Di dời các bè cá trên sông Cái Vừng để hạn chế rủi ro

Liên quan đến việc cá nuôi trong các lồng, bè của một số hộ dân ở khu vực sông Cái Vừng bị chết hàng loạt, ông Trần Phùng Hoàng Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang cho biết, trong chiều 7/2, Chi cục đã có buổi làm việc với lãnh đạo huyện Phú Tân và thị xã Tân Châu cùng các hộ dân nuôi cá lồng, bè trên sông Cái Vừng để giải thích về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cá nổi đầu và chết hàng loạt trong ngày 5 và 6/2 vừa qua.

Chú thích ảnh
Người dân bơm nước tạo oxy cung cấp cho các bè cá để giảm thiểu thiệt hại trong thời gian chờ di dời bè cá đến khu vực nuôi mới.

Đồng thời, Chi cục khuyến cáo các hộ dân di dời các bè cá trên sông Cái Vừng để hạn chế rủi ro.

Theo ông Tuấn, đến chiều ngày 7/2, cá nuôi trong các lồng, bè trên sông Cái Vừng khu vực từ km số 3,5 đến km số 10 thuộc địa bàn phường Long Sơn - thị xã Tân Châu và xã Long Hòa – huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) đã không còn hiện tượng nổi đầu và chết. Tuy nhiên, hiện đang vào cao điểm mùa khô, mực nước trên sông Cái Vừng sẽ tiếp tục giảm sâu. Do đó, môi trường nuôi cá sẽ có nhiều thay đổi, không thuận lợi cho việc nuôi cá tập trong các lồng, bè với mật độ cao.

Để giảm thiệt hại cũng như rủi ro có thể tiếp tục xảy ra cho người nuôi cá, Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang khuyến cáo các địa phương tổ chức vận động và hỗ trợ bà con di dời lồng, bè cá vào vùng quy hoạch hoặc đến khu vực sông có nguồn nước và tỷ lệ oxy hòa tan trong nước tốt hơn.

Các địa phương hướng dẫn kỹ thuật cho hộ nuôi tăng cường sức đề kháng, chống sốc cho cá; đặc biệt chú ý cung cấp oxy hạt, tăng cường máy đạp nước cung cấp oxy cho bè nuôi cá. Phòng Tài nguyên Môi trường thường xuyên theo dõi, giám sát môi trường nước trong khu vực nuôi cá để kịp thời thông tin, khuyến cáo người nuôi.

Chú thích ảnh
 Cá nuôi trong bè của một số hộ dân thuộc xã Long Hòa, huyện Phú Tân bị chết hàng loạt. 

Theo báo cáo của huyện Phú Tân và thị xã Tân Châu, đến sáng 8/2, bà con ở xã Long Hòa (huyện Phú Tân) đã tiến hành di dời được 32/124 lồng, bè nuôi cá qua bên bờ sông Tiền thộc khu vực tỉnh Đồng Tháp. Một số hộ nuôi khác, do cá đã lớn nên tranh thủ thu hoạch (cá thương phẩm chưa bị ảnh hưởng) bán cho thương lái để hạn chế thiệt hại. 

Trước đó, như đã thông tin, từ ngày 5 đến 6/2, người dân nuôi cá lồng, bè ở phường Long Sơn – thị xã Tân Châu và xã Long Hòa – huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) lo lắng khi cá nuôi trong các lồng, bè tự nhiên nổi đầu rồi chết. Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang, số cá chết khoảng hơn 26 tấn.

Chú thích ảnh
Cá nuôi trong bè của một hộ dân thuộc xã Long Hòa, huyện Phú Tân bị chết hàng loạt.

 Sông Cái Vừng là nhánh sông nối hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp, nơi đây có hàng chục hộ dân của hai tỉnh đã sống bằng nghề nuôi cá trong lồng, bè trên sông. Những năm mực nước thấp, cá nuôi trong lồng bè luôn bị chết. Đỉnh điểm là dịp cận Tết Bính Thân 2016, hàng nghìn tấn cá nuôi trong bè của các hộ nuôi thuộc xã Long Hòa, xã Phú Lâm huyện Phú Tân và các xã thuộc huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp cũng bị chết đột ngột làm nhiều hộ dân trắng tay. Nguyên nhân do mực nước trên sông Cái Vừng xuống thấp, kết hợp dòng chảy yếu tạo nên hiện tượng thiếu oxy cục bộ.

Tin, ảnh: Công Mạo (TTXVN)
Cá chết nổi trắng hồ Đại An là do thiếu ô xy nghiêm trọng
Cá chết nổi trắng hồ Đại An là do thiếu ô xy nghiêm trọng

Ngày 15/11, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Trị nhận định nguyên nhân cá chết ở hồ Đại An, thành phố Đông Hà vào ngày 7/11.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN