về sản lượng thức ăn chăn nuôi sản xuất công nghiệp.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), trong thời gian tới, cùng với đà phát triển dân số và thu nhập của người dân, quy mô thị trường thức ăn chăn nuôi của Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng 5,06%/năm, từ mức 9,124 tỷ USD vào năm 2019 lên 12,27 tỷ USD năm 2025.
Lợi thế từ mô hình 3F
Các doanh nghiệp lớn trong nước như: Công ty cổ phần Tập đoàn MaSan (mã chứng khoán: MSN), Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG), Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (mã chứng khoán: DCB), Công ty cổ phần Sữa Việt Nam – Vinamilk (mã chứng khoán: VNM)... đều đang chọn hướng phát triển mô hình 3F, hoặc liên kết với các doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi để tạo thành hệ thống chăn nuôi khép kín, từ đó đón lấy cơ hội phát triển.
Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát là doanh nghiệp sản xuất thép, nhưng nhận thấy tiềm năng từ lĩnh vực nông nghiệp nên đã lấn sân sang mảng này. Cụ thể từ năm 2015, Hòa Phát đã bắt đầu đầu tư sản xuất kinh doanh theo chuỗi 3F một cách thận trọng và bài bản; trong đó, Công ty cổ phần Phát triển nông nghiệp Hòa Phát là thành viên quản lý điều hành toàn bộ các hoạt động đầu tư kinh doanh nông nghiệp.
Lãnh đạo Hòa Phát cho biết, doanh nghiệp tập trung vào khâu thức ăn chăn nuôi và trang trại chăn nuôi heo, bò thịt và gia cầm, sau đó, tùy tình hình diễn biến thị trường, Hòa Phát sẽ nghiên cứu đầu tư khâu chế biến, phân phối thực phẩm đến tay người tiêu dùng.
Nhận thấy tiềm năng của ngành nông nghiệp, Hoà Phát đặt mục tiêu 5 năm tới sẽ phát triển doanh thu mảng nông nghiệp gấp đôi năm 2021, dự kiến xấp xỉ 20.000 tỷ đồng, lợi nhuận đặt đạt 1.700 - 1.800 tỷ. Sản lượng thức ăn chăn nuôi 850.000 tấn, 200.000 con bò, 300 triệu quả trứng, 780.000 con lợn thành phẩm trong mỗi năm.
Hiện nay, sản lượng trứng gà sạch của Hòa Phát đạt 750.000 quả/ngày và đã có mặt ở hầu hết hệ thống các siêu thị lớn của Hà Nội.
Còn Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam dù năm nay lợi nhuận giảm so với năm ngoái do giá thịt lợn năm 2020 tăng cao, nhưng kết quả kinh doanh của Dabaco giữa bối cảnh dịch bệnh động vật và dịch COVID-19 diễn biến phức tạp thì vẫn là rất khả quan.
Cụ thể, luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của công ty đạt 8.431 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 579 tỷ đồng. Với kết quả này, doanh nghiệp đã thực hiện được 70% kế hoạch lợi nhuận năm nay. Tuy nhiên, so với con số 750 tỷ đồng đạt được trong cùng kỳ năm ngoái thì sụt giảm gần 23%.
Theo Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), động lực tăng trưởng doanh thu chính của Dabaco tới từ các mảng kinh doanh 3F. BSC cho rằng, tăng trưởng mảng 3F chủ yếu đến từ mảng thức ăn chăn nuôi và mảng nuôi lợn thịt và sản xuất chế biến trứng.
Theo báo cáo của Cục Thú y thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm 2021 đến nay, bệnh dịch tả lơn châu Phi đã xảy ra tại 1.498 của 50 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 93.261 con lợn, cao gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, nhờ quy trình khép kín, chất lượng cao giúp Dabaco không những không bị ảnh hưởng nhiều mà tận dụng được cơ hội để giành lấy thị phần.
Dabaco đặt kế hoạch 5 năm từ 2020-2025 là đạt mốc doanh thu trên 1 tỷ USD, tương đương 25.000-30.000 tỷ đồng. Để thực hiện điều này công ty sẽ tiếp tục mở rộng danh mục đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực cốt lõi gồm các nhà máy thức ăn chăn nuôi, các khu chăn nuôi công nghệ cao tại tỉnh Hòa Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bình Phước… và các dự án chế biến sâu nông sản, thực phẩm.
Một doanh nghiệp tên tuổi trong ngành thực phẩm- bán lẻ là Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (mã chứng khoán: MSN). Đây cũng là doanh nghiệp đầu tư mạnh mô hình nông nghiệp khép kín 3F từ trang trại đến bàn ăn; hoàn thiện chuỗi giá trị tích hợp, kiểm soát chất lượng chặt chẽ từ khâu sản xuất, chế biến đến phân phối sản phẩm.
Việc sản xuất theo mô hình 3F đã giúp doanh nghiệp chủ động trong nguồn nguyên liệu, cung cấp cho các hệ thống siêu thị doanh nghiệp đang sở hữu. Các sản phẩm chăn nuôi của doanh nghiệp có lợi thế rất lớn khi được tích hợp vào chuỗi bán lẻ VinCommerce - công ty con thuộc Masan với gần 2.500 siêu thị và cửa hàng VinMart/VinMart+.
Nhờ chủ động nguồn cung nên từ cuối tháng 7/2021, các nhà máy chế biến thịt sạch của Công ty cổ phần Masan MEATLifev- Công ty con của Masan đã tăng công suất để đảm bảo cung cấp thực phẩm ổn định cho thị trường Tp. Hồ Chí Minh trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, Công ty cổ phần Masan MEATLife cung ứng từ 100.000 - 150.000 hộp thịt mát MEATDeli/ngày, tương ứng từ 35-50 tấn thịt mát/ngày cho thị trường TP Hồ Chí Minh. Đồng thời, doanh nghiệp cũng tăng gấp đôi sản lượng thịt cung cấp cho thị trường tại Hà Nội.
Để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu, Công ty cổ phần Tập đoàn Masan đang sở hữu trang trại nuôi lợn công nghệ cao tại Nghệ An với quy mô 250.000 lợn thịt/năm.
Theo Công ty cổ phần chứng khoán Rồng Việt (VDSC), hệ thống chăn nuôi khép kín 3F sẽ giúp các doanh nghiệp tự chủ được nguồn cung ứng thức ăn chăn nuôi, giúp giảm chi phí và cải thiện biên lợi nhuận; đầu ra được đảm bảo khi được sử dụng cho chính trang trại của doanh nghiệp.
Mô hình 3F là chuỗi cung ứng thực phẩm khép kín từ trang trại đến bàn ăn. Doanh nghiệp kinh doanh có quy mô lớn, có nguồn lực có thể đầu tư kinh doanh từ xây dựng nhà máy sản xuất vật tư nông nghiệp đến xây dựng trang trại sản xuất nông nghiệp, nhà máy chế biến và sở hữu chuỗi cửa hàng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Trước những lợi thế này, nhiều doanh nghiệp có mảng sản xuất kinh doanh nông nghiệp đã chọn mô hình này 3F cho phát triển, tạo được sức cạnh tranh lớn và chiếm lĩnh được thị phần. Theo VDSC, mô hình 3F là hướng đi tốt nhất để các doanh nghiệp nội địa có thể phát triển trong thời gian tới.