Bài 1: Cuộc cách mạng đại di dời
Nếu nhìn góc độ kinh tế thị trường, việc hàng nghìn cơ sở chăn nuôi phải di dời hoặc ngưng hoạt động là điều đáng tiếc cho một "thủ phủ chăn nuôi" lớn nhất cả nước. Nhưng nhìn lâu dài, nếu chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường thì buộc phải ngưng hoặc di dời là hoàn toàn phù hợp.
Bất cập, khó khăn
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai, trong những tháng đầu năm 2024, ngành chăn nuôi ở Đồng Nai gặp nhiều khó khăn do tình dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp, giá cả vật tư đầu vào phục vụ chăn nuôi ở mức cao. Trong khi đó, giá bán sản phẩm chăn nuôi ra thị trường ở dưới mức giá thành diễn ra trong thời gian dài, người chăn nuôi bị thua lỗ.
Tổng đàn lợn của tỉnh khoảng 2 triệu con, giảm 4,28% so với cùng kỳ; trong đó chăn nuôi trang trại chiếm hơn 90% tổng đàn và chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm gần 10% tổng đàn. Tổng đàn gà khoảng 21,6 triệu con, tăng 0,46% so với cùng kỳ: trong đó chăn nuôi trang trại chiếm khoảng 91% tổng đàn và chăn nuôi nông hộ chiếm khoảng 9% tổng đàn. Các loại vật nuôi khác như trâu và bò khoảng 112.000 con, dê khoảng 190,000 con, vịt, ngan, ngỗng khoảng 3,4 triệu con, chim cút khoảng 8 triệu con.
Ước sản lượng thịt các loại 6 tháng đầu năm 2024 đạt 368.000 tấn, tăng 7% so với cùng kỳ; trong đó thịt lợn đạt 262.000 tấn, thịt gia cầm đạt 103.000 tấn (thịt gà 90.000 tấn), sản lượng trứng đạt 700 triệu quả, tăng 2,64%.
Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng ngành chăn nuôi Đồng Nai vẫn duy trì và phát triển ổn định. Đồng Nai đã và đang có những kế hoạch nhằm thích nghi và thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi tỉnh theo hướng lâu dài và bền vững.
Đồng Nai được mệnh danh là "thủ phủ" chăn nuôi, với số lượng chăn nuôi thuộc nhóm đầu cả nước, nhưng hiện nay "thủ phủ" chăn nuôi Đồng Nai đang đứng trước cuộc "cách mạng" di dời lớn nhất từ trước tới nay.
Theo ông Trần Lâm Sinh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai, hiện tiến độ thực hiện di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi còn chậm. Một số trang trại chăn nuôi đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại với số vốn lớn, nhưng hiện nay nằm trong khu quy hoạch dân cư, đô thị nhưng hiện các quy hoạch chưa triển khai, chưa có quy hoạch chi tiết và kế hoạch sử dụng đất, tuy nhiên cơ sở này phải thực hiện di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trước ngày 1/1/2025 theo quy định của Luật Chăn nuôi, gây lãng phí nguồn lực xã hội và của người dân, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
Thấy được những bất cập khó khăn đó, ngày 30/7/2021, HĐND tỉnh Đồng Nai ban hành Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND buộc hơn 3.000 cơ sở chăn nuôi nằm rải rác trong các khu dân cư phải di dời hoặc ngưng chăn nuôi. Với mục đích là bảo vệ môi trường, thực hiện Luật Chăn nuôi có hiệu lực từ năm 2020, Nghị quyết ban hành nhằm xử lý triệt để những trang trại gây ô nhiễm môi trường, nghiêm cấm hành vi chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư. Cụ thể hơn là đến ngày 24/02/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định Quyết định số 296/QĐ-UBND phê duyệt danh sách các cơ sở chăn nuôi phải di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi.
Sau khi Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định Quyết định số 296/QĐ-UBND, các địa phương trong tỉnh Đồng Nai đã xây dựng kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện. Cụ thể là toàn tỉnh có 3.006 cơ sở chăn nuôi phải di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi; trong đó, có 2.145 cơ sở di dời, 861 cơ sở ngưng chăn nuôi, lộ trình thực hiện chậm nhất là trước ngày 1/1/2025.
