Để đối phó với những thách thức này, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân mà điển hình là Nghị quyết 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Mặc dù vậy, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nên Chính phủ đã có sự chuyển hướng để thích ứng với dịch bệnh. Trong bối cảnh đó cần thực hiện nhiều chính sách linh hoạt để có thể vừa thích ứng an toàn với dịch bệnh nhưng vẫn tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh hiệu quả. Trao đổi về vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Quốc Việt, Viện phó Viện Nghiên cứu Chính sách kinh tế (VEPR) trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Thưa ông Trần Văn Việt, ông đánh giá như thế nào về các chính sách hỗ trợ của Chính phủ trong thời gian vừa qua?
Từ khi dịch COVID-19 xảy ra, Chính phủ đã đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp bằng nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau. Đây là các chính sách khá trúng và tương đối kịp thời. Các giải pháp, chính sách trên đã kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, ổn định xã hội, duy trì phát triển kinh tế, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và Chính phủ, được cộng đồng trong nước và quốc tế đánh giá cao.
Cụ thể, ngày 29/5/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch COVID-19.
Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Bên cạnh chính sách an sinh xã hội, Chính phủ cũng có chính sách hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp như tập trung vào các biện pháp miễn, giảm, giãn thuế, phí và nợ của doanh nghiệp. Điển hình là Nghị định 52/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 19/4/2021 về việc tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất trong năm 2021. Quy mô giãn nộp thuế khoảng 115.000 tỷ đồng. Ðây là lần thứ ba Chính phủ hỗ trợ về thuế trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh. Cách triển khai cũng được thay đổi theo hướng đẩy nhanh tốc độ hỗ trợ khi mà người nộp thuế chỉ cần gửi giấy đề nghị gia hạn một lần cho toàn bộ các kỳ của các sắc thuế.
Đặc biệt gần đây Chính phủ có ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, Hợp tác xã, Hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19. Nghị quyết quy định một số giải pháp khá quyết liệt nhằm bảo vệ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trước tác động tiêu cực của dịch bệnh. Nghị quyết phát huy vai trò chung của Nhà nước, đồng thời nêu cao tinh thần đoàn kết tự lực tự cường của doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh kiên quyết không để đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, cung ứng lao động.
Mặc dù Chính phủ đã nhiều giải pháp, nhưng nhiều nhiều chính sách vẫn chậm đi vào thực hiện khiến tác dụng chưa đến được với các doanh nghiệp thực sự khó khăn.
Các chính sách liên quan đến phòng chống dịch bệnh thời gian đầu có lúng túng, cứng nhắc theo mục tiêu “không COVID” do vậy gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong đợt bùng phát dịch COVID-19.
Thủ tướng Chính phủ đã xác định chuyển hướng chiến lược phòng chống dịch COVID -19 sang sống chung và an toàn với dịch; trong đó nhấn mạnh lấy kinh tế là cơ sở, nền tảng. Theo ông, để làm được điều này, chúng ta cần thực hiện những nội dung trọng tâm gì?
Thích ứng linh hoạt với dịch bệnh COVID-19 tức là Nhà nước, người dân và doanh nghiệp sẽ chuyển trạng thái phản ứng mang tính bị động, cứng nhắc thành chủ động, linh hoạt với dịch COVID-19 đây cũng là kinh nghiệm của các nước châu Âu nói chung và các nước tương đối thành công ở châu Á; trong đó có cả Singapore.
Chính phủ xác định sống chung và sản xuất an toàn với dịch COVID-19 tức là đang nói đến mục tiêu kép, nhưng để thực hiện mục tiêu kép, theo tôi Chính phủ cũng phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để chuyển trạng thái sản xuất kinh doanh an toàn và hiệu quả.
Giải pháp trước hết là an toàn để khắc phục những khó khăn do tác động của dịch COVID-19. Dựa trên khung hướng dẫn do Bộ Y tế, các địa phương cần xây dựng kịch bản ứng phó cụ thể, mang tính chủ động, linh hoạt dựa trên phân tích khoa học các nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Theo tôi, điều đầu tiên là cần bao phủ vaccine mũi 1 và mũi 2 cho người lao động trong các doanh nghiệp, coi họ là lực lượng tuyến đầu sản xuất. Cùng với đó là giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp, thậm chí giao cho người lao động tự xét nghiệm.
Bên cạnh đó, cần có giải pháp bảo vệ việc duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong điều kiện có tác động của dịch COVID-19.
Chính phủ và các địa phương cũng cần có giải pháp để thúc đẩy lao động quay trở lại làm việc. Đây là giải pháp đã được kiểm nghiệm thực tế ở châu Âu. Tại châu Âu, các chính phủ đã tập trung hỗ trợ doanh nghiệp duy trì lao động hoạt động thay vì để doanh nghiệp đóng cửa và phá sản.
Ở Việt Nam, theo tôi nên thực hiện đưa đón công nhân an toàn tại các vùng kinh tế trọng điểm như ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Đồng thời cũng tạo điều kiện cho người lao động yên tâm ở lại địa bàn để sản xuất kinh doanh. Tiếp tục có hỗ trợ về an sinh – xã hội cho gia đình khắc phục các khó khăn do dịch bệnh phát sinh các chi phí sinh hoạt.
Ngoài ra, một giải pháp vô cùng quan trọng đó là giải pháp về hỗ trợ vốn. Việc hỗ trợ này giúp duy trì dòng vốn lưu động. Một trong những biện pháp hỗ trợ mà nhiều doanh nghiệp phản ánh, kiến nghị là giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng, bởi lãi suất cho vay vẫn cao, thủ tục tiếp cận vốn còn nhiều khó khăn.
Cùng với đó cần xem xét các chính sách hỗ trợ đặc thù liên quan tới quá trình phục hồi của các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh như: Thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn, cắt, giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân…
Thưa TS. Trần Quốc Việt, ngoài chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ, theo ông, các doanh nghiệp cần thực hiện những giải pháp gì để có thể khôi phục sản xuất kinh doanh và thích ứng trong điều kiện dịch bệnh?
Đúng là ngoài các chính sách hỗ trợ của Chính phủ thì bản thân các doanh nghiệp cũng cần có các chính sách để thích ứng với đại dịch COVID-19. Trong phối hợp với chính quyền thì doanh nghiệp cũng phải thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về "5 thật" là: nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thành quả thật.
Doanh nghiệp cũng cần chủ động các giải pháp quản trị rủi ro tốt hơn nhất là về chuỗi cung ứng, về nguyên liệu đầu vào do có nguy cơ tăng giá thị trường các yếu tố sản xuất.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến trách nhiệm theo pháp luật đảm bảo quyền lợi/sức khỏe của người lao động, chú trọng cả khía cạnh an sinh xã hội gia đình người lao động.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần có trách nhiệm xã hội trong các hoạt động cộng đồng như hợp tác công tư trong xây dựng các khu đô thị, khu giãn dân dành cho người lao động.
Xin cảm ơn ông!