Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, qua 9 tháng năm 2021, cả nước có 85,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, lại có 90,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 15,3% so với cùng kỳ.
Đây là lần đầu tiên, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường nhiều hơn số doanh nghiệp được thành lập mới. Việc bình quân một tháng có khoảng 10 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường đã và đang gây bao hệ lụy cho nền kinh tế; cản trở những nỗ lực phấn đấu của toàn hệ thống chính trị trong việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra.
Cùng với nhiều chủ trương, chính sách được ban hành như Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Nghị quyết 105/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 9/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục tạo điều kiện để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch và dần phục hồi trong trạng thái bình thường mới.
Nghị quyết 105 đã xác định đối tượng thụ hưởng và nhận hỗ trợ là khu vực doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Đây là đối tượng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách Nhà nước, kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, xoá đói giảm nghèo; đồng thời, còn là mắt xích quan trọng trong mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị và là lực lượng nòng cốt tạo ra của cải, vật chất xã hội.
Qua khảo sát mới thực hiện của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dù mới được ban hành ngày 9/9, nhưng qua các kênh truyền thông đại chúng và mạng xã hội, đã có 91,5% hiệp hội doanh nghiệp, Liên minh Hợp tác xã và đông đảo cộng đồng doanh nghiệp biết đến Nghị quyết này. Nhiều ý kiến phản hồi đánh giá cao các nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết đưa ra với kỳ vọng sẽ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và các hợp tác xã, hộ kinh doanh một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo, với các giải pháp và nhiệm vụ quan trọng đề ra theo nội dung Nghị quyết 105, các đơn vị trực thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần bám sát, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, tư vấn, hỗ trợ và hướng dẫn kịp thời cho các hợp tác xã nắm bắt thông tin, chủ động tiếp cận và thực hiện đúng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; cũng như triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước do các cấp, các ngành ở Trung ương và địa phương thực thi theo quy định này. Bởi hơn lúc nào hết, đây chính là phương cách thiết thực, giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhanh chóng tháo gỡ kịp thời những vướng mắc để bắt kịp xu hướng phục hồi chung của toàn nền kinh tế trong thời điểm nước sôi lửa bỏng như hiện nay.
Từ thực tiễn của doanh nghiệp, ông Huỳnh Văn Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dệt may 29-3 (Đà Nẵng) đánh giá rất cao động thái kịp thời của Chính phủ khi ban hành tiếp Nghị quyết 105/NQ-CP. Tuy nhiên, theo ông Chính, giữa văn bản và thực tiễn triển khai luôn có những vấn đề đặt ra mà cộng đồng doanh nghiệp hết sức quan tâm. Chủ trương thì đã có, song về địa phương và việc thực thi của các cấp, ngành tại cơ sở cũng phải thực sự công khai, minh bạch và rõ ràng, tránh sự chậm trễ, nhiêu khê, gây phiền hà cho doanh nghiệp.
Cụ thể như vấn đề lãi suất vay ngân hàng hay việc giãn nợ, ông Chính đề xuất Quốc hội và các cấp, ngành tiếp tục cân đối tài chính, công khai các khoản cho vay theo chính sách. Bởi dù nghe nói có mấy nghìn tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp, song phía ngân hàng thương mại lại tự huy động, tự cho vay nên không có thực tế cụ thể, rõ ràng để trả lời doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc giãn nợ cũng nên kéo dài tới cuối năm sau vì trong tình hình hiện nay vẫn đang phải bù chi là chủ yếu. Ông Chính đề nghị khung giãn nợ kéo dài thêm 1 năm tới ngày 31/12/2022 để trong khung khổ ấy, doanh nghiệp có thể trả dần, tránh dồn toa đến cuối cùng lại trở thành nợ quá hạn thì sẽ rất nguy hiểm.
Thuế và tiền thuê đất mặc dù chủ trương giảm 30% hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng trong bối cảnh khó khăn hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét giảm tiếp đến hết năm 2022. Hay như tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, cũng cần sự ưu đãi, hỗ trợ công bằng, giảm đều cho tất cả các doanh nghiệp không phân biệt quy mô, loại hình hoạt động vì "thuyền to, sóng lớn, thiệt hại nhiều".
Đồng tình với quan điểm của doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) ghi nhận tính bao trùm, tổng thể và nhiều nội dung thiết thực của Nghị quyết 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh. Tuy nhiên, ông Lộc mong muốn có những giải pháp cụ thể hơn, những đề án của các bộ, ngành kèm theo, để việc triển khai Nghị quyết và việc thực thi chính sách hỗ trợ khi về các địa phương, cơ sở các cấp sẽ được dễ dàng, thuận lợi và nhanh chóng hơn giúp doanh nghiệp.
Trong tình cảnh doanh nghiệp đang trông đợi hàng ngày, hàng giờ, “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, thì chính sách được ban hành sớm 1 ngày sẽ giúp hàng trăm, hàng nghìn doanh nghiệp được "cứu sống"; ban hành chậm một ngày thì hàng trăm, hàng nghìn doanh nghiệp có thể đã ra đi. Ông Lộc bày tỏ kỳ vọng, Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm đôn đốc và giám sát thực hiện việc thực thi chính sách, không chỉ Nghị quyết 105 mà kể cả các gói giải pháp khác đã ban hành giúp doanh nghiệp nhanh chóng được tiếp cận, sớm ổn định và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh như trước đây.