Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng, những năm qua, tỉnh Hải Dương đã ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Bên cạnh thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, tỉnh triển khai 1 số chính sách riêng: hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới, thực hiện đề án hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, Đề án nâng cao năng suất chất lượng, sản phẩm hàng hóa giai đoạn 2013-2020… Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã đạt kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tại Hải Dương ngày càng lớn mạnh. Trong 9 tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh COVID-19, kinh tế tỉnh vẫn có những điểm sáng. Thu ngân sách nhà nước tăng 15% so cùng kỳ, có thêm 1.066 doanh nghiệp thành lập mới. Đến nay toàn tỉnh có 16.950. doanh nghiệp.
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp đã có nhiều ý kiến phản ánh, kiến nghị, đề xuất ở 9 nhóm lĩnh vực; trong đó, nhấn mạnh vào khó khăn sản xuất do tình hình lưu thông hàng hóa bị gián đoạn, thiếu hụt lao động, việc tiêm vaccine vẫn còn hạn chế, tỷ lệ lao động được tiêm 2 mũi vaccine còn thấp.
Theo phản ánh của một số doanh nghiệp, thời gian xin hồ sơ nhập cảnh đối với chuyên gia nước ngoài hiện nay vẫn còn kéo dài. Nhiều doanh nghiệp phải chi thêm 1 số khoản cho người lao động trong giai đoạn dịch, dẫn đến tăng gánh nặng về chi phí. Cùng với đó là tình trạng tồn đọng đầu ra, tăng chi phí lưu kho, kéo dài vòng quay vốn, đơn hàng giảm nghiêm trọng, nhập khẩu nguyên liệu khó khăn, vận chuyển đường biển tắc nghẽn, nhiều đơn hàng phải hủy hoặc lùi ngày giao.
Các ý kiến của doanh nghiệp cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo có biện pháp thống nhất trong chống dịch, thuận lợi cho lưu thông hàng hóa; ưu tiên cho những doanh nghiệp có nhiều lao động để sớm nhất tiếp cận vaccine; giảm thời gian cách ly đối với chuyên gia Trung Quốc khi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine; tìm nguồn cung ứng cho doanh nghiệp; tạo điều kiện cho doanh nghiệp chậm nộp thuế, miễn giảm có thời hạn nộp thuế; giảm tối đa lãi suất, giãn, khoanh nợ đối với một số khoản vay…
Đại diện doanh nghiệp kiến nghị đối với cấp ủy, chính quyền có những giải pháp để hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển thời gian tới, cải cách thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, chứng nhận sản phẩm, triển khai đồng bộ chuyển đổi số... Theo ông Phạm Văn Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn An Phát Holdings, xuất phát từ thực tế triển khai hoạt động của doanh nghiệp, đề nghị tỉnh sớm có chính sách tích hợp thủ tục hành chính để việc triển khai dự án đầu tư được nhanh chóng.
Bà Trương Tú Phương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Đại An cho rằng Hải Dương nên xem xét tổng kết 20 năm thu hút đầu tư nước ngoài từ đó có giải pháp để thu hút thêm thêm nhiều doanh nghiệp vào đầu tư vào tỉnh; mặt khác, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cần song song quan tâm hơn đến việc xây dựng các hạ tầng đồng bộ phục vụ nhu cầu của công nhân các khu công nghiệp.
Đại diện lãnh đạo các sở, ngành đã thông tin, chia sẻ và giải đáp những thắc mắc của doanh nghiệp.
Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng khẳng định: Hải Dương trân trọng cảm ơn các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân vì những đóng góp trong thời gian qua, đặc biệt là những hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19 và tiếp thu các ý kiến, đề xuất có giá trị tại cuộc gặp mặt. Lãnh đạo tỉnh giao Uỷ ban Nhân dân tỉnh tổng hợp, phân loại các ý kiến để đề xuất Trung ương hoặc sớm tiếp thu, trả lời, giải quyết những đề nghị thuộc thẩm quyền.
Về các ý kiến của doanh nghiệp, ông Phạm Xuân Thăng cho biết, trước chỉ đạo mới của Chính phủ về chống dịch là chuyển tư duy từ “zero COVID-19” sang thích ứng linh hoạt, kiểm soát an toàn với dịch COVID-19, Hải Dương sẽ có những điều chỉnh phù hợp để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi, phát triển.
Tỉnh cam kết trong tháng 10, sẽ bao phủ vaccine phòng COVID-19 cho cơ bản số chuyên gia, người lao động, công nhân trong các doanh nghiệp với tỷ lệ 80%. Thời gian qua, tỉnh nỗ lực bằng nhiều biện pháp để có vaccine, đến nay Hải Dương đã tiêm 800 nghìn liều vaccine và dự kiến đến 20/10, con số này sẽ đạt 1 triệu liều, ưu tiên cho lực lượng lao động trong khu công nghiệp, doanh nghiệp đông công nhân… Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đang rà soát lại các quy định phòng, chống dịch để điều chỉnh theo hướng mở hơn nhưng vẫn phải kiểm soát tốt. Để tạo thuận lợi cho việc đi lại của người lao động, chuyên gia làm tại các doanh nghiệp, tỉnh sẽ rà soát lại các quy định liên quan để giảm tối đa thủ tục hành chính và thời gian cách ly đối với những người nước ngoài đã tiêm vaccine.
Theo ông Phạm Xuân Thăng, hiện số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hải Dương xếp thứ 47/63 cả nước, nhiều chi phí phi chính thức còn cao… Tỉnh Hải Dương sẽ quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, xem đây là khâu đột phá để phát triển kinh tế, thu hút đầu tư. Hải Dương đang xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong thực hiện thủ tục đầu tư theo tinh thần 5 rõ (rõ việc, rõ người, rõ tiến độ, rõ hiệu quả, rõ trách nhiệm); tập trung hoàn thành quy hoạch để quản lý nguồn lực cho đầu tư phát triển trong năm 2021. Tỉnh cũng sẽ tiếp tục điều chỉnh bổ sung 1 số cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về đất đai, lãi suất vay ngân hàng, xúc tiến thương mại, chuyển đổi số…
Hiện nay, Hải Dương đã thành lập tổ công tác của Uỷ ban Nhân dân tỉnh chuyên tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư. Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng khẳng định tỉnh sẽ quyết liệt trong đổi mới, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư để nắm bắt sự chuyển dịch dòng đầu tư từ một số quốc gia khu vực Đông Á. Hiện với việc triển khai các khu công nghiệp mới, tỉnh đang có trên 800 ha đất sạch để đón các nhà đầu tư.
Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng đã gửi thư chúc mừng các doanh nhân trên địa bàn tỉnh nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam.