Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Giảm áp lực về nguồn cung đàn lợn giống 

Giá lợn hơi trên thị trường tăng cao cũng khiến giá lợn con giống tăng mạnh. Cùng với đó, việc khuyến khích đẩy mạnh tăng đàn, tái đàn cũng góp phần đẩy nhu cầu con giống lên.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, ngành đang đẩy mạnh nhiều giải pháp để tăng nguồn cung con giống trên thị trường.

Chú thích ảnh
Giá lợn giống cao khiến hộ chăn nuôi tái đàn cầm chừng. Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, tháng 5,6,7/2019 là những tháng chăn nuôi lợn bị thiệt hại nghiêm trọng nhất do dịch tả lợn châu Phi, thậm chí có tháng tiêu hủy trên 1,2 triệu con lợn. Do đó, thời điểm đó, cơ bản các doanh nghiệp, trang trại, hộ chăn nuôi không thực hiện phối giống. Với chu kỳ, thời gian sinh trưởng của con lợn nên hiện giá lợn thịt tăng cao.

Từ tháng 8/2019, một số doanh nghiệp, trang trại mới mắt đầu cho phối giống nên dự kiến quý III, IV/2020 nguồn cung thịt lợn sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu.

Để tăng nguồn cung con giống, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết có 3 giải pháp. Thứ nhất là các tỉnh, thành phố đã có nhiều chính sách hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn, đặc biệt là hỗ trợ trong đầu tư đàn giống bố mẹ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá rất cao các tỉnh, thành phố đã có cơ chế chính sách hỗ trợ cho đàn lợn nái, lợn đực.

Chẳng hạn, Hà Nội hỗ trợ 5 triệu đồng/con nái, hỗ trợ 3 triệu đồng/con đực bố mẹ để đẩy nhanh tăng đàn, tái đàn với mục tiêu khôi phục 1,8 triệu đầu lợn như thời điểm trước dịch vào cuối năm 2020. Hay Nghệ An cũng có chính sách hỗ trợ 2 triệu/con nái và nhiều tỉnh như: Bình Dương, Đồng Nai, Nghệ An, Thanh Hoá, Tuyên Quang, Phú Thọ… đã có các chính sách hỗ trợ khôi phục chăn nuôi lợn. Nhiều tỉnh học hỏi kinh nghiệm của các tỉnh đã làm để đưa ra các chính sách hỗ trợ phù hợp với địa phương mình.

Thứ hai là với trên 115.000 con lợn cụ kỵ, ông bà được nhân đàn tại chỗ sẽ được tăng tỷ lệ chọn lọc. Cùng với kế hoạch nhập tinh lợn về để làm tươi máu đàn lợn cụ kỵ, ông bà; các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh nhập đàn lợn cụ kỵ, ông bà.

Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp đã nhập được trên 5.000 con, kế hoạch sẽ nhập tiếp khoảng 10.000 con trong năm nay. Kế hoạch nhập này để thay thế cho đàn lợn nhập của những năm 2016, 2017. Vì đàn lợn thường khoảng 4 năm phải thay 1 lứa. Như vậy, dự kiến lợn giống không chỉ đủ cho cuối năm nay mà còn đủ cho chu kỳ đến năm 2025.  

Thứ ba là để nhanh có đàn lợn giống, giảm áp lực thị trường, các doanh nghiệp đã nhập lợn bố mẹ. Điển hình, Công ty TNHH dinh dưỡng quốc tế Việt Đức đã nhập khẩu trên 200 con lợn bố mẹ, đến hết tháng 8 công ty này sẽ nhập đủ 2.000 con. Đàn lợn nhập này cuối năm sẽ cung cấp con giống ra thị trường.

“Với tổng thể các giải pháp trên cùng với việc sản xuất giống từ trên 2,9 triệu con nái sẽ cung cấp đủ giống cho thời gian tới.”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, chăn nuôi lợn phát triển giống như là hình tháp với đỉnh là lợn cụ kỵ, rồi đến ông bà, bố mẹ và thương phẩm, mỗi bậc sẽ tăng dần. Với đặc điểm sinh học và mô hình tháp như vậy, việc nhập khẩu từ đàn bố mẹ trở lên ngành chăn nuôi sẽ có lợi hơn. Bên cạnh đó, trong quy định không cho nhập con thương phẩm. 

