Để giảm bớt sức nóng cho thị trường lợn hơi và thịt lợn, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo đẩy nhanh tái đàn lợn. Trước mắt, trên cơ sở chuồng trại đã có trước dịch, nhất là đối với cơ sở chăn nuôi khép kín, tỉnh yêu cầu đẩy mạnh hết công suất chăn nuôi để cung cấp lợn giống thương phẩm cho các cơ sở chăn nuôi, đặc biệt đối với các các cơ sở có chăn nuôi lợn giống ông bà tăng cường việc sản xuất lợn nái và đực giống cấp bố mẹ để cung cấp lợn giống cho các cơ sở có nhu cầu.
Đối với trang trại chăn nuôi chưa khép kín, chưa chủ động sản xuất được con giống thì từng bước thực hiện gây nuôi lợn nái sinh sản để chủ động sản xuất con giống, trước mắt khai thác nguồn giống tại các cơ sở chăn nuôi tập trung và các doanh nghiệp sản xuất con giống.
Về lâu dài, tỉnh yêu cầu các địa phương tập trung rà soát toàn bộ các cơ sở chăn nuôi lợn nái, đánh giá, phân loại các cơ sở đáp ứng các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học để có tư vấn, định hướng cụ thể về phát triển đàn lợn tại địa phương; tổ chức kết nối với các doanh nghiệp và các trang trại sản xuất lợn giống bố mẹ để cung ứng con giống cho các cơ sở chăn nuôi đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học...
Tỉnh Phú Thọ cũng đề nghị, các doanh nghiệp có trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh, như Tập đoàn DABACO, Công ty TNHH Minh Hiếu, Công ty TNHH Nhà Vàng Yên Sơn, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, Công ty TNHH Japfa comfeed,...và các trang trại chăn nuôi lợn ông bà, bố mẹ ưu tiên cung ứng nguồn lợn nái sinh sản cấp bố mẹ và lợn giống nuôi thương phẩm đáp ứng nhu cầu của các hộ chăn nuôi trên địa bàn.
Ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi lợn tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng, thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học; đồng thời khuyến cáo phát triển các loại vật nuôi khác như gà, vịt, bò thịt... chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ đa dạng của người dân và bù đắp một phần thiếu hụt thịt lợn.
Tỉnh đề mục tiêu đề ra, trong năm 2020 phải đạt tổng đàn 700.000 con; trong đó, đàn lợn nái đạt 75.000 con, tổng sản lượng lợn thịt đạt 125.000 tấn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ, hiện nay, đàn lợn đang có dấu hiệu dần phục hồi sau bệnh dịch tả lợn châu Phi, nhưng tốc độ phát triển tổng đàn còn chậm; giá lợn hơi được điều chỉnh giảm nhưng vẫn ở mức cao, người chăn nuôi đang tái đàn nhưng gặp khó khăn về con giống, tổng đàn lợn ước đạt 629.600 con, giảm 25,3%.
Nhiều thương lái cho biết, hiện nay, số lượng lợn nuôi trong dân không còn nhiều; tại các trại nuôi gia công của các doanh nghiệp, số lượng lợn thịt cũng giảm đáng kể khiến việc thu mua lợn gặp rất nhiều khó khăn.
Việc hiếm lợn thịt còn do một số thương lái thu mua gom lợn trong dân để bán sang thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch do phía Trung Quốc đang thu mua với giá rất cao.
Ông Nguyễn Tất Thành, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Thọ cho biết, cùng với việc lo sợ nguy cơ tái phát bệnh dịch tả lợn châu Phi, giá lợn giống đang tăng rất cao khiến người chăn nuôi chưa mạnh dạn đầu tư tái đàn. Giá con giống cao một phần là do sau đợt bệnh dịch tả lợn châu Phi năm vừa qua, khiến đàn lợn bố mẹ, ông bà, cụ kỵ thiếu hụt trầm trọng, phần khác là do các hộ chăn nuôi, doanh nghiệp còn đàn giống giữ lại để tiếp tục gây nuôi khiến người chăn nuôi nhỏ lẻ khó mua con giống.
Hiện nay, giá lợn giống tại các doanh nghiệp đang có giá khoảng 3,1 đến 3,2 triệu đồng/con 7kg; 4 triệu đồng/con 10 kg. Lợn giống thậm chí lên đến 12 đến 15 triệu đồng/con lợn nái; 7 đến 10 triệu đồng/con đối với lợn đực.