Quan trọng hơn là nghề chăn nuôi bò luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện phát triển của các cấp, ngành, chính quyền trong tỉnh từ khâu chăn nuôi đến khâu tiêu thụ. Sau nhiều năm, nghề chăn nuôi bò sữa và bò thịt vẫn là “cần câu cơm” hiệu quả giúp người dân Sóc Trăng bám trụ quê hương, hạn chế di dân lên các thành phố lớn.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, là một địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long có khí hậu nóng ẩm, lại ít bị ngập lũ, thực vật phát triển quanh năm nên Sóc Trăng rất thuận lợi phát triển chăn nuôi bò. Bên cạnh đó, nông dân Sóc Trăng có truyền thống chăn nuôi bò từ khá lâu đời nên là một trong những lợi thế để tỉnh phát triển đàn bò đạt hiệu quả kinh tế cao.
Thực hiện Dự án phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh, giai đoạn từ năm 2013-2020, đến cuối năm 2020, tổng đàn bò sữa của tỉnh Sóc Trăng phát triển lên hơn 10.000 con, tăng hơn 5.300 con với năm 2013. Đàn bò sữa của tỉnh Sóc Trăng được nuôi tập trung tại 5 huyện, thành phố gồm Trần Đề, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, Châu Thành, thành phố Sóc Trăng.
Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, từ nền tảng chăn nuôi bò sữa của Hợp tác xã Nông nghiệp Evergrowth (ấp Chắc Tưng, xã Tài Văn, huyện Trần Đề) nhỏ lẻ đã từng bước chuyển lên phương thức chăn nuôi gia trại. Đến năm 2020 bình quân mỗi nông hộ nuôi từ 5-6 con bò sữa trở lên. Cơ cấu đàn cái sinh sản chiếm 60% và đàn cái vắt sữa chiếm 40% tổng đàn; năng suất sữa đạt 4.500 kg/con/chu kỳ, sản lượng sữa tươi đến cuối năm 2020 đạt 12.530 tấn/năm.
Ông Sơn Hang ở ấp Trà Bết, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên cho biết, ông bắt đầu chăn nuôi bò sữa từ năm 2009 với ban đầu chỉ 1 con bò. Năm 2015, ông tham gia dự án chăn nuôi bò của tỉnh với 3 con bò sữa. Đến nay, gia đình có tổng cộng 18 con bò sữa; trong đó, có 6 con đang vắt sữa, bình quân mỗi ngày thu được 100 kg sữa. Trừ chi phí, mỗi tuần gia đình ông cũng thu được vài triệu đồng. Đây cũng là nguồn thu nhập chính và ổn định của gia đình.
Còn anh Thạch Minh Dương ở ấp Tâm Lộc, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên chia sẻ, trước đây kinh tế gia đình cũng tương đối khó khăn, đến năm 2012 khi bắt đầu đến với nghề nuôi bò sữa, cuộc sống đã bắt đầu được cải thiện và ổn định. Từ 2 con bò sữa ban đầu, đến nay gia đình anh đã phát triển 10 con. So với thu nhập từ trồng màu và làm lúa, chăn nuôi bò sữa hiệu quả và bền vững hơn.
Thông qua dự án phát triển chăn nuôi bò sữa giai đoạn từ năm 2013-2020, người chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng được trang bị kiến thức, kinh nghiệm và phát triển đàn bò sữa theo hướng tăng quy mô, hình thành các nông hộ, trang trại chăn nuôi. Thị trường tiêu thụ sản phẩm sữa tươi ở Sóc Trăng cũng khá rộng, được các doanh nghiệp thu mua, chế biến cung cấp cho toàn quốc. Đây chính là động lực để phát triển chăn nuôi bò sữa trong những năm tới.
Tuy có nhiều thuận lợi nhưng người chăn nuôi bò sữa cũng gặp một số khó khăn. Việc quá lệ thuộc vào một đơn vị thu mua sữa là một khó khăn không nhỏ mỗi khi giá thị trường biến động giảm. Một khó khăn khác là việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho sản phẩm sữa tươi, khi phần lớn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nhất là ở khâu vắt sữa và vệ sinh chuồng trại.
Bên cạnh bò sữa, trong những năm qua, tỉnh Sóc Trăng còn quan tâm phát triển chăn nuôi bò thịt. Tính đến nay, đàn bò thịt của địa phương đạt hơn 44.000 con. Chăn nuôi bò thịt ở Sóc Trăng là ngành chăn nuôi truyền thống, góp phần giải quyết việc làm cho trên 15.000 lao động ở nông thôn, vùng đồng bào dân tộc Khmer, giúp cho người nông dân có thêm thu nhập; góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững và làm tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.
Quan trọng hơn là giúp người lao động gắn kết với sản xuất nông nghiệp địa phương, hạn chế việc di dân vào các thành phố lớn, làm mất cân bằng lao động. Đồng thời, chăn nuôi bò giúp tận dụng được nguồn phế phẩm rơm lúa để làm thức ăn cho đàn bò thịt. Đến nay có hơn 80% hộ nông dân sử dụng rơm làm thức ăn cho bò.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, dự án phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sữa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã mang lại hiệu quả rất tích cực, góp phần chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi, thay đổi phương thức chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, từng bước hình thành nghề chăn nuôi bò sữa, bò thịt theo hướng VietGAP. Từ đó chung tay thực hiện “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”.
Ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng cho biết, chăn nuôi; trong đó có bò sữa và bò thịt là thế mạnh của tỉnh. Thời gian qua, vật nuôi này đã góp phần cải thiện được đời sống cư dân ở vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo và trở thành hộ khá giả.
Ông Vương Quốc Nam nhấn mạnh, trong thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp tục duy trì và phát triển hơn nữa các dự án chăn nuôi bò thịt, bò sữa cho người dân tại các địa phương có điều kiện thuận lợi. Tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp quan tâm, chú trọng đến các mô hình chăn nuôi đạt hiệu quả; có chính sách phù hợp đối với đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc, các tổ hợp tác, hợp tác xã…
Bên cạnh đó, tỉnh tập trung cung cấp giống chất lượng, tập huấn hỗ trợ kỹ thuật, vốn sản xuất, chăn nuôi có quy hoạch từng vùng cụ thể, phù hợp với thổ nhưỡng để phát triển bền vững, hiệu quả. Ngoài ra, tỉnh sẽ nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong triển khai và phát triển dự án chăn nuôi bò sữa, bò thịt.