Theo báo cáo của các địa phương, tính đến thời điểm hiện nay có 1.549 cơ sở đã di dời, ngưng chăn nuôi, đạt tỷ lệ 51,53% so với lộ trình đến 31/12/2024; trong đó có 1.541 cơ sở ngừng chăn nuôi, 8 cơ sở di dời, chủ yếu di dời từ khu dân cư vào các khu vườn rẫy xa khu dân cư để tiếp tục chăn nuôi.
Cũng theo thông tin từ các địa phương, về chính sách hỗ trợ di dời, tính đến thời điểm hiện nay chưa có cơ sở nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ chính sách di dời. Lý do chủ yếu là các cơ sở ngưng chăn nuôi, còn đối với các cơ sở di dời, chủ yếu di dời từ khu dân cư vào các khu vườn rẫy xa khu dân cư để tiếp tục chăn nuôi theo quy mô nông hộ không đủ điều kiện được hỗ trợ theo quy định.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo rà soát điều chỉnh, bổ sung các cơ sở thuộc diện di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi.
Cùng vào cuộc
Ông Thái Bảo, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai cho biết, Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND được xây dựng dựa trên các quy định của Luật Chăn nuôi 2018. Theo đó, đến trước ngày 1/1/2025 người chăn nuôi phải chấm dứt hoạt động chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, nhiều địa phương đã gặp một số khó khăn, vướng mắc. Do đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai ban hành kế hoạch Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Theo kế hoạch này, Tỉnh ủy Đồng Nai lập 10 đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở chăn nuôi. Mục đích là kiểm tra các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm đang hoạt động trên địa bàn tỉnh nhằm đánh giá 1 năm thực hiện chủ trương di dời các cơ sở chăn nuôi không phù hợp quy hoạch và ngăn ngừa ô nhiễm môi trường; khảo sát, đánh giá các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường tại các cơ sở chăn nuôi; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, tăng cường sự lãnh đạo và vai trò, trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với công tác bảo vệ môi trường.
Thực hiện theo kế hoạch, mới đây vào ngày 24/7/2024, Đoàn kiểm tra số 3 của Tỉnh ủy Đồng Nai do Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn làm trưởng đoàn đi kiểm tra chăn nuôi tại thành phố Long Khánh. Đoàn đã đi kiểm tra 2 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm, đó là trại lợn của bà Luyện Tố Trân ở ấp Hàng Gòn, xã Hàng Gòn và Trại gà của ông Vương Quang Dũng ở khu phố Phú Mỹ, phường Xuân Lập, cả hai cơ sở chăn nuôi đều thuộc diện phải di dời.
Bà Luyện Tố Trân cho biết, cơ sở chăn nuôi lợn nằm trong vùng quy hoạch đất nông nghiệp khác, có giấy phép môi trường cấp năm 2015, hiện có 950 con lợn thịt, nuôi gia công cho Công ty TNHH Sunjin Vina. Nước thải của cơ sở từ quá trình chăn nuôi được thu gom, xử lý, tái sử dụng tưới cây; phân được định kỳ hốt, đóng bao bán cho nhà vườn để bón cây trồng. Theo quy định mới, cơ sở chăn nuôi này phải có giấy phép môi trường do tỉnh cấp trước ngày 1/1/2025.
Còn ông Vương Quang Dũng cho biết cơ sở có khoảng 18 ngàn con gà đẻ, không phát sinh nước thải từ hoạt động chăn nuôi, phân gà được định kỳ hốt bán cho nhà vườn bón cây, đã lắp đặt điện mặt trời phục vụ trại lạnh giúp tiết kiệm 30-40% điện. Cơ sở chăn nuôi nằm trên khu vực quy hoạch sử dụng đất ở, thuộc diện phải di dời trước ngày 31/12/2024.
Theo thông tin từ thành phố Long Khánh, trên địa bàn hiện có khoảng 1.380 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm. Thực hiện Quyết định số 296/QĐ-UBND ngày 24/2/2023 của UBND tỉnh, đã có 127/143 cơ sở ngưng chăn nuôi, di dời, đạt tỷ lệ 89%. Thành phố chưa ghi nhận trường hợp gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí di dời cơ sở chăn nuôi.
Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn cho biết, quá trình đi kiểm tra đoàn ghi nhận ý kiến, kiến nghị của các cơ sở chăn nuôi, sau đó tổng hợp, xem xét và đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh có chính sách quản lý phù hợp. Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng đề nghị các sở, ngành và chính quyền thành phố hướng dẫn, giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật về giấy phép, bảo vệ môi trường.
Bài cuối: Có lộ trình phù hợp