Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, tình trạng thiếu nguồn cung hiện nay là rất rõ. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, so với 2018, năm 2019 đã thiếu 20 - 21% tổng đàn lợn cũng như sản lượng thịt cung cấp cho thị trường. Và ba tháng đầu năm 2020, lại tiếp tục giảm 20% nữa so với cùng kỳ năm 2019.
“Nhiều địa phương như Bắc Giang còn phản ánh tình trạng thiếu nguồn cung cả lợn giống và lợn thịt, thiếu đến 50%, thậm chí trên 50%. Trong khi hiện nay còn khoảng 17-18 tỉnh địa phương chưa công bố hết dịch. Như vậy, người nông dân chưa yên tâm để tái đàn. Hiện nay nguồn cung là rất thiếu, kể cả một số hộ muốn tái đàn thì họ không còn vốn, và dù có vốn thì con giống cũng rất đắt, mỗi con lên tới 2,5 - 3 triệu/con”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, giải pháp tối ưu bền vững, cơ bản nhất và tạo có thể công ăn việc làm cho người chăn nuôi, là phải tái đàn. Tuy nhiên, không thể một lúc có thể bù đắp được lượng thiếu.
“Theo tính toán của các địa phương, nhất là các doanh nghiệp, thì sớm nhất phải hết năm nay, nếu không có gì đột biến thì lượng lợn cung cấp ra mới tương đương trước khi có dịch. Như vậy từ nay đến cuối năm vẫn thiếu nguồn cung, trong về cầu thì càng tăng”, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết.
Bên cạnh thực hiện tốt việc tái đàn, để đáp ứng nguồn cung, hiện không có cách nào khác là nhập khẩu thịt lợn để bù đắp phần thiếu hụt. Nhưng việc nhập khẩu phải tính toán dựa trên nguồn cung từng tháng ở trong nước được bao nhiêu, còn lại nhập khẩu bao nhiêu, nếu nguồn cung trong nước tăng lên thì phải giảm nhập khẩu đi để bảo vệ người chăn nuôi trong nước.
Hiện Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thực hiện các giải pháp bình ổn mặt hàng thịt lợn, kể cả nguồn nhập khẩu. Bộ đã chỉ đạo các Thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài tìm đầu mối nhập khẩu đảm bảo về giá cả, chất lượng cho doanh nghiệp trong nước. Hiện nay, doanh nghiệp nhập khẩu không cần qua Bộ Công Thương làm thủ tục, mà chỉ qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Cục thú y và Chi cục thú y vùng để làm giấy phép và đến cơ quan hải quan làm thủ tục nhập khẩu là xong.
“Cá nhân tôi mong muốn cuối năm nay tình hình về lợn quay lại bình thường như khi chưa có dịch năm 2018”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải mong muốn.
Bên cạnh đó, lực lượng Quản lý thị trường của Bộ Công Thương cũng đang phối hợp với các lực lượng như 389, các địa phương để tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc đầu cơ trục lợi, vận chuyển lợn trái phép, kể cả việc xuất khẩu lợn ra các nước và ngược lại. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đang phối hợp với các nhà phân phối, hệ thống siêu thị để tổ chức chương trình khuyến mại, bình ổn giá mặt hàng thịt lợn.
“Vừa qua siêu thị Big C đã làm rất tốt, nhưng cũng ở mức độ nhất định, vì vẫn là vấn đề cung cầu, họ không thể giữ mãi một giá, khi mà giá bên ngoài cao vọt lên. Doanh nghiệp có thể chấp nhận trong một thời điểm nào đó không tăng giá thịt lợn, thậm chí chấp nhận lỗ, như trong tháng 4 Big C phải bù lỗ hơn 17 tỷ đồng cho chương trình bình ổn giá thịt lợn. Nhưng cũng không thể kéo dài mãi tình trạng lỗ như vậy của doanh nghiệp. Cuối cùng quay lại vẫn là vấn đề nguồn cung”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá quý I năm 2020 về kiểm soát giá thịt lợn, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo 389 và các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống kênh phân phối, cung ứng, lò mổ và đầu mối bán buôn, bán lẻ đối với mặt hàng thịt lợn tính từ cửa trại, cửa chuồng của doanh nghiệp, người chăn nuôi đến doanh nghiệp, siêu thị, người bán... cung ứng cho người tiêu dùng để làm rõ những bất cập, hạn chế tác động tiêu cực đẩy giá lợn hơi lên cao.
Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động mua bán của các thương nhân mua bán thịt lợn và xử lý nghiêm các trường hợp găm hàng, đẩy giá cao. Giám sát chặt chẽ, hạn chế tối đa và xử lý nghiêm việc buôn bán, vận chuyển, xuất nhập khẩu lợn sống và thịt lợn trái phép.
Đồng thời, khuyến khích, yêu cầu các doanh nghiệp phân phối, bán buôn, bán lẻ, các siêu thị triển khai chương trình bình ổn mặt hàng thịt lợn. Mở rộng cung ứng ra thị trường bán lẻ từ nguồn thịt lợn nhập khẩu từ các cơ sở sản xuất trong nước và đơn vị nhập khẩu, định hướng người tiêu dùng tiêu thụ sản phẩm thịt từ nguồn nhập khẩu.