Việc không cho nhập lợn thương phẩm chính là rào cản kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước, cho đội ngũ nghiên cứu khoa học chủ động nghiên cứu, sản xuất giống phát triển. Các giống nước ngoài có thể không hơn giống trong nước về năng suất nhưng hơn về sạch bệnh, khả năng miễn dịch…, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết thêm.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, để phát triển nhanh quan trọng nhất là phải đủ số lượng và chất lượng con giống. Tuy nhiên, ngoài việc cung cấp giống, chăn nuôi an toàn sinh học vẫn là giải pháp then chốt để đảm bảo hiệu quả vì dịch tả lợn châu Phi vẫn có nguy cơ tái bùng phát khi chưa có vắc xin, thuốc chữa. 

Về việc nhập khẩu thịt lợn, theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến ngày 18/5 đã nhập khẩu hơn 65.000 tấn, tăng gần 300% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, nhập khẩu chủ yếu từ Canada, Đức, Ba Lan, Brazil, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Liên bang Nga…

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, về quy trình nhập khẩu mặt hàng thịt lợn, theo quy định pháp luật hiện hành, hiện các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn chỉ phải làm thủ tục liên quan đến kiểm dịch thịt lợn nhập khẩu, chất lượng thịt lợn nhập khẩu tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Thú y). Trên cơ sở đơn đăng ký kiểm dịch của doanh nghiệp, Cục Thú y có văn bản cho phép doanh nghiệp được kiểm dịch lượng hàng nhập khẩu.

Tiếp theo, doanh nghiệp xuất trình văn bản cho phép của Cục Thú y đến Chi cục thú y vùng (do Cục Thú y chỉ định) để thực hiện thủ tục kiểm dịch thịt lợn nhập khẩu. Sau đó, doanh nghiệp mang Giấy chứng nhận kiểm dịch thịt lợn nhập khẩu do Chi cục thú y vùng cấp đến cơ quan Hải quan để làm các thủ tục thông quan nhập khẩu. 

"Ngoài các thủ tục hành chính nêu trên, các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn không phải đến bất cứ cơ quan nào khác, kể cả Bộ Công Thương, để làm thủ tục liên quan đến việc nhập khẩu thịt lợn.", Thứ trưởng Đỗ Thằng Hải khẳng định.

So với con số cần phải nhập khẩu 100.000 tấn thịt lợn mà Chính phủ giao thì nay mới đạt 65%. Với việc nhập khẩu chưa đạt mục tiêu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Bộ đã có một số buổi làm việc với doanh nghiệp về vấn đề nhập khẩu thịt lợn, nhưng người dân không có thói quen dùng thịt lợn nhập khẩu nên các doanh nghiệp rất dè dặt trong nhập khẩu. Thói quen này của người tiêu dùng cũng dẫn đến việc các ngành gặp khó khăn trong điều hành thị trường mặt hàng này.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngành tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn. Sản phẩm thịt lợn được nhập khẩu từ các nước như Đức, Canada… có nền chăn nuôi tiên tiến về kỹ thuật cao theo chuỗi khép kín từ giống, thức ăn, quy trình vận chuyển, giết mổ đều được kiểm soát an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khuyến cáo người tiêu dùng nên thay đổi thói quen tiêu dùng nhiều thịt lợn. Các thực phẩm có thể thay thế thịt lợn cũng rất nhiều như gia cầm, trứng, thủy sản… Việc thay đổi thói quen tiêu dùng thịt lợn sang sử dụng thuỷ sản, gia cầm trứng vẫn đáp ứng đủ nhu cầu về dinh dưỡng mà còn phù hợp với túi tiền, bù đắp phần nào nguồn cung thịt lợn đang thiếu.

Bích Hồng  (TTXVN)
Tái đàn lợn theo hướng an toàn
Tái đàn lợn theo hướng an toàn

Nhằm khôi phục đàn lợn bị sụt giảm bởi dịch tả lợn châu Phi, đồng thời góp phần bù đắp cho giá trị sản xuất của ngành trồng trọt đang bị ảnh hưởng nặng do hạn hán, xâm nhập mặn, nhiều địa phương đang tập trung vào việc tái đàn, song bên cạnh đó cũng không được lơ là chủ quan với việc phòng chống dịch bệnh tả lợn châu Phi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN